TỶ LỆ GIỮA TỔNG VỐN ĐẦU TƯ – VỐN GÓP – VỐN HUY ĐỘNG.

Liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc chứng minh năng lực tài chính như bài trước đã phân tích (tham khảo tại đây) , thì vấn đề các nhà đầu tư phải góp vốn bao nhiêu cho một dự án? Số vốn góp chiếm tỷ lệ như thế nào với tổng vốn đầu tư cũng là một vấn đề đáng lưu ý, để các nhà đầu tư có thể chuẩn bị một nguồn tài chính đủ cho các hoạt động đầu tư của mình tại thị trường Việt Nam, ít nhất về mặt pháp lý.

Như chúng ta đã biết, hiểu một cách đơn giản, vốn góp là số tiền do nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án. (Phân biệt thế nào là vốn đầu tư, vốn góp, vốn huy động, vui lòng tham khảo tại đây).

Hiện nay, pháp luật về đầu tư chưa có quy định cụ thể về việc nhà đầu tư khi thực hiện loại dự án phải đáp ứng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm giữa vốn góp và vốn đầu tư ngoại trừ đối với dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Theo đó, Điều 14 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:

“2. Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau:

a) Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên;

[…]”

Căn cứ theo quy định trên, chúng ta hiểu rằng, các dự án có sử dụng đất do nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải đáp ứng tỷ lệ tối thiểu luật định giữa vốn góp và vốn đầu tư, trên cơ sở diện tích đất sử dụng trong dự án.

Quy định trên cũng được dẫn chiếu văn bản của địa phương liên quan đến vấn đề đầu tư, điển hình Quyết định số 2214/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu[1]. Theo đó, Quyết định 2214 có những nội dung đáng chú ý sau:

  • Đối tượng áp dụng dành cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đăng ký thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh[2];
  • Phạm vi áp dụng đối với dự án đầu tư thành lập mới cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh (kể cả dự án đầu tư mở rộng) không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất[3]; và
  • Quy định năng lực tài chính tối thiểu của nhà đầu tư tương tự như tại Điều 14 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP[4].

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là liệu Quyết định 2214 có “tự động” mở rộng phạm vi áp dụng đối với tất cả các dự án có sử dụng đất hay năng lực tài chính tối thiểu của nhà đầu tư theo Quyết định 2214 phải được hiểu trong phạm vi của Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nghĩa là chỉ áp dụng trong 3 trường hợp: dự án được giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất)? Và liệu rằng, UBND của các tỉnh và thành phố có được thẩm quyền đặt ra các tiêu chuẩn (vượt ra ngoài phạm vi quy định của luật, nghị định) cho các hoạt động đầu tư trên địa bàn của mình hay không?

Thực tế hiện nay, khi tiến hành thủ tục đăng ký đầu tư dự án mới, không phải chỉ mỗi cơ quan đăng ký đầu tư ở Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các dự án đầu tư có sử dụng đất (dưới bất kỳ hình thức nào) đều đáp ứng tỷ lệ vốn góp và vốn đầu tư theo Điều 14 Nghị định 43 mà còn một số tỉnh thành khác như Kiên Giang là một ví dụ. Tuy nhiên, vẫn có những tỉnh thành khác không yêu cầu phải đáp ứng tỷ lệ vốn đối những dự án đầu tư không thuộc trường hợp sử dụng đất theo quy định tại Điều 14 Nghị định 43 ví dụ như Bình Dương, Đồng Nai hay Tp. HCM.


[1] Quyết định 2214/QĐ-UBND về việc ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành ngày 16/8/2016.

[2] Quyết định 2214, Điều 1.1.

[3] Quyết định 2214, Điều 1.2(a).

[4] Quyết định 2214, Điều 3.1(d).

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.