Quyen chon luat hop dong

QUYỀN CHỌN LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG BỊ HẠN CHẾ TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO?

Việc thoả thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài đang là một xu hướng khá phổ biến, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà pháp luật nước có sự tiến bộ và phát triển hơn so với pháp luật Việt Nam.

Tuy BLDS 2015 đã minh thị thừa nhận quyền tự do chọn luật của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài, không phải bất kỳ việc chọn luật nước ngoài nào cũng được thừa nhận. Bài viết này sẽ điểm qua những hạn chế cơ bản nhất của việc chọn luật nước ngoài để điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Quyen chon luat hop dong
Quyền chọn luật điều chỉnh hợp đồng

Xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.

1. Nguyên tắc chung đối với việc giới hạn áp dụng pháp luật nước ngoài

Để việc áp dụng pháp luật nước ngoài được thừa nhận tại Việt Nam, việc chọn luật nước ngoài trước hết sẽ phải thoả mãn hai điều kiện tiên quyết được đề cập tại Điều 670 của BLDS 2015, đó là: 

(1) Hệ quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Trong đó, thuật ngữ “không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” hay được biết đến là “vi phạm trật tự công cộng” là một thuật ngữ không còn lạ lẫm tại các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam có liên quan đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài, thi hành hoặc công nhận phán quyết của toà án, trọng tài nước ngoài.

Xem thêm bài viết có liên quan đến thuật ngữ trên: “Thực trạng công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam: Vụ việc thực tế và bình luận

(2) Nội dung của pháp luật nước ngoài được áp dụng phải có thể xác định được.

Đây là một trong các nội dung mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005. Đối chiếu với BLTTDS 2015, có thể thấy rằng nghĩa vụ chứng minh nội dung của pháp luật nước ngoài sẽ thuộc về các đương sự[1]. Nếu các bên không thể chứng minh được nội dung của pháp luật nước ngoài và Toà án thụ lý cũng không thể xác định được nội dung pháp luật nước ngoài sau khi yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, v.v. cung cấp, pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng thay thế[2].

1. Trường hợp đối tượng của hợp đồng là bất động sản 

Điều 683.4 của BLDS 2015 quy định:

“Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản”.

Liên quan đến nội dung này, cần lưu ý hai điểm như sau: 

Thứ nhất, khác với BLDS 2005, thay vì chỉ hướng đến đối tượng là bất động sản tại Việt Nam, BLDS 2015 đã đưa hệ thuộc luật nơi có bất động sản áp dụng đối với toàn bộ các trường hợp hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Theo đó, nếu hai bên tại Việt Nam tiến hành một giao dịch mua bán đối với một bất động sản ở Mỹ, pháp luật Mỹ sẽ được áp dụng để điều chỉnh (nếu giao dịch này xảy ra vào thời điểm BLDS 2005 có hiệu lực, việc vận dụng hệ thuộc luật nơi có bất động sản để xác định luật điều chỉnh sẽ không thể thực hiện do BLDS 2005 chỉ hướng đến điều chỉnh bất động sản tại Việt Nam)[3].

Thứ hai, không phải tất cả các hợp đồng có yếu tố nước ngoài liên quan đến bất động sản sẽ được điều chỉnh bởi luật nơi có bất động sản như BLDS 2005. Thay vào đó, việc áp dụng hệ thuộc luật nơi có bất động sản của BLDS 2015 chỉ diễn ra đối với (1) hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản; (2) hợp đồng thuê bất động sản hoặc (3) hợp đồng sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Quy định này được xem là tiến bộ khi quyền chọn luật của các bên không hoàn toàn bị loại bỏ đối với các giao dịch có liên quan đến bất động sản[4]. Ví dụ: trong hợp đồng môi giới bất động sản đối với bất động sản tại Mỹ, hạn chế về quyền chọn luật tại Điều 683.4 BLDS 2015 sẽ không được áp dụng, thay vào đó, các bên hoàn toàn có thể lựa chọn pháp luật Việt Nam hoặc bất kỳ pháp luật nào khác để áp dụng. 

2. Trường hợp hợp đồng lao động (HĐLĐ) và hợp đồng tiêu dùng (HĐTD) 

Điều 683.5 của BLDS 2015 quy định: 

“Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng”. 

Khác với quy định tại Điều 683.4 BLDS 2015 (hợp đồng có đối tượng là bất động sản) nêu trên, BLDS 2015 vẫn cho phép các bên toàn quyền chọn luật để áp dụng cho HĐLĐ hoặc HĐTD. Tuy nhiên, với tính chất là hợp đồng có 1 bên yếu thế hơn[5], BLDS 2015 ràng buộc thêm 1 điều kiện cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài đối với các loại hợp đồng này, đó là, pháp luật nước ngoài được áp dụng phải không ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu mà người lao động hoặc người tiêu dùng được hưởng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nói đơn giản, nếu việc áp dụng pháp luật nước ngoài dẫn đến người lao động hoặc người tiêu dùng không được hưởng các quyền lợi tối thiểu theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước ngoài sẽ không được áp dụng và thay vào đó là pháp luật Việt Nam. Ngược lại, nếu pháp luật nước ngoài bảo đảm các quyền lợi tối thiểu hoặc đưa ra các quyền lợi cao hơn mức tối thiểu của pháp luật Việt Nam thì ý chí chọn luật nước ngoài để điều chỉnh của các bên sẽ hoàn toàn được tôn trọng. 


[1] Xem thêm: Điều 481.1 BLTTDS 2015.

[2] Xem thêm: Điều 481.4 BLTTDS 2015.

[3] Xem thêm: Điều 769.2 BLDS 2005.

[4] Xem thêm: Thi Hong Trinh Nguyen, “Party autonomy in Vietnam – the new choice of law rules for international contracts in the civil code 2015” (2018) 14 Journal of Private International Law 343, 352. 

[5] Người lao động và người tiêu dùng được xem là các bên yếu thế hơn trong HĐLĐ và HĐTD; Xem thêm: Ts. Ngô Quốc Chiến & Ts. Nguyễn Minh Hằng, “Pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và khuyến nghị cho các doanh nghiệp Việt Nam” <https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2017/08/12/php-luat-p-dung-cho-hop-dong-c-yeu-to-nuoc-ngoi-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dn-su-2015-v-khuyen-nghi-cho-cc-doanh-nghiep-viet-nam/>

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

2 Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.