By Bao Nguyen

MỘT SỐ BÌNH LUẬN VỀ CƠ CHẾ BẢO VỆ “TIỀN” CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG VÍ ĐIỆN TỬ

Download bản PDF bài viết tại ĐÂY.

Công nghệ tài chính (Fintech / Financial technology) là một trong các lĩnh vực nhận được sự quan tâm và đầu tư rất mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian gần đây. Với sự phát triển nhanh chóng của việc ứng dụng công nghệ vào các giao dịch tài chính truyền thống, các doanh nghiệp Fintech đã dần hiện diện và chiếm lĩnh hầu hết các thị trường ngách của thị trường tài chính – nơi mà các cá nhân và tổ chức yếu thế và nhỏ lẻ bị “bỏ rơi” bởi chính các định chế tài chính truyền thống như ngân hàng[1]. Sự phát triển nhanh chóng của Fintech một mặt đã thúc đẩy mục tiêu tài chính toàn diện (financial inclusion) của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam[2], nhưng mặt khác cũng tạo ra sự lúng túng cho các nhà làm luật trong việc xây dựng khung pháp lý phù hợp để điều chỉnh các sản phẩm công nghệ tài chính này. 

Bất kỳ thị trường tài chính nào trên thế giới cũng đều được xây dựng từ trụ cột quan trọng nhất là “niềm tin” (credit). Về mặt lý luận, một thị trường tài chính ổn định và phát triển là một thị trường mà ở đó các dịch vụ tài chính tiếp cận được đến phần lớn (hoặc toàn bộ) người tiêu dùng và người tiêu dùng duy trì “niềm tin” đủ vững chắc vào sự bền vững của chính thị trường tài chính đó. Do đó, việc xây dựng và duy trì những quy định cẩn trọng (prudential requirements) áp dụng đối với các tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ tài chính nhằm bảo vệ người tiêu dùng luôn là việc được đặt lên hàng đầu.

Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích về các quy định pháp luật liên quan đến việc bảo vệ “tiền” của người tiêu dùng đối với ví điện tử (e-wallet) – một trong số các giải pháp Fintech đang phát triển ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian gần đây. 

Vì sao phải bảo vệ “tiền” của người tiêu dùng

Khi một người tiêu dùng tham gia vào thị trường tài chính, họ thông thường sẽ chuyển tiền của mình cho một tổ chức tài chính (hoặc trung gian tài chính) nắm giữ và sử dụng. Hình thái cơ bản nhất của hoạt động này chính là việc các cá nhân hoặc tổ chức mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Khi đó, tiền nằm trong tài khoản ngân hàng đứng tên họ nhưng việc nắm giữ và sử dụng số tiền đó trên thực tế là thuộc về ngân hàng. Đây chính là nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng – huy động vốn từ các cá nhân và tổ chức trên thị trường và chuyển nguồn vốn huy động được cho các tổ chức, cá nhân khác cần sử dụng vốn thông qua hoạt động cấp tín dụng. Rủi ro đối với người tiêu dùng trong trường hợp này thường được nhìn nhận cơ bản dưới hai góc độ, (1) rủi ro thanh khoản (liquidity risk) – rủi ro về việc ngân hàng không thể hoàn trả tiền gửi lại cho khách hàng gửi tiền ngay lập tức khi có yêu cầu (do ngân hàng chưa thu hồi được nguồn vốn đã cấp tín dụng), đây là rủi ro thường xảy ra khi có hiện tượng rút tiền hàng loạt (bank run) từ người gửi tiền và (2) rủi ro phá sản (insolvency risk) – rủi ro về việc ngân hàng mất khả năng thanh toán / hoàn trả lại tiền cho khách hàng (có thể phát sinh do việc ngân hàng có quá nhiều khoản nợ xấu không thể thu hồi). Để bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro này, pháp luật yêu cầu các ngân hàng phải tuân thủ một hệ thống các quy định cẩn trọng (prudential requirements) nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong hoạt động ngân hàng (ví dụ: quy định về tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (loan-to-deposit ratio – LDR)[3]) và cơ chế bảo hiểm tiền gửi (deposit insurance) để phần nào bảo vệ cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản và mất khả năng thanh toán[4]

Nếu không có các quy định và cơ chế phù hợp để bảo vệ “tiền” của người tiêu dùng, việc một tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cố tình sử dụng sai mục đích “tiền” của khách hàng hoặc việc khách hàng đứng trước nguy cơ mất toàn bộ tiền của mình do tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính đó phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây hoàn toàn không phải chỉ là rủi ro trên lý thuyết mà sự sụp đổ của các nền tảng cho vay ngang hàng tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã chứng minh điều này[5]

Cơ chế bảo vệ “tiền” của người tiêu dùng đối với ví điện tử

Hoạt động của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử (“tổ chức CƯDV ví điện tử”) được quy định tương đối cụ thể tại Thông tư 39/2014/TT-NHNN, sửa đổi bởi Thông tư 23/2019/TT-NHNN (“Thông tư 39”). Theo đó, Thông tư 39 quy định tổ chức CƯDV ví điện tử phải mở một (hoặc nhiều) tài khoản bảo đảm thanh toán tại một (hoặc nhiều) ngân hàng hợp tác để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này[6]. Theo đó, tài khoản bảo đảm thanh toán sẽ mang những đặc điểm chủ yếu sau:

  • Tài khoản bảo đảm thanh toán là tài khoản tách bạch với tất cả các loại tài khoản khác của tổ chức CƯDV ví điện tử[7]
  • Số dư trên tất cả các tài khoản bảo đảm thanh toán phải không thấp hơn tổng số dư của toàn bộ các ví điện tử của khách hàng tại cùng một thời điểm[8];
  • Tài khoản bảo đảm thanh toán chỉ được giới hạn sử dụng cho một số mục đích nhất định[9]; và
  • Tài khoản bảo đảm thanh toán chịu sự giám sát của bộ phận chuyên trách thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam[10].

Một số bình luận về cơ chế bảo vệ “tiền” của người tiêu dùng đối với ví điện tử

Tính chất và cơ chế hoạt động của tài khoản bảo đảm thanh toán giúp cho tiền của người sử dụng ví điện tử hoàn toàn được tách bạch với tiền và tài sản của tổ chức CƯDV ví điện tử, đồng thời tổ chức CƯDV ví điện tử cũng không được phép sử dụng tiền trong ví điện tử của khách hàng cho những mục đích không được khách hàng cho phép hoặc được Thông tư 39 quy định cụ thể. Việc sử dụng tài khoản bảo đảm thanh toán theo Thông tư 39 cũng khá tương đồng với cách tiếp cận của một số quốc gia tại châu Á như Malaysia, Philipines và Indonesia[11]. Tuy vậy, câu hỏi đặt ra rằng liệu một tài khoản bảo đảm thanh toán như vậy có tạo ra một cơ chế đủ an toàn nhằm bảo vệ tiền của người sử dụng ví điện tử hay không?

Tác giả cho rằng bản chất pháp lý của tài khoản bảo đảm thanh toán vẫn còn chưa thực sự rõ ràng để có thể đem đến một cơ chế bảo vệ tốt nhất cho người sử dụng ví điện tử, đặc biệt trước rủi ro phá sản từ tổ chức CƯDV ví điện tử. Điều này xuất phát từ việc quyền sở hữu về mặt pháp lý đối với số tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán thuộc về tổ chức CƯDV ví điện tử mà không phải là người sử dụng ví điện tử. Cụ thể hơn, 

Thứ nhất, Thông tư 39 không có điều khoản nào quy định minh thị về việc tài khoản bảo đảm thanh toán là tài khoản cầm giữ tiền của người sử dụng ví điện tử. Thông tư 39 chỉ dừng lại ở việc yêu cầu tổ chức CƯDV ví điện tử bảo đảm số dư trên tài khoản bảo đảm thanh toán không thấp hơn số dư trên tổng số các ví điện tử, tuy vậy, điều này hoàn toàn không đồng nghĩa với việc số dư trong tài khoản bảo đảm thanh toán chính là tiền do khách hàng sử dụng ví điện tử nộp vào ví điện tử. Hơn nữa, liên quan đến các giao dịch được phép đối với tài khoản bảo đảm thanh toán tại Điều 8.3, Thông tư 39 cũng không quy định về việc tài khoản bảo đảm thanh toán sẽ là tài khoản để nhận tiền mà khách hàng nộp vào ví điện tử. Do vậy, không có cơ sở pháp lý để cho rằng tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán chính là tiền của người sử dụng ví điện tử. 

Thứ hai, Điều 3.7 của Thông tư 39 có quy định tài khoản bảo đảm thanh toán là tài khoản đứng tên của tổ chức CƯDV ví điện tử. Theo đó, tiền giữ trong tài khoản bảo đảm thanh toán về mặt hình thức vẫn đang được xác định thuộc quyền sở hữu của tổ chức CƯDV ví điện tử mà không phải của người sử dụng ví điện tử. 

Thứ ba, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt (3 quyền hợp thành nội hàm của quyền sở hữu) liên quan đến số tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán thuộc về tổ chức CƯDV ví điện tử mà không phải là người sử dụng ví điện tử. Cụ thể hơn, khi chuyển tiền vào ví điện tử do tổ chức CƯDV ví điện tử cung cấp, quyền của người sử dụng ví điện tử lúc này đối với số tiền đã chuyển vào ví điện tử mang bản chất của một trái quyềnhơn là vật quyền. Nói cách khác, người sử dụng ví điện tử chỉ có quyền yêu cầu tổ chức CƯDV ví điện tử thực hiện quyền sử dụng và định đoạt đối với số tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán (thông qua việc chỉ thị thanh toán, rút tiền, v.v) mà không thể trực tiếp thực hiện các quyền đó. Do vậy, dù quyền sử dụng và định đoạt đối với số tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán của tổ chức CƯDV ví điện tử là quyền hạn chế và phụ thuộc nhưng điều này không làm thay đổi bản chất rằng tổ chức CƯDV ví điện tử đang được trao quyền trong vai trò là một chủ sở hữu của tài khoản bảo đảm thanh toán. 

Việc xác định quyền sở hữu của một tổ chức đối với một khối tài sản nhất định là cực kỳ quan trọng trong việc xác định tài sản để thanh toán cho các nghĩa vụ nợ trong trường hợp tổ chức đó phá sản. Theo quy định tại Luật Phá sản 2014, tài sản của doanh nghiệp được phân chia để thanh toán cho các loại nợ và chi phí cũng như cho các đối tượng nhất định theo thứ tự ưu tiên tại Điều 54.1. Như vậy, nếu xem tài khoản bảo đảm thanh toán cũng là tài sản của tổ chức CƯDV ví điện tử thì số tiền nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán này cũng sẽ được sử dụng để chi trả theo thứ tự đó. Với việc quyền của người sử dụng ví điện tử đối với khoản tiền trong tài khoản bảo đảm thanh toán có thể được xem là trái quyền như phân tích ở trên, hoàn toàn có khả năng người sử dụng ví điện tử bị xếp vào cùng một thứ tự ưu tiên với chủ nợ không có bảo đảm, và theo đó, gần như không có khả năng người sử dụng ví điện tử có thể thu hồi lại được tiền của mình khi tổ chức CƯDV ví điện tử phá sản. Mặc dù Thông tư 39 có quy định về việc hoàn trả tiền trong tài khoản bảo đảm thanh toán cho khách hàng khi tổ chức CƯDV ví điên tử phá sản[12], quy định này không giải quyết được câu chuyện liệu việc hoàn trả trên có phụ thuộc vào thứ tự ưu tiên thanh toán theo Điều 54.1 của Luật Phá sản 2014 hay không? Nói cách khác, quy định của pháp luật hiện hành chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ vững chắc để bảo vệ tối đa quyền lợi của người sử dụng ví điện tử trong trường hợp tổ chức CƯDV ví điện tử phá sản. 

Kinh nghiệm của một số quốc gia khác cho thấy việc sử dụng cơ chế uỷ thác (trust đối với các nước theo hệ thống common law và fiduciary đối với các nước theo hệ thống civil law) được xem là một cơ chế gần như hoàn chỉnh để có thể hoàn toàn tách bạch được tài sản của người sử dụng ví điện tử cũng như bảo vệ được khối tài sản đó trước các chủ nợ của tổ chức CƯDV ví điện tử khi tổ chức này phá sản[13]. Một trong những chức năng quan trọng nhất của cơ chế uỷ thác trong hệ thống common law đó là việc cơ chế này cho phép tách bạch giữa quyền sở hữu về mặt pháp lý (legal ownership) và quyền sở hữu hưởng lợi (beneficial ownership). Theo đó, tổ chức CƯDV ví điện tử (với vai trò là chủ sở hữu pháp lý) sẽ có quyền chiếm hữu và sử dụng tài sản được uỷ thác (tiền của người sử dụng ví điện tử) nhưng việc chiếm hữu và sử dụng này sẽ phải tuân thủ chặt chẽ theo các nghĩa vụ và điều kiện thoả thuận với người sử dụng ví điện tử (với vai trò là chủ sở hữu hưởng lợi) và đồng thời phải vì lợi ích cao nhất của người sử dụng ví điện tử. Với việc quyền sở hữu được tách bạch cụ thể như vậy, cơ chế uỷ thác loại trừ đi khả năng các chủ nợ có thể thanh lý tiền của người sử dụng ví điện tử khi tổ chức CƯDV ví điện tử phá sản. 

Mặc dù vậy, trong khi trust là một sản phẩm của common law gần như khó có thể áp dụng tại các quốc gia có truyền thống civil law (do sự khác biệt về các học thuyết pháp lý về quyền sở hữu giữa civil law và common law[14]), fiduciary dù được áp dụng bởi một số quốc gia civil law[15] và thậm chí ít nhiều cũng đã được công nhận theo một số điều khoản cụ thể của BLDS 2015[16], việc thiết lập cơ chế fiduciary cho mô hình ví điện tử tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn được xem là tương đối phức tạp. Do đó, tác giả cho rằng có thể hoàn thiện pháp luật về bảo vệ “tiền” của người sử dụng ví điện tử thông qua một số kiến nghị như sau: 

Thứ nhất, pháp luật cần quy định minh thị về việc tài sản nằm trong tài khoản bảo đảm thanh toán sẽ không là đối tượng thanh lý theo quy định của Luật Phá sản 2014 và số tiền trong tài khoản bảo đảm thanh toán sẽ phải được trước hết, ngay lập tức và duy nhất hoàn trả cho người sử dụng ví điện tử. 

Thứ hai, pháp luật cần quy định cụ thể rằng tài khoản bảo đảm thanh toán cũng chính là tài khoản cầm giữ tiền của người sử dụng ví điện tử khi người sử dụng ví điện tử nạp tiền vào ví điện tử, và đồng thời, tiền do người sử dụng ví điện tử nộp vào ví điện tử cần phải được ghi có vào tài khoản bảo đảm thanh toán.

Thứ ba, các nhà làm luật cần cân nhắc sử dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi để áp dụng đối với số dư trong tài khoản ví điện tử của mỗi người sử dụng ví điện tử. Tạm thời bỏ qua những tranh luận pháp lý về việc liệu tiền được người sử dụng nạp vào ví điện tử có được xem là tiền gửi tương tự như khi gửi ngân hàng hay không[17], việc xây dựng một cơ chế dự phòng để bảo vệ người tiêu dùng khi số tiền của họ nạp vào ví điện tử không thể thu hồi lại được do sự kiện khách quan hay lỗi từ phía tổ chức CƯDV ví điện tử luôn là cần thiết để tạo tâm lý an tâm đối với người tiêu dùng khi sử dụng ví điện tử. 


[1]           Susanne Chishti và Janos Baberis, The Fintech Book: The Financial Techonology Handbook for Investors, Entrepreuneurs and Visionairies (John Wiley & Sons Ltd 2016) 13.

[2]           Xem thêm: Quyết định 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

[3]           Tỷ lệ LDR tại Việt Nam đang được áp dụng tại Việt Nam là 85% (Xem thêm: Thông tư 22/2019/TT-NHNN) 

[4]           Xem thêm: Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012.

[5]           Xem thêm: Robin Hui Huang, “Online P2P Lending and Regulatory Responses in China: Opportunties and Challenges” (2018) 19 Eur Bus Org Law Rev 63, 69.

[6]           Thông tư 39, Điều 8.2.

[7]           Thông tư 39, Điều 8.2. 

[8]           Thông tư 39, Điều 8.2.

[9]           Thông tư 39, Điều 8.3.

[10]         Thông tư 39, Điều 9.7. 

[11]         Micheal Tarazi và Paul Breloff, “Non-bank Money Issuers: Regulatory Approach to Protecting Customers’ Funds” (2010) CGAP Focus Note (No. 63).

[12]         Thông tư 39, Điều 8.3(b)(iv).

[13]         Johnathan Greenacre and Ross Barkley, “Using Trusts to Protect Mobile Money Customers” (2014) 2014 Sing J Legal Stud 59. 

[14]         Xem thêm: Bao Quoc Nguyen, “Mobile Money in Vietnam: Regulatory Approach and Protection of Customers’ Funds: A Critical Scruntiny”, 29. 

[15]         Ví dụ: Peru, Paraguay, Uruguay (Xem thêm: Rosa M. Oliveros & Lucia Pacheco, “Protection of Customers’ Funds in Electronic Money: A Myriad Regulatory Approaches” (2016) BBVA, 9 – 11)

[16]         Ví dụ quyền hưởng dụng (Điều 257 BLDS 2015).

[17]         Xem thêm tại Bao (n 14). 

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.