By Bao Nguyen

KHÁI QUÁT THỰC TIỄN VỀ VIỆC CHẤP NHẬN VÀ TỪ CHỐI HÀNG HÓA THEO CISG

CASE PRACTICES ON ACCEPTANCE AND REJECTION OF GOODS UNDER THE CISG AT A GLANCE

Abstract

Issues on acceptance and rejection of goods with respect to the CISG have considerably absorbed both academic and practical debates on a global scale let alone Vietnam. This paper shall revisit the case law practices and notable issues related to acceptance and rejection of goods settled under the umbrella of CISG to provide a glimpse anticipation for similar cases to be occurred in the future.

Keywords: CISG, Goods Acceptance, Goods Rejection

Bài viết này là ấn phẩm chung của TND LegalKiến Thức Pháp Lý. Độc giả có thể xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.

Công ước của Liên Hiệp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG hoặc Công ước) là luật áp dụng phổ biến đối với các hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế. Với tư cách là thành viên thứ 84 của CISG, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy vậy, các án lệ liên quan đến việc diễn giải và áp dụng CISG tại Việt Nam nhìn chung còn tương đối hạn chế. Do đó, tác giả cho là cần thiết để tiến hành xem xét và nghiên cứu các vụ việc có tính chất tương tự đã diễn ra và được giải quyết, từ cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn, nhằm giúp chúng ta định hình và dự đoán được đường hướng xét xử của cơ quan giải quyết tranh chấp trong các vụ việc cùng tính chất có thể xảy ra trong tương lai. Để tiện theo dõi, bài viết này bao gồm hai phần, trong đó phần 1 sẽ phân tích các vấn đề về việc chấp nhận hàng hoá và phần 2 liên quan đến việc từ chối hàng hoá theo CISG. Nội dung của cả 2 phần sẽ tập trung vào việc diễn giải các quy định của CISG và mô tả các vụ việc thực tế đã được xét xử bởi các cơ quan giải quyết tranh chấp trong các hệ thống pháp luật khác nhau.

Bài viết bao gồm ba phần:

(A) – Chấp nhận hàng hóa theo CISG
(B) – Từ chối hàng hóa theo CISG
(C) – Kết luận

Do bài viết tương đối dài nên dữ liệu bài viết hiển thị tại website chỉ bao gồm phần (B) Từ chối hàng hóa theo CISG và (C) Kết luận. Để xem đầy đủ toàn bộ nội dung của bài viết, bạn đọc vui lòng TẢI BÀI VIẾT tại ĐÂY.

(A) – Chấp nhận hàng hóa theo CISG

[Vui lòng tải bài viết đầy đủ để xem]

(B) – Từ chối hàng hóa theo CISG

7. Trái với việc nhận hàng hoá, từ chối hàng hoá là điều không bên nào mong muốn về mặt thương mại. CISG không đưa ra một điều khoản nào tổng hợp toàn bộ các trường hợp mà việc từ chối hàng hoá có thể xảy ra. Cơ sở cho việc từ chối được rải rác xuyên suốt Công ước nhưng tựu chung lại trong năm trường hợp sau[1], (1) bên mua thực hiện quyền huỷ hợp đồng do vi phạm cơ bản của bên bán[2]; (2) bên mua thực hiện quyền yêu cầu thay thế hàng hoá do hàng hoá không phù hợp cấu thành vi phạm cơ bản của bên bán[3]; (3) giao hàng sớm nhưng bên mua từ chối[4]; (4) giao hàng dư thừa mà bên mua từ chối[5]; và (5) tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ[6].

8. Cụ thể hơn, liên quan đến việc giao hàng sớm, quy định này có nguồn gốc từ Bộ Luật Hàng Hoá của Vương Quốc Anh năm 1893, sau đó được kế thừa bởi Công ước La Haye 1964 (ULIS)[7]. Cần lưu ý rằng không phải trong bất kỳ hoàn cảnh nào bên mua cũng có toàn quyết quyết định việc từ chối hàng hoá mà quyền này được giới hạn bởi nguyên tắc “thiện chí”[8]. Cách thức tiếp cận trên dường như cũng được áp dụng tương tự với việc giao hàng dư thừa. Lưu ý thêm, nếu các bên có thoả thuận về một khoảng chênh lệch có thể chấp nhận được của hàng hoá được giao thì khi bên bán giao hàng mà số lượng thực tế vẫn nằm trong độ chênh lệch cho phép đó thì bên bán không được xem là giao hàng dư thừa[9].

9. Có quan điểm cho rằng việc từ chối hàng hoá theo CISG chỉ có thể thực hiện khi hàng hoá đã nằm trong quyền kiểm soát của bên mua ngoại trừ trường hợp giao hàng theo nhiều đợt[10]. Khi thực hiện quyền từ chối hàng hoá, bên mua sẽ có nghĩa vụ bảo quản hàng hoá mà mình từ chối[11] trừ khi việc bảo quan đó làm phát sinh các chi phí bất hợp lý mà bên mua phải chịu[12]. Khác với việc Bộ Luật Thương Mại Thống Nhất (UCC) cho phép bên mua bán hàng hoá để thu hồi cả chi phí bảo quản lẫn các khoản thanh toán mà bên mua đã thực hiện liên quan đến hàng hoá đó[13], CISG chỉ xem xét đến các chi phí hợp lý mà bên mua phải chịu để thực hiện việc bảo quản[14].

10. Ngoài ra, việc bên mua bán hàng hoá mà mình từ chối có thể là quyền hoặc cũng có thể là nghĩa vụ của chính bên mua. Bên mua có quyền bán hàng hoá khi bên bán không thay thế hoặc thu hồi hàng hoá hoặc thanh toán các chi phí bảo quản trong một thời hạn hợp lý. Mặt khác, bên mua có nghĩa vụ bán hàng hoá khi hàng hoá đó có thể nhanh chóng hư hỏng hoặc chi phí liên quan đến việc bảo quản trở nên không hợp lý[15]. Trong tranh chấp được xét xử bởi Toà án Rizhao vào năm 1998[16] liên quan đến việc mua bán tôm đông lạnh giữa bên bán quốc tịch Trung Quốc và bên mua quốc tịch Mỹ, bên mua thực hiện quyền từ chối tôm nhập khẩu do tôm không đảm bảo về tính phù hợp của hàng hóa. Tuy nhiên, bên mua để nguyên cho số tôm bị từ chối này hư hỏng mà không thực hiện bán lại như quy định tại điều 88.2. Toà án sau đó nhận định rằng bên mua không thực hiện nghĩa vụ của mình tại điều 88.2 và do đó, số tiền mà bên mua nhận được từ bên bán do việc hàng hoá không phù hợp sẽ bị khấu trừ đi giá trị số tôm bị hư hỏng xuất phát từ việc bên mua không tuân thủ điều 88.2[17].

11. So sánh với UCC, nghĩa vụ của bên mua theo Công ước trên cơ sở quy định tại điều 88 dường như “nhẹ nhàng” hơn so với nghĩa vụ bán lại của bên mua quy định tại UCC do nghĩa vụ này không bao gồm trường hợp bán hàng hoá để tránh việc hàng hoá bị mất giá trị do biến động thị trường[18].

(C) – Kết luận

12. Có thể nhận thấy các vấn đề liên quan đến chấp nhận và từ chối hàng hoá đều xoay quanh “tính hợp lý”. Nói đơn giản hơn, khi “tính hợp lý” được định lượng một cách cụ thể, gần như toàn bộ các vấn đề chưa rõ ràng của CISG sẽ được giải đáp. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không dễ dàng khi mà “sự hợp lý” chịu sự ảnh hưởng của từng hệ thống pháp khác nhau theo từng thông lệ đặc trưng nhất định.

13. CISG, với bản chất là một điều ước quốc tế, cần phải được diễn giải phù hợp với Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Điều ước Quốc tế (UNCLT) quy định chi tiết rằng một điều ước quốc tế phải được diễn giải phù hợp với nguyên tắc thiện chí và bảo đảm mục đích cũng như mục tiêu hướng đến của điều ước quốc tế đó[19]. Do vậy, CISG cần được giải thích theo các thông lệ quốc tế thay vì các tập quán địa phương và do đó, việc xem xét đến các án lệ cùng được điều chỉnh bởi CISG từ nhiều hệ thống pháp luật khác nhau là rất quan trọng và cần thiết thay vì bản thân các cơ quan giải quyết tranh chấp tự mình diễn giải quy định của CISG với việc bị ảnh hưởng bởi chính hệ thống pháp luật mà mình đang đại diện.


[1]           Sarah Howard Jenkins, “Rejection, Revocation of Acceptance, and Avoidance: A Comparative Assessment of UCC and CISG Goods Oriented Remedies” (2013) 22 Minn J Intl 152, tr. 167; Xem thêm: Nguyễn Thị Thu Thảo và Lê Trần Quốc Công, “Nghĩa vụ nhận hàng và quyền từ chối nhận hàng theo Công ước Liên hợp quốc về mua bán hàng hoá quốc tế” (2017) 110 Tạp chí khoa học pháp lý số 7 42, tr. 43.

[2]           CISG, điều 49.

[3]           CISG, điều 46.2.

[4]           CISG, điều 52.1.

[5]           CISG, điều 52.2.

[6]           CISG, điều 71.

[7]           Pace Law School Institute of International Commercial Law, <https://www.cisg.law.pace.edu/cisg/biblio/will-bb52.html> (Micheal Will, 1/2/2005) truy cập vào ngày 11/10/2020

[8]           Điều 7.1 của CISG quy định:

“(1) Khi giải thích Công ước này, cần chú trọng đến tính chất quốc tế của nó, đến sự cần thiết phải hỗ trợ việc áp dụng thống nhất Công ước và tuân thủ trong thương mại quốc tế.”

[9]           Thảo (n 20) tr. 45.

[10]          Jenkins (n 20) tr. 168

[11]          CISG, điều 86(1).

[12]          CISG, điều 86(2).

[13]          UCC, điều 2-603(1).

[14]          CISG, điều 86(1); Xem thêm: UNCITRAL (n 5) 406.

[15]          CISG, điều 88.

[16]          Pace Law School Institute of International Commercial Law, <https://cisgw3.law.pace.edu/cases/991217c1.html> (11/5/2010) truy cập ngày 11/10/2020

[17]          Ibid.

[18]          UCC (n 32); Xem thêm: Jenkins (n 20) tr. 173.

[19]          Xem thêm: UNCLT, điều 31.


Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.