By Bao Nguyen

VĂN BẢN ỦY QUYỀN KHÔNG HỦY NGANG VÀ KHẢ NĂNG THI HÀNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Bài viết của Nguyễn Quốc Bảo và Sỹ Ngọc Thùy Trang

Thực tiễn gần đây cho thấy, xuất hiện một hình thức ủy quyền là “ủy quyền không hủy ngang (irrevocable (and permanent) power of attorney / authorization. Khác với các văn bản ủy quyền thông thường, người ủy quyền trong văn bản ủy quyền không hủy ngang cam kết ủy quyền vĩnh viễn và không chấm dứt ủy quyền. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể khung pháp lý cho ủy quyền không hủy ngang, dẫn đến hiện nay có nhiều quan điểm tranh cãi về tính hợp pháp của loại ủy quyền này. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến việc ủy quyền không hủy ngang, khả năng thi hành và hệ quả khi áp dụng hình thức ủy quyền này.

Dưới góc độ của các quy định pháp luật hiện hành, bài viết sẽ tập trung phân tích ba vấn đề sau:

(1) Thế nào là văn bản ủy quyền không hủy ngang?
(2) Ủy quyền không hủy ngang có phù hợp với quy định của pháp luật không?
(3) Khả năng thi hành của văn bản ủy quyền không hủy ngang theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Xem bản PDF bài viết tại ĐÂY.

Thế nào là văn bản ủy quyền không hủy ngang?

Tại Việt Nam, văn bản ủy quyền không hủy ngang xuất hiện khá phổ biến ở một số trường hợp như ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ủy quyền cổ đông, ủy quyền thành lập doanh nghiệp, v.v[1]. Khác với các văn bản ủy quyền thông thường, ủy quyền không hủy ngang về bản chất là một văn bản ủy quyền mà theo đó các bên thỏa thuận: (i) Thời hạn ủy quyền là vô thời hạn và (ii) Bên ủy quyền không được đơn phương chấm dứt ủy quyền bất kỳ lúc nào. Nói cách khác, việc ủy quyền này là vĩnh viễn và bên ủy quyền tuyệt đối không được chấm dứt ủy quyền nếu như không được sự đồng ý của bên được ủy quyền.

Ủy quyền không hủy ngang có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Để đánh giá tính hợp pháp của ủy quyền không hủy ngang, cần xem xét từng đặc trưng của hình thực ủy quyền này.

Về thời hạn ủy quyền:

Điều 140.3(a) và Điều 563 BLDS 2015 quy định thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận. Vấn đề ở đây là khả năng mà các bên có thể thỏa thuận liệu có phụ thuộc vào giới hạn luật định nào hay không. Căn cứ Điều 144 BLDS 2015, thời hạn được định nghĩa là “một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác”. Theo đó, thời hạn là một khoảng thời gian có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Nói cách khác, bản thân việc BLDS 2015 đặt tiêu đề cho Điều 563 là “Thời hạn ủy quyền” mà không phải là thuật ngữ khác đã hàm ý rằng các bên có thể thỏa thuận khoảng thời gian ủy quyền bao lâu tùy ý nhưng nó phải luôn có điểm bắt đầu và kết thúc, và theo đó, việc thỏa thuận thời hạn ủy quyền là vô thời hạn có thể không được công nhận. Có quan điểm khác cho rằng “thời hạn ủy quyền là vô thời hạn” vẫn phù hợp, ít nhất là dưới góc độ của Điều 107.3 của Luật Sở hữu Trí tuệ 2005[2]. Tuy vậy cần lưu ý rằng Điều 107.3 của Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 không nói rằng “thời hạn ủy quyền có thể là vô thời hạn”, mà thay vào đó, Điều này chỉ điều chỉnh trong trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn[3]. Bất kể phân tích trên, trên thực tế (ít nhất là đến thời điểm hiện tại), tranh luận này chỉ dừng ở góc độ lý luận. Một văn bản ủy quyền vô thời hạn vẫn có thể được xem là hợp pháp trên thực tế. Trong trường hợp cẩn trọng, bên ủy quyền cũng có thể “né tránh” sử dụng thuật ngữ vô thời hạn bằng cách thỏa thuận một thời hạn rất dài (ví dụ như 99 năm) hoặc đưa vào điều khoản tự động gia hạn khi bên được ủy quyền có yêu cầu.

Về việc ủy quyền không hủy ngang (bên ủy quyền không được rút ủy quyền bất kỳ lúc nào):

Quyền đơn phương chấm dứt ủy quyền được quy định tương đối cụ thể tại Điều 569 BLDS 2015. Theo đó, điều khoản này quy định rõ bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền bất kỳ lúc nào kể cả có thù lao hay không thù lao[4]. Như vậy, cần nhấn mạnh việc đơn phương chấm dứt ủy quyền là quyền của bên ủy quyền.

Vấn đề mấy chốt ở đây có lẽ cần xác định liệu Điều 569 BLDS 2015 là một quy phạm bắt buộc hay là một quy phạm tùy nghi. Trong một vụ án dân sự được Tòa án nhân dân Quận Ba Đình (Tp. Hà Nội) xét xử vào năm 2017, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện chấm dứt một hợp đồng ủy quyền không hủy ngang theo yêu cầu của bên ủy quyền căn cứ vào Điều 588.1 BLDS 2005[5]. Đáng tiếc, lập luận của hội đồng xét xử là còn tương đối sơ sài. Dù vậy, hướng giải quyết của Tòa cũng phần nào thể hiện rằng Điều 588.1 BLDS 2005 (hay nay là Điều 569 BLDS 2015) nên được xem xét là một quy phạm bắt buộc. Với bản chất là một quy phạm bắt buộc, thỏa thuận tại hợp đồng của các bên sẽ bị hạn chế bởi quy phạm bắt buộc đó.

Ở một góc nhìn khác, mặc dù Điều 569 BLDS 2015 không có các đặc điểm nhận dạng cơ bản của một quy phạm tùy nghi (ví dụ: không có cụm từ “trừ khi các bên có thỏa thuận khác” hoặc tương tự), không thể hoàn toàn khẳng định rằng quy phạm tại Điều 569 là một quy phạm mang tính chất bắt buộc. Điều 3.2 BLDS 2015 quy định một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Dựa theo nguyên tắc này, xét thấy mặc dù bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt việc ủy quyền, nhưng nếu bên ủy quyền thỏa thuận với bên được ủy quyền về việc không chấm dứt ủy quyền bất kỳ lúc nào, thì điều này được xem là bên ủy quyền đã tự nguyện cam kết, thỏa thuận chấm dứt quyền của mình. Thỏa thuận này cũng không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

(Quan điểm của tác giả về vấn đề này sẽ được phân tích thêm ở Trường hợp 2 bên dưới)

Khả năng thi hành của văn bản ủy quyền không hủy ngang theo pháp luật Việt Nam

Mặc dù thỏa thuận của các bên về ủy quyền không hủy ngang là không trái với quy định của pháp luật, phù hợp với nguyên tắc tự do thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận này không phải trong trường hợp nào cũng có khả năng thi hành và có thể áp dụng một cách hiệu quả. Trong một số trường hợp, văn bản ủy quyền không hủy ngang vẫn phải và có nguy cơ cao bị chấm dứt. Cụ thể:

Trường hợp 1: Văn bản ủy quyền không hủy ngang đương nhiên bị chấm dứt.

Pháp luật Việt Nam quy định văn bản ủy quyền không hủy ngang đương nhiên bị chấm dứt khi: Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại[6] và bên được ủy quyền không đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với công việc ủy quyền[7]. Do vậy, theo cách hiểu thông thường, ủy quyền không hủy ngang là ủy quyền vĩnh viễn. Nhưng theo quy định của pháp luật, ủy quyền không hủy ngang không phải vĩnh viễn mà có thời hạn tối đa là đến khi bên ủy quyền là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt hoạt động hoặc bên được ủy quyền không đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể để thực hiện công việc ủy quyền.

Trường hợp 2: Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền[8].

Trở lại với câu hỏi liệu rằng khi bên ủy quyền đã thỏa thuận không hủy ngang nhưng sau đó lại muốn đơn phương chấm dứt việc ủy quyền thì về mặt pháp lý có thể thực hiện được hay không?

Theo quan điểm của tác giả, nếu bên ủy quyền cam kết không hủy ngang nhưng sau đó họ muốn rút lại việc ủy quyền thì có cơ sở để chấp nhận, bởi vì suy cho cùng, quyền đơn phương chấm dứt thực hiện ủy quyền là quyền luật định của bên ủy quyền. Xét dưới góc độ hợp đồng, do điều khoản thỏa thuận về việc không hủy ngang không bị xem là một điều khoản vô hiệu[9], việc hủy ngang ủy quyền trong một ủy quyền không hủy ngang vẫn bị xem là một hành vi vi phạm hợp đồng và theo đó, bên ủy quyền phải bồi thường thiệt hại thực tế phát sinh đối với bên nhận ủy quyền. Trường hợp hợp đồng ủy quyền có thỏa thuận về chế tài phạt vi phạm thì bên ủy quyền còn phải chịu trách nhiệm tương ứng.

Khi xem xét hành vi hủy ngang ủy quyền không hủy ngang là một hành vi vi phạm hợp đồng, có quan điểm cho rằng bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền “buộc thực hiện nghĩa vụ[10] là không được hủy ngang nếu bên ủy quyền không thực hiện đúng thỏa thuận”. Điều 274 BLDS 2015 quy định “Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”. Xét thấy. việc rút ủy quyền là quyền của bên ủy quyền, việc bên ủy quyền cam kết không hủy ngang chỉ là một cam kết bên ủy quyền sẽ không thực hiện quyền của mình. Nay bên ủy quyền muốn rút lại cam kết được xem như bên ủy quyền muốn tiếp tục thực hiện quyền của mình, nên cam kết không hủy ngang không phải là nghĩa vụ của bên ủy quyền. Khái niệm nghĩa vụ theo BLDS không xem việc cam kết không thực hiện một quyền gọi là nghĩa vụ. Giống như trường hợp Bên A (mẹ) chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Bên B (con ruột) và Bên B cam kết không chuyển nhượng cho người khác cho đến khi Bên A chết. Đây chỉ là cam kết của Bên B về việc không thực hiện quyền chuyển nhượng của mình. Nhưng khi Bên B vẫn chuyển nhượng thì đây là quyền của Bên B mà Bên A không thể ngăn cản đượ dù cho có thỏa thuận.

Trường hợp 3: Việc thỏa thuận văn bản ủy quyền không hủy ngang có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu khi có dấu hiệu cho thấy các bên xác lập văn bản ủy quyền không hủy ngang nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác hoặc nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ. Chẳng hạn như ủy quyền không hủy ngang nhằm che giấu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tránh nghĩa vụ chịu thuế hoặc đảm bảo cho chuyển nhượng đất không đủ điều kiện thì văn bản ủy quyền này có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu.

Trường hợp 4: Bên ủy quyền chuyển giao quyền sở hữu về tài sản dẫn đến công việc ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện.

Về bản chất, bên được ủy quyền chỉ nhân danh bên ủy quyền thực hiện công việc và bên ủy quyền vẫn là người chịu mọi trách nhiệm và nhận được lợi ích từ công việc ủy quyền. Giả sử bên ủy quyền bằng một hành vi nào đó làm cho việc đại diện theo ủy quyền không thể thực hiện được như chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác hoặc tài sản đang được thi hành để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì lúc này, bên được ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc ủy quyền và thỏa thuận ủy quyền buộc phải chấm dứt.

Từ cách hiểu về ủy quyền như đã trình bày và các quy định tại Điều 565, 566, 567, 568 BLDS 2015 có thể thấy đối tượng của hợp đồng ủy quyền là công việc mà bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Bản thân tài sản hay quyền về tài sản vẫn thuộc về bên ủy quyền và bên ủy quyền phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền[11]. Như vậy, giả sử bên ủy quyền bằng một hành vi nào đó làm cho việc đại diện theo ủy quyền không thể thực hiện được như chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu của mình cho người khác hoặc tài sản đang được thi hành để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì lúc này, thỏa thuận ủy quyền buộc phải chấm dứt  theo Điều 140.3(g) BLDS 2015 vì bên được ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc ủy quyền (bởi vì đối tượng ủy quyền không còn, bên ủy quyền đã không còn quyền đối với tài sản).


*           Xem thêm thông tin cá nhân của tác giả Nguyễn Quốc Bảo tại ĐÂY.
 

[1]           Trong nhiều trường hợp, các giao dịch này thường được tạo lập để thay thế cho một giao dịch khác mà giao dịch đó, nếu được các chủ thể liên quan thực hiện, sẽ không được công nhận theo quy định của pháp luật.  

[2]           Điều 107.3 của Luật Sở hữu Trí tuệ 2005 quy định “Giấy ủy quyền không có thời hạn ủy quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên ủy quyền tuyên bố chấm dứt ủy quyền”.

[3]           Nếu theo BLDS 2015 thì khi các bên không thỏa thuận, thời hạn mặc định sẽ được xem là 1 năm thì theo Luật Sở hữu Trí tuệ 2005, nếu không có thỏa thuận thì sẽ được xem là vô thời hạn.

[4]           Không chỉ bên ủy quyền, mà bên được ủy quyền cũng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện ủy quyền. Tuy nhiên, cam kết ủy quyền không hủy ngang chỉ xuất phát từ một phía của bên ủy quyền. Nên trong bài viết này, tác giả không đề cập đến quyền đơn phương chấm dứt ủy quyền của bên được ủy quyền.

[5]           Điều 588.1 BLDS 2005 có nội hàm tương tự với Điều 569 BLDS 2015.

[6]           BLDS 2015, Điều 140.3(đ).

[7]           BLDS 2015, Điều 140.3(e).

[8]           Điều 140.3 (d) BLDS 2015.

[9]           Điều khoản này không thể bị xem là vi phạm điều cấm của luật hay trái đạo đức xã hội.

[10]          Là một trong các phương thức bảo vệ quyền dân sự theo Điều 11.4 BLDS 2015.

[11]          Điều 567.2 BLDS 2015.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.