RECOGNITION AND ENFORCEMENT OF FOREIGN ARBITRAL AWARDS IN VIETNAM: BRIEF CASE STUDY AND COMMENTARY
Abstract: As a member of the New York Convention since 1995, Vietnam has adhered to the requirements thereunder for the recognition and enforcement of foreign arbitral awards. In doing so, Vietnam has incorporated the rules of the New York Convention to its municipal law by continuous efforts to enact and amend the concerned legislations from time to time. Nevertheless, the actual process of the court remains in doubt and confusing
Với xu hướng lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết các tranh chấp thương mại, các phán quyết của các hội đồng trọng tài nước ngoài cần được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam ngày một nhiều hơn. Mặc dù Việt Nam đã là thành viên của Công ước New York vào năm 1995, thực tiễn giải quyết của Toà án cho thấy số lượng đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành được chấp thuận là tương đối thấp. Bài viết này trước hết sẽ điểm qua các số liệu về thực trạng công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, sau đó sẽ phân tích cụ thể về một trong các căn cứ được sử dụng thường xuyên nhất bởi Toà án Việt Nam nhằm từ chối việc cho công nhận và cho thi hành – đó là dựa trên cơ sở “[…] trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Bài viết bao gồm bốn phần:
(A) – Số liệu thống kê cơ bản về các đơn yêu cầu và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
(B) – Tóm tắt một số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành đã được giải quyết trên thực tế
(C) – Bình luận
(D) – Kết luận
Do bài viết tương đối dài nên dữ liệu bài viết hiển thị tại website chỉ bao gồm phần (C) Bình luận và (D) Kết luận. Để xem đầy đủ toàn bộ nội dung của bài viết, bạn đọc vui lòng TẢI BÀI VIẾT tại ĐÂY.
(A) – Số liệu thống kê cơ bản về các đơn yêu cầu và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
[Vui lòng tải bài viết đầy đủ để xem]
(B) – Tóm tắt một số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành đã được giải quyết trên thực tế
[Vui lòng tải bài viết đầy đủ để xem]
(C) – Bình luận
1. Thuật ngữ “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” theo Điều 459.2(b) của BLTTDS 2015 không phải là một thuật ngữ mới. Xa hơn về trước, thuật ngữ này đã xuất hiện tại Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài (“Pháp lệnh 1995”)[18]. Pháp lệnh 1995 là bước đi đầu tiên trong quá trình nội luật hoá các quy định của Công ước New York mà Việt Nam gia nhập vào năm 1995[19]. Sau khi Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (“BLTTDS 2004”) ra đời, các quy định của Pháp lệnh 1995 cũng được kế thừa toàn bộ với một số thay đổi không đáng kể[20]. Trong đó, căn cứ “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” tiếp tục được giữ nguyên tại Điều 370.2(b) của BLTTDS 2004. Như vậy, có thể thấy rằng về mặt câu chữ cũng như cách cấu trúc điều khoản của căn cứ từ chối này, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ sự thay đổi nào từ khi gia nhập Công ước New York vào năm 1995 cho đến thời điểm hiện tại khi mà BLTTDS 2015 đang có hiệu lực.
2. Theo Redfern và Hunter[21], căn cứ từ chối theo Điều 459.2(b) BLTTDS 2015 chính là kết quả của việc nội luật hoá căn cứ từ chối theo quy định tại Điều V(2) của Công Ước New York, theo đó “Việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài có thể bị từ chối nếu […] việc công nhận và cho thi hành [phán quyết] trái với trật tự công cộng (public policy) của nước đó [nước nơi tiếp nhận đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành]”. Như vậy, dưới góc độ của pháp luật Việt Nam, “trật tự công cộng (public policy)” theo quy định tại Công ước New York được nhìn nhận dưới góc độ là “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
3. Quay trở lại các vụ việc thực tế đã được giải quyết bởi Toà án có thẩm quyền tại Việt Nam nêu tại Phần (B), mặc dù căn cứ từ chối liên quan đến “trật tự công cộng” không thay đổi kể từ năm 1995 cho đến thời điểm hiện tại, cách giải thích và áp dụng căn cứ trên của các Toà án Việt Nam dường như đang có sự biến chuyển tương đối rõ rệt. Trong vụ Energo v. Vinatex[22], Toà đã lạm dụng việc giải thích thuật ngữ “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Theo đó, hội đồng xét đơn đã viện dẫn một quy định thủ tục của pháp luật Việt Nam để áp dụng cho quá trình giải quyết vụ án của hội đồng trọng tài. Điều này là hoàn toàn không phù hợp xét trên hai phương diện. Thứ nhất, hội đồng xét đơn dường như đánh đồng “nguyên tắc cơ bản” theo quy định tại Điều 19.2(b) Pháp lệnh 1995 (văn bản có hiệu lực tại thời điểm xét đơn yêu cầu) với toàn bộ các quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả trình tự và thủ tục tố tụng. Điều này làm thuật ngữ “cơ bản” không còn bất kỳ giá trị nào. Thứ hai, nghiêm trọng hơn, hội đồng xét đơn có lẽ đã mắc một sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Thủ tục tố tụng trọng tài được điều chỉnh theo luật nơi hội đồng trọng tài được thành lập hoặc quy tắc tố tụng của trọng tài (lex loci arbitri) chứ không được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, việc áp dụng pháp luật về trình tự, thủ tục của Việt Nam trong việc xem xét tính hợp pháp của thủ tục tố tụng trọng tài là hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc quốc tế.
Trong vụ Tyco v. Leighton VN[23], Toà án lại tiếp tục sử dụng một quy định về thủ tục pháp lý liên quan đến việc đăng ký nhà thầu để diễn giải việc “vi phạm nguyên tắc cơ bản”. Tuy vậy, khác với vụ Energo, cách giải thích của Toà án trong trường hợp này có thể không bị xem là sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Lập luận của hội đồng xét đơn cho rằng việc Tyco không đăng ký nhà thầu cũng như quy định tại hợp đồng về việc không chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế ở Việt Nam gây ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam có thể được xem là phù hợp. Tuy vậy, việc vi phạm một số quy định của Tyco có đạt đến mức “vi phạm nguyên tắc cơ bản” hay không vẫn là một dấu hỏi. Theo quan điểm của tác giả, điều khoản trong hợp đồng của Tyco và Leighton VN liên quan đến việc không chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế Việt Nam là không có ý nghĩa / không thể thực hiện được nếu quy định của pháp luật thuế buộc Tyco phải chịu các khoản thuế phát sinh. Do đó, hệ quả của việc thi hành phán quyết không ảnh hưởng đến nghĩa vụ chấp hành các quy định về thuế tại Việt Nam của Tyco. Bên cạnh đó, việc đánh giá sự không tuân thủ đối với một thủ tục hành chính (liên quan đến đăng ký nhà thầu) để bao hàm trong nội hàm của thuật ngữ “vi phạm nguyên tắc cơ bản” dường như là quá rộng và một lần nữa tương tự vụ Energo, làm mất đi giá trị của thuật ngữ “cơ bản”.
Trong vụ Toepfer v. Sao Mai[24], Toà án đã dẫn chiếu pháp luật nội dung của Việt Nam, cụ thể là nguyên tắc bồi thường thiệt hại, để xem xét lại nội dung giải quyết của hội đồng trọng tài. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc ne bis in idem[25] và res judicata[26] trên phương diện tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Đồng thời, hội đồng xét đơn cũng vi phạm cả quy định của Điều 369.4 BLTTDS 2004 (luật có hiệu lực tại thời điểm xét đơn yêu cầu)[27], đó là việc xét xử lại vụ tranh chấp đã được hội đồng trọng tài giải quyết.
Trong vụ Sudico v. STT 260[28], lập luận của hội đồng xét đơn được cho là hợp lý và bám sát với tinh thần của Công ước New York cũng như quy định về việc áp dụng căn cứ “vi phạm nguyên tắc cơ bản” của BLTTDS 2004. Theo đó, hội đồng xét đơn nhận thấy các nguyên tắc của BLDS 2005 và LTM 2005 liên quan đến việc tôn trọng sự tự do, tự nguyện cam kết thoả thuận của các bên sẽ bị xâm phạm nếu phán quyết của hội đồng trọng được công nhận và cho thi hành. Thứ nhất, việc hội đồng xét đơn chỉ đánh giá tính “trái” hoặc “xâm phạm” của một phán quyết trên cơ sở các nguyên tắc cốt lõi của pháp luật Việt Nam chứ không đi sâu vào xem xét hoặc dẫn chiếu các điều khoản chi tiết của pháp luật nội dung là hoàn toàn phù hợp. Thứ hai, nguyên tắc mà hội đồng xét đơn vận dụng có thể được xem là phù hợp với khái niệm “cơ bản” vì đây không chỉ là nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trên góc độ pháp luật quốc tế mà cũng là một nguyên tắc xương sống của pháp luật dân sự Việt Nam. Do vậy, theo quan điểm của tác giả, hướng đi của hội đồng xét đơn trong vụ việc này đã ít nhiều thể hiện được một các tiếp cận phù hợp hơn với nội hàm “trật tự công cộng” của Công Ước New York cũng như “nguyên tắc cơ bản” của pháp luật Việt Nam. Điều này có thể là kết quả đạt được từ việc Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (HĐTP TANDTC) đã chi tiết hoá hơn “nguyên tắc cơ bản” thông qua Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP (NQ 01/2014). Theo đó, “pháp quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được hiểu là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”[29].
4. Trên bình diện quốc tế, căn cứ từ chối dựa trên “trật tự công cộng” theo quy định tại Công ước New York được diễn giải tương đối khác nhau theo từng quốc gia. Việc xác định khái niệm “vi phạm trật tự công cộng” thường được dựa vào một trong hoăc kết hợp ba yếu tố sau: (1) vi phạm nguyên tắc cơ bản về đạo đức và công lý (violation of basic notions of morality and justice)[30] hoặc (2) vi phạm trật tự công cộng quốc tế (violation of international public policy)[31] hoặc (3) vi phạm trật tự công cộng liên quốc gia hoặc quốc tế (violation of transnational or international public policy)[32]. Tuỳ thuộc vào từng quốc gia, việc giải thích thuật ngữ “vi phạm trật tự công cộng” sẽ bám sát theo một trong ba hình thức trên, với phạm vi áp dụng giảm dần theo thứ tự. Theo đó, cách giải thích theo hướng đầu tiên (morality and justice) là cách giải thích với phạm vi rộng nhất giúp Toà án dễ dàng từ chối việc công nhận và thi hành một phán quyết của trọng tài trên cơ sở “vi phạm trật tự công cộng”. Ngược lại, hướng thứ ba (transnational or international public policy) đem đến một cách giải thích “trật tự công cộng” ở một phạm vi thu hẹp và Toà án sẽ có xu hướng hạn chế từ chối việc công nhận và cho thi hành trên cơ sở vi phạm trật tự công cộng.
(D) – Kết luận
Mặc dù hướng dẫn của HĐTP TANDTC thông qua NQ 01/2014 cũng chưa thật sự rõ ràng và chi tiết, tuy nhiên, điều này không thể phủ nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa đến một hướng đi đúng đắn hơn trong cách giải thích thuật ngữ “nguyên tắc cơ bản” trong các vụ việc diễn ra sau này[33]. Hiện tại, khó có thể khẳng định được Việt Nam đang theo hướng tiếp cận nào trong ba hướng tiếp cận được nêu tại Phần (C).4 nêu trên. Tuy nhiên, với các ví dụ được HĐTP TANDTC viện dẫn tại Điều 14.2(đ) của NQ 01/2014 và thông qua thực tiễn xét xử cũng như số liệu thống kê cho đến hiện nay, Việt Nam dường như đang áp dụng việc giải thích “trật tự công cộng” theo cách tiếp cận rộng nhất – đó là vi phạm nguyên tắc cơ bản về đạo đức và công lý (violation of basic notions of morality and justice)[34]. Với cách tiếp cận như vậy, việc các phán quyết của trọng tài nước thường xuyên bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trên cơ sở “vi phạm trật tự công cộng” theo Công ước New York có thể sẽ là một rủi ro tương đối rõ ràng.
Các dẫn chiếu từ [1] – [17] vui lòng tải bài viết đầy đủ để xem.
[18] Pháp lệnh 1995, Điều 16.2(b).
[19] Quang Chuc Tran, “Regconition and Enforcement of Foreign Arbitral Award in Vietnam Shortcomings and Suggested Remedies” (2005) 22 Journal of International Arbitration, 487, 487.
[20] Ibid, 488.
[21] Redfern and Hunter, Law and Practice of International Commercial Arbitration (6th edn, OUP 2009), Chap. 11 Sec. B, par. (11.114)
[22] Supra note 11.
[23] Supra note 14.
[24] Supra note 16.
[25] Dridi (n 4), 16.
[26] Nguyên tắc res judicata yêu cầu một vụ việc giải quyết theo phán quyết chung thẩm sẽ không được xét xử lại.
[27] Quy định này đã có từ Pháp lệnh 1995 (Điều 15.4) và tiếp tục được duy trì tại BLTTDS 2015 (Điều 458.4).
[28] Supra note 17.
[29] NQ 01/2014, Điều 14.2(đ).
[30] Audrey Sheppard, “Interim ILA Report on Public Policy as a Bar to Enforcement of International Arbitral Awards” (2003) 19 Arbitration International 217, 218.
[31] Ibid, 218.
[32] Ibid, 219.
[33] Dridi (n 4), 17.
[34] Supra note 30.
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023
3 Comments