THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN ĐIỆN MẶT TRỜI

Trong thời gian gần đây khái niệm dự án điện mặt trời thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận và các nhà đầu tư do các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ Chính phủ đối với các dự án này. Ở bài trước, chúng tôi đã có phân tích một số nội dung liên quan đến “khung pháp lý điều chỉnh các dự án điện mặt trời: Các vấn đề đáng lưu ý” vui lòng tham khảo tại đây [ https://kienthucphaply.com/2020/08/10/khung-phap-ly-dieu-chinh-cac-du-an-dien-mat-troi-cac-van-de-dang-luu-y/]. Trong bài viết lần này chúng tôi muốn đề cập đến các nội dung cơ bản liên quan đến thủ tục xin giấy phép hoạt động điện lực tại một số dự án điện mặt trời;

I. CÓ BAO NHIÊU LOẠI DỰ ÁN ĐIỀN MẶT TRỜI?

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 06/4/2020 (“Quyết định 13) tại các khoản 5, 6, 7, 8 Điều 3 đã định nghĩa lần lượt:

  • Dự án điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện[1];
  • Dư án điện mặt trời nối lưới là dự án điện mặt trời được đấu nối trực tiếp vào lưới điện quốc gia trừ quy định tại khoản 5 Điều này;
  • Dự án điện mặt trời nổi là dự án điện mặt trời nối lưới có các tấm quang điện được lắp đặt trên cấu trúc nổi trên mặt nước;
  • Dự án điện mặt trời mặt đất là dự án điện mặt trời nối lưới trừ các dự án quy định tại khoản 7 Điều này

Tóm lại, thể theo Quyết định 13 chúng ta sẽ có 02 loại dự án điện mặt trời:

Hoặc là dự án điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 01 MW hoặc là dự án điện mặt trời nối lưới.

Trong dự án điện mặt trời nối lưới, chúng ta có 2 dạng là dạng dự án điện mặt trời nổi (có các tấm quang điện lắp đặt trên cấu trúc nổi trên mặt nước); hoặc là dự án điện mặt trời mặt đất (có các tấm quang điện không lắp đặt trên cấu trúc nổi trên mặt nước).

II. GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG ĐIỆN LỰC:

Như ở bài trước đã phân tích, chúng tôi có đề cập, đối với dự án điện mặt trời mái nhà trong một số trường hợp hay dự án điện mặt trời nối lưới bắt buộc phải xin giấy phép hoạt động điện lực. Căn cứ theo quy định tại Thông tư 36/2018/TT-BCT (Thông tư 36) quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cấp loại giấy phép này. Trong đó:

  1. Các lĩnh vực cần giấy phép hoạt động điện lực liên quan đến điện bao gồm: Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điên, bán lẻ điện (Điều 1 Thông tư 36).

Vậy, tổ chức thực hiện dự án điện mặt trời cần xác định phạm vi hoạt của mình sẽ bao gồm các hoạt động nào?

Theo quy đinh tại Điều 5 Thông tư 36 về phạm vi hoạt động trong các lĩnh vực thì:

  • Lĩnh vực phát điện có phạm vi hoạt động cấp cho từng nhà máy điện.
  • Lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện có phạm vi hoạt động trong phạm vi quản lý, vận hành lưới điện cụ thể;
  • Lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện có phạm vi hoạt động theo phạm vi địa giới hành chính cụ thể.

Hiện tại pháp luật hiện hành chưa định nghĩa cụ thể các khái niệm như thế nào là phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Tuy nhiên, qua một số các quy định như: “phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Phát điện có công suất lắp đặt dưới 01 MW (01 MWp đối với nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm và 01 địa điểm đâu nối) để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác” ta có thể hiểu hoạt động thực hiện dự án điện mặt trời thuộc lĩnh vực phát điện. [2]

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 36 thì đối với đơn vị phát điện đăng ký hoạt động bán lẻ điện, không mua điện từ hệ thống điện quốc gia và có lưới điện để thực hiện hoạt động bán lẻ điện: Giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phát điện

Tóm lại, các lĩnh vực hoạt động của dự án điện mặt trời của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể bao gồm: Phát điện và bán lẻ điện nếu thỏa điều kiện theo quy định..

Đối với các lĩnh vực hoạt động khác nhau, yêu cầu về thành phần hồ sơ sẽ khác nhau, trong bài viết này chúng tôi xin thông tin về quy trình cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện đối với dự án điện mặt trời nối lưới. [3]

2. Hồ sơ xin giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực phát điện bao gồm[4]:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
  • Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp, thẻ an toàn điện và giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho đội ngũ trưởng ca theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành; hợp đồng thuê khoán nhà máy điện, hợp đồng thu quản lý vận hành hoặc văn bản giao quản lý vận hành đối với trường hợp thuê khoán, cho thuê hoặc giao quản lý vận hành.
  • Bản sao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện, dự án đầu tư của cơ quan có thẩm quyền.
  • Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường dự án đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về môi trường.
  • Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định theo quy định của pháp luật.
  • Bản sao Văn bản thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy; bản sao Biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy.
  • Bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt tổ máy hoặc hệ thống pin năng lượng mặt trời; bản sao tài liệu xác định thông số chính của nhà máy điện (thông số tua bin, máy phát, máy biến áp chính).
  • Bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện; bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành lắp đặt hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
  • Trường hợp nhà máy điện, tổ máy phát điện dự phòng không nối lưới và chỉ phát điện để bán điện cho khách hàng khi sự cố mất điện từ lưới điện quốc gia, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được miễn trừ nội dung quy định tại mục (ix). Trường hợp nhà máy điện có hoạt động bán lẻ điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện, hồ sơ đề nghị có thêm các nội dung sau: Danh sách khách hàng; sơ đồ lưới điện cung cấp điện cho khách hàng.

3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực[5]

  • Chậm nhất trước 15 ngày làm việc tính từ ngày dự kiến chính thức vận hành thương mại, tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.
  • Thẩm quyền cấp: UBND cấp tỉnh hoặc Sở Công Thương (nếu Sở Công Thương được ủy quyền) cấp giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương
  • Hình thức nộp hồ sơ: hực hiện gửi trực tiếp, qua đường dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có).;
  • Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực.

[1] Theo Thông tư 06/2017/TT-BCT thì dự án điện mặt trời trên mái nhà gồm các loại có công suất nhỏ hơn 01 (một) MW, bằng hoặc lớn hơn 01 (một) MW. Tuy nhiên, thông tư này sẽ hết hiệu lực và bị thay thế bởi Thông tư  18/2020/TT-BCT từ ngày 31/8/2020

[2] Căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 36

Căn cứ theo Khoản 14, Khoản 16 Điều 3 Thông tư 25/2016/TT-BCT định nghĩa về khái niệm đơn vị phân phối điện, và đơn vị truyền tải điện.

[3] Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 36 quy định trước giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện.

[4] Điều 7 Thông tư 36

[5] Điều 11, 12, 13 Thông tư 36

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.