By Bao Nguyen

THỎA THUẬN VỀ VIỆC HẠN CHẾ CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN CÓ TRÁI LUẬT KHÔNG?

(Bài viết của Nguyễn Quốc Bảo và Sỹ Ngọc Thuỳ Trang)

Trong thực tiễn, các thỏa thuận hạn chế việc chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần thường khá phổ biến và được áp dụng một cách tương đối rộng rãi. Những thỏa thuận này có thể được cơ cấu dưới nhiều hình thức, tùy thuộc vào yêu cầu và nhu cầu của các bên tham gia. Tuy nhiên, việc xem xét liệu các thỏa thuận này có phù hợp với quy định của pháp luật hay không vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về một số hình thức của thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng cổ phần và đánh giá về tính hợp lệ của các thỏa thuận này dưới góc độ pháp lý.  

Lưu ý: Phạm vi của bài viết này không bao gồm các trường hợp liên quan đến các công ty đại chúng.  

Thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng cổ phần tiêu biểu tại các giao dịch M&A

Về cơ bản, hạn chế chuyển nhượng cổ phần thường được thể hiện dưới một trong các hình thức, đó là (1) hạn chế chuyển nhượng cổ phần tuyệt đối hoặc (2) hạn chế chuyển nhượng cổ phần có điều kiện. 

Trong trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần tuyệt đối (lock-up), việc chuyển nhượng cổ phần thường bị giới hạn theo những quy định sau đây: 

  1. Bên bị hạn chế không được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần mà họ đang nắm giữ trong một khoảng thời gian cụ thể, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được quy định trước, trong đó thường là khiviệc chuyển nhượng được thực hiện cho một hoặc các bên liên kết của bên bị hạn chế (trong các giao dịch thường được gọi là affiliates); và/hoặc
  2. Tại mọi thời điểm và không giới hạn về mặt thời gian, bên bị hạn chế không được phép chuyển nhượng bất kỳ cổ phần nào của mình cho đối thủ cạnh tranh của công ty.

Trong trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần có điều kiện, việc chuyển nhượng cổ phần thường bị giới hạn theo những quy định sau đây: 

  1. Quyền từ chối đầu tiên (Right of first refusal – ROFR): Trước khi chào bán cổ phần của mình cho người khác, bên bán phải chào bán trước cho bên nắm quyền ROFR. Chỉ khi nào bên có quyền ROFR không mua trong một thời hạn nhất định, thì các bên liên quan mới được chào bán cổ phần cho bên thứ ba với các điều kiện không thuận lợi hơn. 
  2. Quyền kéo theo (Drag-along right): Không như các hạn chế chuyển nhượng khác, mục đích của quyền kéo theo không phải là để ngăn cản bên không có quyền thực hiện việc chuyển nhượng. Ngược lại, bên có quyền kéo theo (thông thường là cổ đông đa số) có thể bắt buộc một hoặc một số bên còn lại (thông thường là cổ đông thiểu số) phải cùng mình bán cổ phần cho một hoặc một số bên mua nhất định.
  3. Quyền cùng bán (Tag-along right hoặc co-sale right) thường là quyền của cổ đông thiểu số để tham gia vào việc bán cổ phần của cổ đông đa số cho một hoặc một số bên mua nhất định. Nó cho phép cổ đông thiểu số thoái vốn ra khỏi công ty cùng với cổ đông đa số.

    Nếu bên mua chỉ muốn mua cổ phần của cổ đông đa số mà không muốn mua cổ phần của cổ đông thiểu số có quyền cùng bán, thì cổ đông đa số phải chọn giữa việc không bán hoặc giảm số lượng cổ phần mình bán để nhường chỗ việc tham gia vào giao dịch của cổ đông thiểu số.

Phương thức và phạm vi các quyền này được áp dụng trên thực tiễn thay đổi tùy thuộc vào tính chất của từng giao dịch. Ví dụ, hạn chế chuyển nhượng cổ phần tuyệt đối thường được các cổ đông mới là các nhà đầu tư tài chính yêu cầu áp dụng đối với một hoặc một số cổ đông chủ chốt (promoter/ key shareholder) – những người đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển công ty. 

Pháp luật doanh nghiệp quy định như thế nào về hạn chế chuyển nhượng cổ phần?

Điều 127.1 của Luật Doanh nghiệp 2020 (LDN 2020) quy định như sau: 

“Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.”

Trong đó,

  1. Đối với Điều 120.3 của LDN 2020, Điều này quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần đối với cổ đông sáng lập trong vòng 3 năm đầu tiên, nhằm đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ của các cổ đông sáng lập và tính ổn định của công ty trong giai đoạn mới được thành lập. 
  2. Xét trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, quy định này cho thấy LDN 2020 vẫn cho phép sự tồn tại của các hạn chế chuyển nhượng cổ phần không được quy định tại LDN 2020, miễn là chúng được quy định tại Điều lệ và ghi nhận tại từng cổ phiếu tương ứng. 

    Dù vậy, “sự cho phép” về hạn chế chuyển nhượng cổ phần theo Điều 127.1 dường như đang nhắm đến đối tượng là cổ phần, mà không phải người sở hữu cổ phần (tức cổ đông)[1]. Ngoài ra, Điều 114.4 của LDN 2020 cũng quy định rằng “mỗi cổ phần cùng loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

    Kết hợp các quy định trên, có thể thấy Điều 127.1 của LDN 2020 chỉ đang nhắm đến hạn chế chuyển nhượng theo nhóm/ loại cổ phần, chứ không quy định về việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần đối với từng cổ đông cụ thể. Từ đây có thể thấy, việc cấm một cổ đông hoặc một số cổ đông nhất định chuyển nhượng cổ phần (kể cả khi họ đang cùng nắm giữ một loại cổ phần) không thuộc trường hợp được điều chỉnh tại Điều 127.1 của LDN 2020. 

Vậy hạn chế chuyển nhượng cổ phần áp dụng riêng lẻ cho từng cổ đông dù nắm giữ chung một loại cổ phần có phù hợp với quy định của pháp luật không?

Ngoài Điều 120.3 và Điều 127.1, LDN 2020 không có quy định nào khác liên quan đến việc hạn chế cổ đông trong công ty cổ phần chuyển nhượng cổ phần. Như vậy, có thể nói việc thỏa thuận hạn chế một hoặc một số cổ đông chuyển nhượng cổ phần hiện chưa được điều chỉnh cụ thể bởi LDN 2020. 

Điều 16.2 của LDN 2020 có quy định cấm “Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty”. Theo đó, có quan điểm cho rằng thỏa thuận hạn chế quyền của một hoặc một số cổ đông nhất định trong việc chuyển nhượng cổ phần có khả năng thuộc trường hợp bị cấm theo Điều 16.2 LDN 2020, và từ đó thỏa thuận này có thể sẽ vô hiệu theo Điều 407.1 và Điều 123 của Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015). 

Vấn đề này hiện đang còn tranh cãi, tuy nhiên, theo quan điểm các nhóm tác giả, rủi ro thỏa thuận hạn chế quyền chuyển nhượng như trên bị vô hiệu là tương đối thấp. Lý do là vì: 

Thứ nhất, nội hàm Điều 16.2 của LDN 2020 chỉ đang quy định về việc cấm người có hành vi “ngăn cản” chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (trong đó có quyền được tự do chuyển nhượng cổ phần). Theo đó, “ngăn cản” ở đây cần được hiểu là một hoặc một chuỗi các hành vi nhất định nhằm “ép buộc” người khác không được thực hiện một quyền cụ thể trái với mong muốn của người đó (cụ thể ở đây là “ép buộc” người khác không được chuyển nhượng cổ phần). Trong trường hợp thỏa thuận tự nguyện hạn chế chuyển nhượng cổ phần, tính chất “ép buộc” gần như là không có. 

Thứ hai, Điều 111 của LDN 2020 đã quy định rõ cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời, pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng sự thiện chí và thỏa thuận giữa các bên.  Do đó, việc các cổ đông thỏa thuận hạn chế chuyển nhượng cổ phần được xem là thỏa thuận từ bỏ quyền tự do chuyển nhượng của mình – thỏa thuận này là một trong những căn cứ xác lập quyền dân sự[2]

Bên cạnh đó, Điều 2.2 BLDS 2015 quy định một trong những nguyên tắc nhằm bảo đảm quyền dân sự là “quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như vậy, quyền dân sự là không bị hạn chế trừ khi (1) hạn chế về quyền dân sự được quy định cụ thể trong luật và (2) chỉ trong giới hạn trong một số trường hợp cụ thể (như đã được đề cập tại Điều 2.2 BLDS 2015 nói trên). Ngoạitrừ một số trường hợp đặc thù, khó có thể nói rằng việc hạn chế chuyển nhượng cổ phần có thể gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Do đó, việc cổ đông đồng ý tham gia vào một thỏa thuận để hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của chính mình vẫn cần phải được tôn trọng và có giá trị pháp lý một cách đầy đủ.


[1]        Xuyên suốt Điều 127.1 LDN 2020, thuật ngữ chỉ đối tượng được Điều luật này sử dụng là cổ phần, mà không phải là cổ đông. 

[2]        Điều 8 Bộ luật Dân sự 2015.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.