Công ty cổ phần (“CTCP”) là loại hình doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam được sở hữu bởi các cổ đông cá nhân hoặc tổ chức theo Điều 4.2 Luật Doanh nghiệp 2014 (“Luật DN”). Như vậy, khi thay đổi cổ đông (thông tin cổ đông), thủ tục nào là thủ tục cần lưu ý? Bài viết này sẽ đề cập đến một số thủ tục có liên quan đến vấn đề này.
Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta cần phần biệt được sự khác nhau giữa thuật ngữ cổ đông và cổ đông sáng lập.
Căn cứ theo Điều 4.2 Luật DN:
- Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của CTCP;
- Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập CTCP[1].
Tóm lại, cổ đông (có thể bao gồm cả cổ đông sáng lập) là chỉ chung các cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần trong CTCP, trong khi đó, cổ đông sáng lập là chỉ đến cá nhân, tổ chức có tên trong danh sách cổ đông sáng lập được nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
KHI CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN GIỮA CÁC CỔ ĐÔNG TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN CẦN THỰC HIỆN THỦ TỤC NÀO?
Trong công ty TNHH, nếu chủ sở hữu công ty chuyển nhượng một phần hay toàn bộ vốn điều lệ cho tổ chức cá nhân khác thì chúng ta sẽ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu căn cứ theo Điều 46 Nghị định 78/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 108/2018/NĐ-CP (“Nghị định 78”).
Vậy nếu cổ đông trong CTCP muốn chuyển nhượng cổ phần thì chúng ta sẽ thực hiện thủ tục nào?
Thứ nhất khi rà soát lại Luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hiện tại, liên quan đến vấn đề thay đổi cổ đông, Luật hiện hành chỉ quy định 3 thủ tục:
- Thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập;
- Cập nhật thông tin cổ đông nước ngoài
- Thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài trong CTCP chưa niêm yết. (Nội dung này chúng tôi sẽ trình bày trong một bài khác).
Đối với thủ tục (i) thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập:
Điều 51 Nghị định 78 quy định “Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Khoản 1 Điều 112 Luật doanh nghiệp.”
DO VẬY, thủ tục này không phải là thủ tục áp dụng trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần.
Đối với thủ tục (ii) cập nhật thông tin cổ đông nước ngoài:
Điều 54.2 Nghị định 78 quy định “Trường hợp có thông tin hoặc có thay đổi các thông tin về họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú, số cổ phần và loại cổ phần của cổ đông là cá nhân nước ngoài; tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số cổ phần và loại cổ phần và họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp gửi Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 171 Luật Doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có thông tin hoặc có thay đổi.”
Theo đó, thủ tục này có thể áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần do hoạt động này làm thay đổi thông tin cổ đông hoặc cổ phần hoặc loại cổ phần do cổ đông sở hữu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thủ tục này chỉ áp dụng cho cổ đông là cổ đông nước ngoài (không áp dụng đối với cổ đông trong nước).
Nếu thủ tục (i) có phạm vi áp dụng tương đối đặc thù (chỉ trong trường hợp chưa góp đủ vốn đã cam kết) mà không giới hạn về đối tượng áp dụng (không quan trọng là cổ đông nước ngoài hay cổ đông Việt Nam) thì thủ tục (ii) chỉ đặt ra đối với đối tượng là “cổ đông nước ngoài”. Như vậy, “cổ đông nước ngoài” được hiểu là cổ đông nước ngoài bán cổ phần hay cổ đông nước ngoài mua cổ phần hay cả hai? Thực tiễn cho thấy có 3 trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Cổ đông nước ngoài bán cổ phần trong CTCP cho cổ đông nước ngoài khác;
- Trường hợp 2: Cổ đông Việt Nam bán cổ phần trong CTCP cho cổ đông nước ngoài; và
- Trường hợp 3: Cổ đông nước ngoài bán cổ phần trong CTCP cho cổ đông Việt Nam.
Đối với trường hợp 1 và 2, theo hướng dẫn, chắc chắn có thể áp dụng thủ tục cập nhật thông tin cổ đông nước ngoài. Đối với trường hợp thứ 3, hiện các văn bản pháp luật chưa thật sự cụ thể để xác định thủ tục cập nhật thông tin cổ đông nước ngoài có áp dụng khi cổ đông Việt Nam thay thế cổ đông nước ngoài hay không.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu rằng, việc cổ đông nước ngoài chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc 1 phần cổ phần trong CTCP cho cá nhân, tổ chức Việt Nam cũng đã dẫn đến sự biến động hoặc thay đổi thông tin của chính cổ đông đó, nên theo tác giả, trường hợp chuyển từ cổ đông nước ngoài sang cổ đông trong nước cũng buộc phải thực hiện thủ tục Cập nhật thông tin cổ đông nước ngoài như đã trình bày ở trên.
Trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại nhiều địa phương (ví dụ như tại Tp. Hồ Chí Minh) yêu cầu thủ tục này cần được thực hiện cho cả 3 trường hợp nêu trên.
LƯU Ý KHI TIẾN HÀNH CHUYỂN NHƯỢNG VÀ NHẬN CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN
Bởi vì pháp luật hiện hành không quy định về thủ tục cập nhật thông tin của cổ đông đối với trường hợp chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng cổ phần giữa các cá nhân, tổ chức Việt Nam với nhau nên các cá nhân, tổ chức Việt Nam cần lưu ý, rà soat các điều kiện kèm theo theo luật định hoặc điều lệ tại CTCP khi tiến hành việc mua bán cổ phần để đảm bảo quyền sở hữu cổ phần của mình, cũng như tính hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng.
Ví dụ, đối với trường hợp nhận chuyển nhượng cổ phần từ cổ đông sáng lập trong CTCP thành lập chưa quá 3 năm thì bên cạnh hợp đồng chuyển nhượng phải kèm theo chấp thuận của đại hội đồng cổ đông. Yêu cầu này đã được quy định cụ thể tại Điều 119.3 Luật DN như sau:
“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.” Tóm lại, việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP của các cá nhân, tổ chức Việt Nam với nhau sẽ không phải thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào đối với cơ quan đăng ký kinh doanh, nhưng cần lưu ý các điều kiện kèm theo để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý của việc chuyển nhượng; trong khi đó, nếu việc chuyển nhượng giữa hai bên mà có 1 bên có yêu tố nước ngoài thì cần thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh tương ứng.
[1] Cổ đông sáng lập trên thực tế thường được xác định là cổ đông có tên trong danh sách cổ đông sáng lập tại thời điểm thành lập hoặc tại thời điểm nộp hồ sơ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (từ loại hình doanh nghiệp khác sang công ty cổ phần). Cần lưu ý rằng đối với trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành công ty cổ phần, pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp chuyển đổi lựa chọn giữa việc có đăng ký hay không đăng ký cổ đông sáng lập (Xem thêm: Điều 119.1 Luật Doanh nghiệp, Điều 25.4(d) và Điều 51 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP).
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023
One Comment
Cảm ơn tác giả!