QUY TRÌNH CƠ BẢN CỦA MỘT GIAO DỊCH M&A

***Kiến Thức Luật Học và Thông Tin Pháp Lý là những tên gọi trước đây của website Kiến Thức Pháp LýKiến Thức Pháp Lý toàn quyền sở hữu các sản phẩm được xuất bản dưới tên gọi Kiến Thức Luật Học và Thông Tin Pháp Lý

Giao dịch M&A (Merger & Acquisition) – Giao dịch mua bán và sáp nhập là một trong các loại giao dịch mang tính phức tạp và đòi hỏi một luật sư / cố vấn pháp lý (legal counsel) có kinh nghiệm để bảo đảm tính pháp lý nói chung của giao dịch và quyền lợi của khách hàng.

Tùy thuộc vào loại hình, lĩnh vực / ngành nghề kinh doanh của công ty mục tiêu (Target), cấu trúc / cơ cấu giao dịch, các bước / trình tự thực hiện 1 giao dịch M&A có sự khác nhau nhưng nhìn chung sẽ đi qua các bước cơ bản như sau:

Bước 1: Ký kết thỏa thuận nguyên tắc

Thỏa thuận nguyên tắc, hay còn được gọi là thỏa thuận ghi nhớ / bản các điều khoản cơ bản (In-principle agreement / memorandum of understanding / term sheet) thường là bước đầu tiên của 1 giao dịch M&A. Tại thời điểm này, các bên sẽ đàm phán và thống nhất những điều khoản cơ bản nhất của 1 giao dịch (các điều kiện tiên quyết quan trọng, giá trị giao dịch / cách định giá công ty, cơ cấu tái cấu trúc (nếu cần thiết), thẩm định pháp lý, các thời hạn cần thiết để thực hiện, v.v.).

Thỏa thuận nguyên tắc thường chỉ ghi nhận sự thỏa thuận của các bên một cách thiện chí (in good faith) mà không ràng buộc về mặt pháp lý, trừ 1 số trường hợp nhất định mà thỏa thuận này cũng có hiệu lực ràng buộc tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên.

Nói cách khác, thỏa thuận nguyên tắc là một bản phác thảo bức tranh giao dịch mà các bên dự định thực hiện.

Bước 2: Thẩm định pháp lý (LDD – Legal Due Diligence)

Thẩm định pháp lý là giai đoạn tối quan trọng có ý nghĩa quyết định đến các rủi ro mà các bên có thể gặp phải trong quá trình thực hiện giao dịch. Với bản chất là bên gặp rủi ro hơn trong giao dịch mua bán công ty, bên mua thường là bên thực hiện việc thẩm định pháp lý đối với công ty mục tiêu (Target). Mục tiêu của giai đoạn này là giúp bên mua có thể xác định được những nghĩa vụ / khoản nợ / trách nhiệm pháp lý / nghĩa vụ thuế / việc tuân thủ với các quy định pháp luật liên quan / tình trạng góp vốn / v.v. của công ty mục tiêu để từ đó sắp xếp và cơ cấu thành các vấn đề pháp lý nghiêm trọng (material legal issues) mà công ty mục tiêu / bên bán phải hoàn tất trước khi giao dịch M&A hoàn tất. Các vấn đề pháp lý nghiêm trọng này thường được đưa vào hợp đồng mua bán (Sale and Purchase Agreement – SPA) dưới dạng các điều kiện tiên quyết (conditions precedent).

Nếu thỏa thuận nguyên tắc là bản thảo của một bức tranh giao dịch thì thẩm định pháp lý giúp người họa sĩ có được cái nhìn chi tiết hơn về việc sắp xếp bố cục, từng khung hình vào từng vị trí cụ thể.

Bước 3: Đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán (SPA) / Thỏa thuận thành viên (MA) / Thỏa thuận cổ đông (SHA)

Hợp đồng mua bán (SPA) chính là thỏa thuận pháp lý ràng buộc điều chỉnh toàn bộ các yếu tố của một giao dịch dựa trên xương sống là việc một hoặc nhiều bên thực hiện các điều kiện tiên quyết (được nêu ra trong giai đoạn LDD và thống nhất trong giai đoạn đàm phán) để bên còn lại thực hiện việc trả tiền.

Tùy vào tính chất phức tạp của từng giao dịch, theo sau SPA có thể còn có việc ký kết thỏa thuận thành viên (đối với công ty TNHH – LLC) hoặc thỏa thuận cổ đông (đối với công ty cổ phần – JSC).

Bước 4: Thẩm tra việc hoàn tất các điều kiện tiên quyết và hoàn tất giao dịch Vai trò của luật sư trong giai đoạn này là bảo đảm các bên đã hoàn tất các điều kiện tiên quyết được nêu tại SPA và hoàn tất giao dịch theo các thời hạn đã được các bên thống nhất.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.