PHÁ SẢN NGÂN HÀNG: KHẢ THI HAY KHÔNG KHẢ THI?

Ngân hàng về bản chất cũng là một doanh nghiệp, do đó, việc kinh doanh thua lỗ dẫn đến việc một ngân hàng đứng trên bờ vực phá sản cũng là một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, không khó để nhận ra rằng chưa từng có 1 ngân hàng nào từng phá sản tại Việt Nam và trên thế giới, điều này cũng là tương đối hạn chế.

Lý do vì sao?

Trong nền kinh tế tài chính mà các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các công ty tài chính) có quan hệ mật thiết với nhau, bao gồm không chỉ là những liên kết hữu hình về phương thức quản lý, danh mục khách hàng, tài sản bảo đảm, v.v. mà còn là những liên kết vô hình như tính ổn định của nền tài chính, niềm tin (credit) của người gửi tiền đối với hệ thống tài chính. Việc một ngân hàng phá sản sẽ dễ dàng tạo ra một hiệu ứng “domino” kéo cả các ngân hàng khác và nền tài chính sụp đổ.

Nói cụ thể hơn, hoạt động tài chính nói chung và ngân hàng nói riêng phụ thuộc và phát triển từ khái niệm niềm tin (credit). Nếu như “niềm tin” giúp cho ngân hàng cấp tín dụng cho một tổ chức, cá nhân thì cũng chính “niềm tin” vào hệ thống tài chính mà những người khác gửi tiền cho ngân hàng. Khi một ngân hàng sụp đổ (hoặc chỉ cần có thông tin mơ hồ về việc ngân hàng có thể phá sản), niềm tin của những người gửi tiền vào cả hệ thống tài chính sẽ bị lung lay và dễ dàng dẫn đến tình trạng đồng loạt rút tiền (bank run). Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đứt gãy và sụp đổ cả một hệ thống tài chính (tương tự với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2007-2008). Đơn giản hơn, hệ thống tài chính được xây dựng trên “niềm tin (credit)” và cũng sẽ dễ dàng sụp đổ khi mà “niềm tin” bị mất.

Do vậy, việc “thả” cho một ngân hàng phá sản như một doanh nghiệp thông thường không phải là một vấn đề dễ dàng.

Một số ví dụ trên bình diện quốc tế

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 2007-2008 khi mà một loạt các “ông lớn” ngân hàng của Mỹ đứng trước bờ vực sụp đổ (Lehman Brothers, Morgan Stanley, Citigroup, v.v), Chính phủ Mỹ đã phải vào cuộc để “bơm tiền” vào cho các ngân hàng này vượt qua giai đoạn khó khăn mà không để mặc cho các ngân hàng trên sụp đổ theo đúng nguyên tắc thị trường. Việc “bơm tiền” của Chính phủ Mỹ phần nào giống với hình thức “tái cấp vốn” của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các ngân hàng thương mại có vốn vượt qua một số giai đoạn khó khăn nhất định. Bản chất của hình thức này có thể được hiểu đơn giản là hoạt động cho vay tiền của ngân hàng nhà nước cho ngân hàng thương mại và ngân hàng thương mại phải tiến hành hoàn trả dần trong 1 khoảng thời gian nhất định.

Chính phủ Anh lại có cách ứng xử khác khi mà Royal Bank of Scotland (RBS), một trong các ngân hàng lớn nhất Vương quốc Anh và Châu Âu đứng trước bờ vực sụp đổ vào năm 2008. Theo đó, khi các khoản nợ xấu của RBS trở nên vượt quá tầm kiểm soát và cổ phiếu của ngân hàng này có thời điểm bốc hơi gần 90% giá trị, Ngân hàng Trung ương Anh đã vào cuộc và mua lại ngân hàng này. RBS sau đó trở thành một ngân hàng có vốn nhà nước, tuy nhiên, việc mua lại này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ RBS (và gián tiếp là hệ thống tài chính) trở nên ổn định. Sau đó, Chính phủ Anh sẽ dần rút vốn cho đến hết để đưa RBS về lại trở thành một ngân hàng tư nhân.

Ví dụ tại Việt Nam

Oceanbank, Trustbank (sau này là CBbank) và GPBank đều từng (vì những lý do khác nhau) đứng trước nguy cơ phá sản và được NHNN Việt Nam giải cứu theo cùng một phương pháp. Phương pháp này tương tự với cách của Chính phủ Anh áp dụng đối với RBS nêu trên. Theo đó, NHNN Việt Nam mua lại các ngân hàng trên với giá 0 đồng và chỉ định một ngân hàng thương mại khác (có vốn nhà nước) tham gia vào công tác quản lý điều hành.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc Chính phủ tham gia vào giải cứu ngân hàng tạo nên những gánh nặng của nhà nước và quan trọng hơn, khiến tiền thuế của người dân đóng cho Nhà nước lại được sử dụng để cứu trợ cho một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, cái mà người dân không thể quản lý và cũng không thể nắm được thông tin, đặc biệt hơn là khi cái giá phải trả cho việc hoạt động yếu kém lại là quá lớn. Có ý kiến cho rằng hiện tại Chính phủ đang theo một mô hình mới thả lỏng cho nền kinh tế, trong đó nếu có ngân hàng hoạt động yếu kém thì ngân hàng đó sẽ phải bị phá sản theo đúng quy luật thị trường mà Nhà nước sẽ không tiến hành can thiệp. Tuy nhiên, điều này tới thời điểm này là không thật sự rõ ràng.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.