NĂNG LỰC TÀI CHÍNH CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Năng lực tài chính là điều kiện quan trọng mà các nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng trong suốt thời gian tiến hành hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, việc làm sao để chứng minh được cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư rằng nhà đầu tư hoàn toàn có đủ năng lực tài chính đặc biệt tại thời điểm lập dự án đầu tư và điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến các nội dung như là thay đổi chủ sở hữu dự án đầu tư, tăng tổng vốn đầu tư… còn khiến nhiều nhà đầu tư lúng túng. Bài viết sau đây sẽ trình bày một số nội dung liên quan đến việc chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đối với dự án đầu tư.

Như chúng ta đã biết thuật ngữ vốn đầu tư nếu phân theo nguồn thì sẽ bao gồm vốn góp, và vốn huy động. Hiểu một cách đơn giản thì:

Tổng Vốn Đầu Tư Của 1 Dự Án = Vốn Góp + Vốn Huy Động

Trong đó, vốn góp là vốn do nhà đầu tư góp vào để thực hiện dự án đầu tư; vốn huy động hay còn gọi là vốn vay.

Nhà đầu tư khi thành lập dự án phải chứng minh được khả năng tài chính đối với cả 2 loại vốn nêu trên. Cụ thể:

1. Đối với vốn góp: nhà đầu tư phải chứng minh được khả năng của mình bằng hoặc hơn số vốn góp được cam kết trong dự án đầu tư thông qua số dư trong tài khoản ngân hàng hoặc báo cáo tài chính (đối với nhà đầu tư là tổ chức).

Nếu sử dụng số dư tài khoản ngân hàng để chứng minh thì không có gì để bàn cải, tuy nhiên, làm sao để xác định nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính thông qua báo cáo tài chính? Báo cáo tài chính năm nào được sử dụng để giải trình? Và con số nào trong báo cáo tài chính thể hiện khả năng của nhà đầu tư?

Theo quy định của pháp luật đầu tư hiện hành, báo cáo tài chính được nộp cùng bộ hồ sơ thành lập dự án đầu tư là báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất của nhà đầu tư. Trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể sử dụng thông tin về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chứng minh năng lực tài chính của mình.

Liên quan đến thắc mắc của một số nhà đầu tư rằng liệu có thể sử dụng các khoản tiền đang cho vay (với thời hạn ngắn, dài..) của nhà đầu tư đối với các cá nhân, tổ chức khác để chứng minh tài chính của mình được không? Câu trả lời là không thể bởi vì 2 lý do sau đây:

  • Vốn góp, theo như đúng tên gọi của nó là khoản tiền mà nhà đầu tư sẽ góp vào để thực hiện dự án. Việc góp vốn vào dự án phải đảm bảo trong 1 thời hạn nhất định theo đúng tiến độ đã cam kết hoặc luật định.
  • Các khoản tiền đang cho vay mặc dù về bản chất cũng là tài sản của nhà đầu tư tuy nhiên quyền sử dụng đang thuộc về một chủ thể khác, do đó, nhà đầu tư cũng sẽ không có quyền quyết định, sử dụng khoản tiền này cho đến thời điểm các khoản vay được hoàn trả cho nhà đầu tư.

2. Vốn huy động hay còn gọi là vốn vay. Nhà đầu tư có thể vay từ tổ chức tín dụng, công ty mẹ, tổ chức, cá nhân khác …

Tuy nhiên lưu ý ở đây, việc vay không nhất thiết phải là một hợp đồng cấp tín dụng cụ thể hay hợp đồng vay cụ thể mà chỉ cần thể hiện dưới dạng một cam kết cấp tín dụng (từ phía ngân hàng), một cam kết cho vay từ các tổ chức, cá nhân cho nhà đầu tư với mục đích sử dụng khoản vay cho hoạt động đầu tư vào dự án.

Ngoài ra, khi sử dụng cam kết cho vay từ các tổ chức, cá nhân khác (không phải tổ chức tín dụng như ngân hàng) thì các tổ chức, cá nhân này cũng phải chứng minh năng lực tài chính của mình bằng hoặc hơn số tiền cam kết cho vay thông qua báo cáo tài chính hoặc số dư tài khoản ngân hàng.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.