MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC NGÀNH DỊCH VỤ TRONG CPTPP: RỘNG VÀ KHÁC SO VỚI CAM KẾT WTO

Bài viết này sẽ phân tích phương thức tiếp cận về mở cửa thị trường (market entry) cũng như đánh giá về “độ mở” của thị trường so với cam kết của Việt Nam với WTO, liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (“CPTPP”). 

Phương thức tiếp cận về mở cửa thị trường

Với việc CPTPP là một FTA thế hệ mới, CPTPP sử dụng phương thức tiếp cận “chọn-bỏ” (negative list approach)[1] thay vì phương thức tiếp cận “chọn-cho” (positive list approach) như các FTA thế hệ cũ (ví dụ: cam kết của Việt Nam đối với WTO trên cơ sở GATS hoặc Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS)). Theo đó, chỉ những ngành nào được bảo lưu minh thị tại CPTPP (cụ thể là biểu NCM) thì mới có hạn chế về tiếp cận thị trường. Đối với các ngành khác không cam kết, nhà đầu tư nước ngoài thuộc các quốc gia thành viên CPTPP được hiểu là sẽ được đối xử như nhà đầu tư trong nước theo đúng nguyên tắc đối xử quốc gia và không bị áp dụng hạn chế tiếp cận thị trường nào[2].

Ví dụ: Tại Phụ lục I (NCM) liên quan đến cam kết của Việt Nam tại CPTPP, Việt Nam đưa ra cam kết như sau: 

Ngành: Dịch vụ chuyên môn
Phân ngành: Dịch vụ pháp lý (CPC 861)
Nghĩa vụ liên quan: Đối xử quốc gia (Điều 9.4 và 10.3)
Cấp chính phủ: Quốc gia
Biện pháp: Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi một số điều của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006
Mô tả: Dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư

Tổ chức luật sư nước ngoài và luật sư nước ngoài có thể cung cấp dịch vụ pháp lý ở Việt Nam, dưới các hình thức sau:

(1) Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài
(2) Công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài
(3) Công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh
(4) Công ty luật hợp danh giữa tổ chức luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam

Các loại hình này không được phép:

(1) Tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước Toà án Việt Nam
(2) Cung cấp dịch vụ giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan đến pháp luật Việt Nam 

Luật sư nước ngoài hành nghề ở Việt Nam không được phép tư vấn về luật Việt Nam trừ khi họ tốt nghiệp đại học luật của Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu áp dụng cho luật sư Việt Nam. Họ không được phép bào chữa hay đại diện cho khách hàng của mình trước toà án Việt Nam. 

Với phương thức “chọn-bỏ”, cam kết trên liên quan đến ngành “dịch vụ pháp lý (CPC 861)” thể hiện Việt Nam mong muốn đưa ra một số bảo lưu về nghĩa vụ đối xử quốc gia (NT) liên quan đến ngành này tại phần “mô tả”. Nói đơn giản, các biện pháp phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (biện pháp không tương thích với nguyên tắc NT) trong phạm vi mô tả nêu trên là phù hợp với CPTPP. Đáng chú ý hơn, chỉ có “đối xử quốc gia” là nghĩa vụ có liên quan được bảo lưu trong cam kết trên. Do đó có thể suy luận rằng trong trường hợp Việt Nam không áp dụng hoặc áp dụng một cách thuận lợi hơn so với các biện pháp trong phần mô tả đối với nhà đầu tư đến từ một quốc gia nào đó khác thì Việt Nam cũng sẽ phải áp dụng tương tự cho các nhà đầu tư từ các quốc gia còn lại chiểu theo nguyên tắc tối huệ quốc (trừ trường hợp thuộc một số bảo lưu chung về MFN liên quan đến các FTA cụ thể được ký giữa Việt Nam và quốc gia được áp dụng biện pháp lợi thế hơn)[3].

Nói cách khác, khi xem xét yếu tố mở cửa thị trường đối với các nhà đầu tư thuộc các quốc gia thành viên của CPTPP, chúng ta chỉ cần xem xét đến những biện pháp / hạn chế cụ thể tại biểu cam kết của Việt Nam (NCM). Trong đó, nếu ngành, nghề mà nhà đầu tư dự định đầu tư tại Việt Nam không nằm trong biểu cam kết thì sẽ không có bất kỳ hạn chế gì về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó[4]. Nếu ngành, nghề dự kiến nằm trong biểu cam kết NCM, nhà đầu tư cần xem cụ thể hình thức hoặc phạm vi hoạt động của mình có nằm trong phạm vi cho phép hoặc không bảo lưu được nêu cụ thể tại phần “mô tả” hay không. 

Ngoài lề, Luật Đầu tư 2020 vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 cũng đi theo cách thức tiếp cận “chọn – bỏ” này, và theo đó, cách thức tiếp cận “chọn – bỏ” sẽ được áp dụng cho tất cả các nhà đầu tư đến tư mọi quốc tịch trên thế giới khi đầu tư vào Việt Nam. Dù vậy, do dự thảo nghị định hướng dẫn danh mục các ngành nghề chọn bỏ hiện tại vẫn chưa được thông qua.

Mức độ mở cửa thị trường so với cam kết WTO

Nhìn chung thì với phương thức “chọn-bỏ” như phân tích ở trên, mức độ mở cửa thị trường tại CPTPP so với cam kết WTO là rộng hơn. 

Liên quan đến một số ngành mở cửa hơn so với WTO, các bạn có thể xem sơ lược bài tại ĐÂY. Trong điều kiện cho phép, Kiến Thức Pháp Lý sẽ so sánh và cung cấp thông tin chi tiết trong một bài viết khác. 

Rà soát hạn chế mở cửa thị trường theo CPTPP: Cần lưu ý điều gì?

Cần lưu ý rằng CPTPP đưa ra 2 phụ lục NCM, trong đó phụ lục I đề cập tương đối cụ thể từng ngành, trong khi phụ lục II mang tính chất là các bảo lưu chung. Về cơ bản, cả phụ lục I lẫn phụ Iục II đều là các phụ lục bảo lưu. Tuy nhiên, phụ lục I đề cập đến biện pháp tạm thời và sẽ bị phụ thuộc vào 2 hạn chế gồm (i) nguyên tắc standstill (giữ nguyên hiện trạng – bảo lưu tại phụ lục này có thể thay đổi nhưng không được kém thuận lợi hơn) và (ii) nguyên tắc rachet (chỉ tiến không lùi – một khi đã thay đổi theo hướng thuận lợi hơn thì không được rút lại). Trong khi đó, phụ lục II đề cập đến các biện pháp mang tính lâu dài mà các quốc gia được toàn quyết định mà không phụ thuộc vào hạn chế nào[5].

Lưu ý về tính hiệu lực

CPTPP được ký bởi 11 nước thành viên bao gồm (1) Australia; (2) Brunei; (3) Canada; (4) Chile; (5) Nhật Bản; (6) Malaysia; (7) Mexico(8) New Zealand; (9) Peru; (10) Singapore và (11) Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại đã có 7/11 nước đã phê chuẩn CPTPP (bao gồm những nước được bôi đen ở trước). Cần lưu ý rằng CPTPP chỉ có hiệu lực đối với một quốc gia thành viên khi quốc gia đó hoàn tất việc phê chuẩn hiệp định (và thông báo cho nước lưu chuyển là New Zealand về việc phê chuẩn đó). Trong đó, CPTPP chính thực có hiệu lực tại Việt Nam vào ngày 14/01/2019[6].

Như vậy, đối với các nước còn lại chưa phê chuẩn là Brunei, Chile, Malaysia và Peru thì CPTPP vẫn chưa có hiệu lực và do đó, Việt Nam cũng sẽ chưa áp dụng các cam kết về mở cửa thị trường theo CPTPP đối với nhà đầu tư đến từ các quốc gia trên.


[1]                Xem thêm: CPTPP, Điều 9.12 (Các biện pháp không tương thích). Cụ thể hơn, khoản 1 của Điều 9.12 đề cập đến các trường hợp ngoại lệ (bảo lưu) đối với các nguyên tắc NT, MFN, yêu cầu thực hiện, quản lý cấp cao và hội đồng quản trị.

[2]                Đối với nguyên tắc tối huệ quốc (MFN), trường hợp một thành viên nào đó của CPTPP đã nằm trong FTA ký trước CPTPP mà Việt Nam cũng là thành viên có thể được đối xử ưu đãi hơn phù hợp với chính FTA đó. Xem thêm tại: https://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=13570 (truy cập ngày 27/02/2021)

[3]                Xem thêm về bảo lưu chung đối với nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc (áp dụng cho dịch vụ xuyên biên giới và đầu tư) tại Phụ lục II (NCM) của CPTPP. 

[4]                Nếu tiếp cận theo hướng “chọn-cho” dưới cam kết WTO, đối với các ngành, nghề chưa cam kết thì Việt Nam có toàn quyền cấp phép hoặc từ chối tuỳ từng trường hợp. Theo đó, nhà đầu tư trong quá trình xin cấp phép đầu tư vào các ngành này sẽ phải hỏi ý kiến của các Bộ ngành có liên quan. 

[5]                Xem thêm tại: https://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=13570 (truy cập ngày 27/02/2021)

[6]                Xem thêm tại: http://cptpp.moit.gov.vn/?page=overview&category_id=9040e56c-c3f5-4592-9fe7-baa47f75a7c0 (truy cập ngày 27/02/2021)

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.