GIAO DỊCH CHO VAY, CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN, PHẦN VỐN GÓP GIỮA CÁ NHÂN VÀ TỔ CHỨC.

Bài viết này sẽ đề cập đến 2 nội dung (i) hình thức thanh toán đối với các giao dịch vay hoặc giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp; (ii) tài khoản nhận tiền từ khoản vay nước ngoài.

I. Hình thức thanh toán đối với giao dịch vay hoặc giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp:

Hình thức thanh toán trong các giao dịch xảy ra tại doanh nghiệp là một vấn đề không mới, những cũng không cũ. Bên cạnh các cách hiểu thông thường như là các giao dịch mua hàng hoá, dịch vụ từng lần với trị giá trên 20 triệu thì việc thanh toán không được dùng tiền mặt[1], thì câu hỏi đặt ra là liệu rằng, đối với các khoản vay hay các giao dịch phát sinh từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp có được sử dụng tiền mặt không?

Một số cá nhân và tổ chức thường lập luận rằng, việc vay mượn hay hình thức thanh toán trong các giao dịch như thế nào, đã thanh toán hay chưa thanh toán là việc dân sự giữa các bên, do các bên có quyền tự thoả thuận và điều chỉnh, do đó, việc vay, trả nợ vay và thanh toán do nhận chuyển nhượng cố phần, phần vốn góp thanh toán bằng hình thức nào (thậm chí là tiền mặt) sẽ do các bên quyết định thông qua thoả thuận, cam kết, hợp đồng.

Lập luận trên cũng không hoàn toàn sai, tương tự, khi tiến hành thủ tục thông báo thay đổi thông tin chủ sở hữu mà các doanh nghiệp (công ty trách nhiệm hữu hạn) thường tiến hành với Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong bộ hồ sơ doanh nghiệp chỉ cần nộp kèm theo biên bản thanh lý hợp đồng, hoặc giấy xác nhận bên mua đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, mà không còn cần thêm bất kỳ giấy tờ nào để chứng minh. Điều này, càng khiến cho một số các cá nhân, tổ chức nhận định lập luận có thể sử dụng tiền mặt  trong các giao dịch trên là không sai. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành đã chỉ rõ rằng:

1. Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP, hướng dẫn bởi Điều 3 Thông tư 09/2015-TT-BTC nêu rõ:

(i) Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. [2]

(ii) Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.

(iii) Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng (là các doanh nghiệp không thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng) khi thực hiện các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau sử dụng các hình thức thanh toán được quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.    

(iv) Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng khi thực hiện giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau bằng tài sản (không phải bằng tiền), đối trừ công nợ, chuyển giao nghĩa vụ nợ thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Theo quy định tại Khoản 8, 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định thanh toán bằng tiền mặt.

Do đó, hình thức các giao dịch vay, cho vay, trả nợ và giao dịch mua cổ phần, phần vốn góp giữa các doanh nghiệp không được thực hiện bằng tiền mặt. Tuy nhiên, giao dịch cho vay giữa cá nhân và doanh nghiệp hay cá nhân góp vốn vào doanh nghiệp vẫn có thể được sử dụng tiền mặt.

Ngoài ra, cần lưu ý, trong trường hợp cá nhân là người mang quốc tịch nước ngoài thì: Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài đều phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn của nhà đầu tư đó mở tại ngân hàng ở Việt Nam, trừ trường hợp thanh toán bằng tài sản.[3]

II. Xoay quanh vấn đề khoản vay nước ngoài, có rất nhiều vấn đề, thủ tục cần lưu ý trong quá trình thực hiện. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến vấn đề tài khoản nhận tiền trong trường hợp khoản vay nước ngoài không được nhà nước bảo lãnh và bằng tiền. Cụ thể:

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 03/2016/TT-NHNN ngày 26 tháng 2 năm 2016 đã định nghĩa thế nào là khoản vay nước ngoài.

Nói một cách đơn giản, trong hợp đồng vay nước ngoài, bên đi vay là một doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam, bên cho vay là cá nhân, tổ chức tại nước ngoài.

Thông thường, các doanh nghiệp, sau khi được thành lập sẽ có tài khoản ngân hàng (hay còn gọi là tài khoản thanh toán). Trong trường hợp này, tài khoản vay, trả nợ nước ngoài sẽ là tài khoản thanh toán của bên đi vay. Tài khoản này sẽ được sử dụng để nhận giải ngân khoản vay nước ngoài và chuyển tiền trả nợ vay cho chính khoản vay đó[4].

Tuy nhiên, trong trường hợp bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì khoản vay, trả nợ vay phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nếu đó là khoản vay trung, dài hạn;

Nếu khoản vay là khoản vay ngắn hạn, có thể thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc tài khoản đầu tư trực tiếp. [5]

Vậy như thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài? Khoản vay trung, dài hạn? Khoản vay ngắn hạn?

1. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm (Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2019/TT-NHNN:

a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;

b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:

(i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

(iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

(iv) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Khoản vay ngắn hạn là khoản vay có thời hạn đến một (01) năm.

3. Khoản vay trung, dài hạn là khoản vay có thời hạn trên một (01) năm. [5]


[1] Điểm C, Khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC

[2] Khoản 1 Điều 6 Nghị định 222

[3] Khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014

[4] Khoản 1 Điều 24 Thông tư 03/2016/TT-NHNN

[5] Khoản 2 Điều 24 Thông tư 03/2016/TT- NHNN, Sửa đổi bởi Khoản 2 ĐIều 1 Thông tư 05/2016/TT-NHNN

[6] Khoản 1, 2 Điều 2 Thông tư 12/2014/TT-NHNN

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.