Phần 1 – Định nghĩa, điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản và một số bình luận về vụ việc của CGV
Tải và xem bản pdf của bài viết tại ĐÂY.
Xem Phần 2 – Hệ quả pháp lý liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản tại ĐÂY.
Xem Phần 3 – Một vài gợi ý về việc soạn thảo điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản ĐÂY.
Trên cơ sở xem xét dịch Covid-19 là một sự kiện cấu thành việc thay đổi hoàn cảnh cơ bản của hợp đồng, thời gian gần đây CGV đã tiến hành khởi kiện yêu cầu chấm dứt một số hợp đồng thuê mặt bằng rạp chiếu phim với các bên cho thuê[1]. Dù đường hướng giải quyết và lập luận của cơ quan giải quyết tranh chấp (Toà án) đối với yêu cầu trên vẫn còn là một dấu hỏi, yêu cầu này của CGV đã gợi mở một hướng đi mới cho các hợp đồng đang bị “tắc” do dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh không có cơ sở pháp lý rõ ràng để khẳng định dịch Covid-19 được xem là một sự kiện bất khả kháng.
Dù đã xuất hiện chính thức tại Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015), “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” (hardship / changed circumstances) không phải là một khái niệm pháp lý được sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Có thể nói, hầu hết các hợp đồng hiện tại đều bỏ qua, dù vô tình hay hữu ý, việc đưa điều khoản này vào trở thành một điều khoản tiêu chuẩn[2]. Để độc giả có một cái nhìn bao quát hơn về vấn đề này, bài viết này sẽ được tách ra làm ba phần như sau:
- Phần 1 – Định nghĩa, điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản và một số bình luận về vụ việc của CGV
- Phần 2 – Hệ quả pháp lý liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản
- Phần 3 – Một vài gợi ý về việc soạn thảo một điều khoản thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Định nghĩa hoàn cảnh thay đổi cơ bản
Pháp luật Việt Nam không đưa ra bất kỳ định nghĩa cụ thể nào liên quan đến hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Do vậy, việc xem xét định nghĩa của hoàn cảnh thay đổi cơ bản cần được xem xét rộng hơn dưới góc độ quốc tế.
Theo Điều 6.2.2 của UNIDROIT, một hoàn cảnh được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nếu nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự cân bằng của hợp đồng, hoặc làm cho phí thực hiện tăng quá cao, hoặc giá trị nhận được do thực hiện nghĩa vụ giảm quá thấp[3]. Dưới góc độ của bộ luật dân sự Pháp, hoàn cảnh thay đổi cơ bản (imprévision)được định nghĩa là một hoàn cảnh không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng khiến cho việc thực hiện nghĩa vụ trở nên quá bất lợi cho một bên mà bên đó không chấp nhận rủi ro này[4]. Tương tư như vậy, pháp luật Anh cũng có một chế định khá tương đồng với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, đó là học thuyết frustration[5].
Trên cơ sở các định nghĩa trên, có thể thấy hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất khả kháng có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là yếu tố không thể lường trước và hệ quả miễn trách nhiệm của bên bị ảnh hưởng do không thực hiện đúng hợp đồng[6]. Tuy vậy, xét dưới góc độ khoa học pháp lý, hai chế định này có một điểm khác biệt tương đối rõ rệt về mặt bản chất – đó chính là khả năng thực hiện hợp đồng. Đối với sự kiện bất khả kháng, bên bị bất khả kháng mất hoàn toàn khả năng thực hiện các nghĩa vụ tại hợp đồng. Trong khi đó, đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên bị ảnh hưởng vẫn có thể lựa chọn tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đó[7]. Nói cách khác, sự kiện bất khả kháng không cho phép bên bị bất khả kháng bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ của mình trong hợp đồng. Mặt khác, bên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh thay đổi cơ bản vẫn có thể tiếp tục nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, chỉ có điều việc thực hiện đó sẽ đặt lên vai bên bị ảnh hưởng một gánh nặng quá lớn (onerous), bất hợp lý (unreasonable) và thiếu công bằng (unjust) đến mức gây tổn hại đến lợi ích bên bị ảnh hưởng mong đợi hợp lý cho việc thực hiện nghĩa vụ[8].
Như vậy, có thể hiểu rằng hoàn cảnh thay đổi cơ bản đưa ra một cơ sở pháp lý linh động hơn (so với sự kiện bất khả kháng) để một bên có thể từ bỏ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Chính bởi sự linh động đó, điều kiện để xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng được cơ cấu phức tạp hơn so với điều kiện của một sự kiện bất khả kháng. Điều này nhằm mục đích hạn chế việc một bên lạm dụng chế định trên nhằm thoái thác trách nhiệm của mình tại hợp đồng.
Điều kiện xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản và một số bình luận về vụ kiện của CGV
Điều 420.1 của BLDS 2015 quy định như sau:
1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.”
Có thể dễ dàng nhận thấy điều kiện xác định có hay không có hoàn cảnh thay đổi cơ bản mang tính định tính nhiều hơn là định lượng, tương tự như đối với việc xác định sự tồn tại của sự kiện bất khả kháng. Trong đó, ba trong năm điều kiện để xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản đó chính là tính khách quan, tính không thể lường trước và yêu cầu về nỗ lực khắc phục tối đa (điểm (a), (b) và (đ) khoản 1 Điều 420 BLDS 2015) là khá tương đồng với các điều kiện để xác định sự kiện bất khả kháng. Do đó, bài viết này sẽ không đi sâu vào phân tích các điều kiện trên. Thay vào đó, việc đánh giá một sự kiện có tạo thành hoàn cảnh thay đổi cơ bản hay không có lẽ sẽ phụ thuộc tương đối lớn vào sự tương thích với hai điều kiện dưới đây:
1. Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác
Để xác định được điều kiện này, trước hết cần xác định mục đích mà các bên giao kết hợp đồng là gì, từ đó đặt trong mối quan hệ với hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đánh giá liệu có đủ cơ sở để nhận định rằng hoàn cảnh thay đổi cơ bản khiến cho các bên không thể đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng ban đầu hay không[9]. Dưới góc độ khoa học pháp lý, mục đích giao kết của hợp đồng là một trong những thành tố cơ bản để xác lập hợp đồng[10]. Tuy vậy, việc xác định mục đích cụ thể của hợp đồng là gì trong một số trường hợp cũng không phải là một vấn đề đơn giản.
Lấy ví dụ từ bài giảng của học thuyết frustration:
“Nếu một người chuẩn bị trở thành cô dâu giao kết một hợp đồng với một công ty tổ chức tiệc cưới để chuẩn bị cho đám cưới của mình, tuy vậy, chú rể gặp một tai nạn bất ngờ và đám cưới không thể tổ chức, vậy liệu cô dâu có thể cho rằng mục đích (đám cưới giữa cô dâu và chú rể) phát sinh từ hợp đồng tổ chức tiệc cưới này đã không còn và do đó, cô dâu có quyền ngay lập tức chấm dứt hợp đồng trên với công ty tổ chức tiệc cưới?[11]
Ví dụ đơn giản trên đã cho thấy sự phức tạp trong việc xác định mục đích của hợp đồng. Cụ thể hơn, chúng ta cần xác định hợp đồng với công ty tổ chức tiệc cưới chỉ dừng lại đơn thuần ở mục đích “chuẩn bị cho đám cưới” hay phải xác định hợp đồng này nhằm mục đích “tổ chức thành công đám cưới”?. Trong trường hợp hợp đồng không có quy định minh thị, việc lựa chọn cách giải nghĩa hẹp hay rộng phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của cơ quan giải quyết tranh chấp. Mục đích của hợp đồng thường có thể được tìm thấy ở những điều khoản đầu tiên của hợp đồng đó, và trong nhiều trường hợp, ở phần mở đầu (“xét rằng”) của mỗi hợp đồng. Các hợp đồng tại Việt Nam thường soạn thảo phần “xét rằng” một cách tương đối sơ sài và thậm chí là bỏ qua cả phần này. Dước góc độ quốc tế, chính nội dung phần “xét rằng” đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc diễn giải bối cảnh và mục đích của hợp đồng[12]. Do đó, khi soạn thảo hợp đồng, việc trau chuốt điều khoản “xét rằng” và việc xác định cụ thể mục đích cuối cùng của hợp đồng của mỗi bên ký kết là gì cần phải được lưu tâm một cách kỹ lưỡng.
Dù vậy, trong vụ việc của CGV, việc xác định mục đích của hợp đồng thuê có lẽ không phải là một vấn đề phức tạp vì đối với những doanh nghiệp FDI lớn như CGV, hợp đồng gần như chắc chắn sẽ có điều khoản (cụ thể hoặc ngụ ý) thể hiện ý định của CGV về việc thuê mặt bằng để kinh doanh rạp chiếu phim. Việc Chính phủ yêu cầu CGV “đóng cửa” rạp chiếu phim trong một khoảng thời gian nhất định đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm được mục đích của hợp đồng thuê. Tuy vậy, để xác định “ảnh hưởng” này có khiến các bên từ chối giao kết hợp đồng này ngay từ đầu hoặc vẫn giao kết nhưng với nội dung khác hay không thì cần xác định mức độ tác động của hoàn cảnh thay đổi đến việc đạt được mục đích của hợp đồng đó. Theo quan điểm của tác giả, việc xác định mức độ ảnh hưởng này sẽ có nhiều nét tương đồng với việc xác định “thiệt hại nghiêm trọng” được phân tích tại điều kiện quy định ở Mục 2 bên dưới.
2. Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên
Điều kiện này đặt ra một câu hỏi đơn giản nhưng hoàn toàn không dễ để trả lời, đó là thiệt hại đến mức nào thì được xem là “nghiêm trọng”?
Thiệt hại ở đây có thể được hiểu theo một trong hai (hoặc cả hai) hướng (i) chi phí thực hiện nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh thay đổi tăng quá cao hoặc (ii) giá trị lợi ích mà bên bị ảnh hưởng nhận được từ việc thực hiện nghĩa vụ bị giảm xuống mức quá thấp[13]. Vậy mức tăng (đối với chi phí) hoặc mức giảm (đối với giá trị lợi ích) tối thiểu là bao nhiêu thì hội đủ điều kiện để được xem là thiệt hại nghiêm trọng? Trên bình diện quốc tế, nhiều đề xuất đã được đưa ra để lượng hoá mức tối thiểu này. Trong đó, tỷ lệ tối thiểu 50% thường được đề cập như là một ngưỡng để xác định tính nghiêm trọng[14]. Tuy nhiên, thực tiễn thương mạicho thấy không phải bất kỳ nghĩa vụ nào yêu cầu mức chi phí thực hiện tăng trên 50% so với dự toán ban đầu đều được xem là nghiêm trọng hay ngược lại, việc mức chi phí tăng thấp hơn 50% so với chi phí ban đầuchưa chắc đã được xem là không nghiêm trọng. Các nghiên cứu pháp lý hiện đại không còn thừa nhận một con số cụ thể mà thiên về việc xem xét đến tính chất (charateristics) và hoàn cảnh (context) của mỗi một hợp đồng cụ thể.
Dù vậy, thực tiễn xét xử tại nhiều quốc gia vẫn cho thấy Toà án của các nước thường có xu hướng “áp” một ngưỡng tối thiểu để tránh việc vận dụng quy định của pháp luật một cách tuỳ tiện. Cụ thể hơn, đối với trường hợp chi phí tăng cao, ngưỡng tối thiểu này thường là 150% chi phí ban đầu đối với Toà án Đức hoặc 100% chi phí ban đầu đối với Toà án Pháp[15].
Ngược lại, trong trường hợp chi phí không tăng (hoặc tăng không đáng kể) mà giá trị lợi ích (doanh thu nhận được) bị giảm xuống quá thấp thì vẫn chưa có ngưỡng tối thiểu nào được xem xét một cách cụ thể trong phạm vi hiểu biết của tác giả. Theo quan điểm của tác giả, chỉ trong trường hợp mà việc thực hiện nghĩa vụ của bên bị ảnh hưởng không tạo ra bất kỳ giá trị (bao gồm cả giá trị quy đổi thành tiền hoặc không thể quy đổi thành tiền[16]) nào cho bên bị ảnh hưởng sau khi trừ đi các chi phí thực hiện (bao gồm cả trường hợp không có doanh thu hoặc doanh thu âm) mới có thể được xem xét là một hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trường hợp này có mối quan hệ mật thiết với điều kiện tại điểm (c) của Điều 420.1 BLDS 2015 nêu trên, bởi lẽ lúc này mục đích của hợp đồng cũng không thể thực hiện được. Lấy ví dụ trong vụ kiện của CGV, CGV giao kết hợp đồng với bên cho thuê nhằm mục đích xây dựng rạp chiếu phim để kinh doanh thu lợi nhuận từ hoạt động của rạp chiếu phim đó. Do mệnh lệnh đóng cửa rạp chiếu phim của Chính phủ bởi dịch Covid-19, doanh thu của CGV (đối với rạp chiếu phim trên) trở về gần như bằng 0 trong thời gian mệnh lệnh hành chính đó có hiệu lực. Như vậy, dù chi phí để thực hiện nghĩa vụ thuê không tăng (giá thuê vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí là có giảm), giá trị mà CGV nhận được từ việc thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thuê bị giảm xuống mức “doanh thu âm” (có phát sinh chi phí nhưng không có doanh thu). Điều này khiến cho mục đích ban đầu của hợp đồng thuê khi các bên giao kết, dù gián tiếp hay trực tiếp, có thể không còn được bảo đảm.
Tất nhiên, việc phân tích điều kiện này không đơn giản chỉ dừng lại như vậy. Tác giả cho rằng Tòa án sẽ cần phải xem xét dưới góc độ hợp lý ảnh hưởng của một hoàn cảnh thay đổi đối với việc thực hiện hợp đồng trong một khoảng thời gian dài xuyên suốt thời hạn của hợp đồng, thay vì chỉ chú trọng đến khoảng thời gian mà sự kiện được cho là hoàn cảnh thay đổi cơ bản diễn ra. Cũng trong ví dụ của vụ kiện CGV, cần phải xem xét liệu ảnh hưởng của mệnh lệnh hành chính, giả sử kéo dài tổng cộng 6 – 8 tuần, chia ra nhiều lần trong 1 năm có thực sự khiến cho giá trị nhận được của CGV từ việc thực hiện nghĩa vụ tại hợp đồng giảm xuống mức quá thấp hay không. Nếu chúng ta xét trong khoảng thời gian mệnh lệnh hành chính kéo dài, việc chứng minh giá trị nhận được giảm xuống mức quá thấp có lẽ không phải là vấn đề quá phức tạp đối với CGV. Tuy nhiên, nếu xét trên cơ sở toàn bộ thời hạn hợp đồng hay thời hạn của hợp đồng mà các bên đã thực hiện tính đến thời xảy ra sự kiện được cho là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, việc có hay không có sự giảm sút nghiêm trọng của giá trị nhận được từ CGV liên quan đến việc thuê mặt bằng cần phải được xem xét lại một cách cẩn trọng. Giả định các bên liên quan không có quy định cụ thể về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” và lượng hóa các tiêu chí có liên quan, gánh nặng của Tòa án trong việc xác định từng đặc điểm của hoàn cảnh thay đổi cơ bản để ban hành một phán quyết “hợp lý” là tương đối nặng nề.
Từ những phân tích trên, có thể thấy dù BLDS 2015 tách bạch ra từng điều kiện khác nhau để xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhưng khi xem xét một vấn đề cụ thể, Toà án cần phải xem xét toàn bộ các điều kiện này trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau, điều kiện này bổ sung cho các điều kiện khác và ngược lại. Chỉ khi tiếp cận dưới góc độ trên, chúng ta mới có thể xem xét và đánh giá một cách tổng thể nhất của hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Mới Quý độc giả tiếp tục theo dõi Phần 2 và Phần 3 của Bài viết này. Phần 2 được dự kiến sẽ đăng tải trước ngày 25/6/2021 và Phần 3 được dự kiến sẽ đăng tải trước ngày 15/7/2021. Khi Phần 2 và Phần 3 được đăng tải, tác giả sẽ cập nhật link tại bài viết này để Quý độc giả tiện theo dõi.
____________________________________________________________________________
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả, do đó không tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Kính mong Quý độc giả có thể góp ý và chia sẻ thêm các góc nhìn khác để bài viết được hoàn thiện hơn.
Mọi phản hồi xin được gửi về email: bao.nguyen@kienthucphaply.com hoặc comment trực tiếp tại bài đăng online hoặc liên hệ qua fanpage Kiến Thức Pháp Lý.
Tác giả xin chân thành cảm ơn mọi ý kiến đóng góp từ phía Quý độc giả.
[1] <https://tuoitre.vn/lai-them-chu-nha-bi-cgv-kien-ra-toa-doi-don-phuong-cham-dut-hop-dong-ma-khong-boi-thuong-20210507174451205.htm?>
[2] Điều khoản mặc định có thể tìm thấy ở hầu hết các hợp đồng, dù đơn giản hay phức tạp.
[3] <https://www.unidroit.org/instruments/commercial-contracts/unidroit-principles-2010/403-chapter-6-performance-section-2-hardship/1058-article-6-2-2-definition-of-hardship>; Xem thêm: Trần Thanh Tâm và Nguyễn Minh Hiển, “Điều khoản hardship trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế” (2015) Tạp chí kinh tế đối ngoại số 70 (02/2015), 50 – 51.
[4] Điều 1195 của Bộ luật dân sự Pháp; Xem thêm: <https://www.reedsmith.com/en/perspectives/2016/08/volte-face-as-hardship-becomes-part-of-french-law>
[5] Ingeborg Schwenzer, “Force Majeure and Hardship in International Sales Contracts” (2008) 39 VUWLR 709, 711; Dù vậy, khác với hardship, frustration không cho phép Tòa án can thiệp vào việc sửa đổi hợp đồng.
[6] Cần lưu ý rằng Luật Thương mại 2005 không liệt kê “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” là một trong những căn cứ để miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm (Điều 294 của Luật Thương mại 2005). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hệ quả của “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” không là miễn trách nhiệm. Điều này có thể được lý giải đơn giản rằng chế định “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” chưa được xem xét đến khi Luật Thương mại 2005 được soạn thảo và thông qua nhưng đã được bổ sung theo BLDS 2015. Do đó, dù Luật Thương mại 2005 không quy định cụ thể, cần hiểu rằng “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” vẫn có thể được áp dụng như là một cung cụ miễn trách nhiệm trên cơ sở BLDS 2015 ngay cả đối với những hợp đồng được Luật Thương mại 2005 điều chỉnh.
[7] Hubert Konarski, “Force Majeure and Hardship Clauses in International Contractual Practice” (2003) 2003 Int’l Bus LJ 405, 405.
[8] Konarski (n 3) 406; Chính bởi lẽ đó, hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xem là một ngoại lệ của nguyên tắc pacta sunt servandakhi mà bên bị ảnh hưởng có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng lựa chọn không làm như vậy (Xem thêm: Nguyễn Minh Hằng và Trần Thị Giang Thu, “Đề xuất diễn giải và áp dụng Điều 420 Bộ luật dân sự năm 2015 về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” (2017) Tạp chí kinh tế đối ngoại số 86).
[9] Phạm Hồ Hoàng Long và Ngô Quốc Chiến, “Hợp đồng “không hoàn hảo” và sự can thiệp của Toà án” (2019) Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 24(400) 12/2019.
[10] Theo Vũ Văn Mẫu, hai điều kiện để tạo ra khế ước (hợp đồng) là người kết ước và chủ đích của sự ưng thuận (mục đích của hợp đồng) (Xem thêm: Trần Kiên và Nguyễn Khắc Thu, “Khái niệm hợp đồng và những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam” (2019) Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 2+3/2019
<http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210246>
[11] Nicholas R Weiskopf, “Frustration of Contractual Purpose-Doctrine or Myth” (1996) 70 St John’s L Rev 239, 239.
[12] Theo Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế, việc diễn giải một điều ước quốc tế (về bản chất cũng là một hợp đồng) cần phải được đặt trong bối cảnh và mục đích của Điều ước quốc tế đó, và bối cảnh cũng như mục đích của một Điều ước Quốc tế thường được ghi nhận tại phần Lời nói đầu (tương tự như phần Xét rằng trong các hợp đồng thông thường) (Xem thêm: Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế, Điều 31.2 và Điều 32).
[13] Schwenzer (n 5) 715; Xem thêm: Điều 6.2.2 của UNIDROIT.
[14] Bình luận tại ấn bản đầu tiên của PICC (Điều 6.2.2) vào năm 1994 đã tham chiếu đến con số 50% để xác định có hay không có “sự nghiêm trọng”. Tuy nhiên, các ấn bản thứ 2 sau đó vào năm 2004 đã không đề cập đến bất kỳ con số cụ thể nào (Xem thêm: Schwenzer (n 5) 716; Xem thêm tại: Dietrich Maskow, “Hardship and Force Majeure” (1992) 40 AJCL 657, 662.
[15] Ngô Thu Trang và Nguyễn Thế Đức Tâm, “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” (2017) tại <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2131>
[16] Trong bài viết này, tác giả sẽ chỉ đề cập giới hạn trong trường hợp giá trị mà một bên nhận được từ hợp đồng là một giá trị vật chất có thể quy đổi thành tiền.
- LỰA CHỌN CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG GIAO DỊCH MUA BÁN CÔNG TY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BẤT ĐỘNG SẢN - Tháng Một 12, 2025
- GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THÔNG QUA TRỌNG TÀI: CƠ CHẾ MỚI, ÁP DỤNG RA SAO? - Tháng Một 6, 2025
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng bảy 21, 2024