By Bao Nguyen

CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN: VẤN ĐỀ VỀ TỶ LỆ BIỂU QUYẾT

Căn cứ vào Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể là tại Điều 60.3, thì nghị quyết của Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn (HĐTV) sẽ được thông qua nếu được (i) số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của thành viên dự họp tán thành – đối với các vấn đề thông tường và (ii) số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp thành viên dự họp tán thành – đối với các vấn đề quan trọng (reserved matters). Vậy câu hỏi đặt ra rằng nếu Điều lệ quy định một tỷ lệ thấp hơn tỷ lệ trên thì có trái luật hay không?


Nếu không đọc kỹ Luật Doanh nghiệp, chúng ta thường “mặc định” sẵn trong suy nghĩ rằng tỷ lệ biểu quyết mà Luật Doanh nghiệp quy định là tỷ lệ tối thiểu và Điều lệ chỉ được quy định một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ tối thiểu đó thì mới phù hợp. Điều này là đúng trong nhiều trường hợp quy định tại Luật Doanh nghiệp (như đối với việc biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần) nhưng dường như không phù hợp với “cách sử dụng từ ngữ” của các nhà làm luật tại Điều 60.3 của Luật Doanh nghiệp mà chúng ta đang nói tới.

Cụ thể hơn, Điều 60.3 quy định như sau:

“Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:

a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty

Với cách diễn giải như vậy, tác giả cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể hiểu việc Điều lệ quy định một tỷ lệ là 51% đối với các vấn đề thông thường và 65% đối với các vấn đề quan trọng khi biêu quyết các vấn đề tại cuộc họp HĐTV là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Nói cách khác, không giống như quy định đối với công ty cổ phần, tỷ lệ biểu quyết mà Luật Doanh nghiệp quy định không đóng vai trò là tỷ lệ tối thiểu mà chỉ đóng vai trò là tỷ lệ tham khảo hoặc tỷ lệ áp dụng trong trường hợp mà Điều lệ không quy định cụ thể.

Để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này, tác giả xin được trích quy định về việc biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần như sau:

Cụ thể là Điều 144.1 và Điều 144.2:

1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

….

2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”

Theo đó, quy định về tỷ lệ biểu quyết tối thiểu được đưa ra trước quy định về việc Điều lệ sẽ có quy định cụ thể. Với cách sắp xếp và sử dụng từ ngữ như tại điều khoản này, tác giả hiểu rằng Điều lệ công ty cổ phần có thể quy định tỷ lệ biểu quyết nhất định không phải là 51% và 65% như Luật Doanh nghiệp nhưng trong mọi trường hợp tỷ lệ mà Điều lệ quy định không thể nhỏ hơn 51% và 65% vì đây là hai tỷ lệ tối thiệu mà Luật Doanh nghiệp đã quy định và Điều lệ cũng phải bảo đảm phù hợp với mức tối thiểu này.

Xét trên một góc độ khác, Luật Doanh nghiệp dường như “dễ dãi” hơn đối với công ty trách nhiệm hữu hạn khi mà biên độ dao động của tỷ lệ mà Điều lệ có thể quy định là lớn hơn rất nhiều so với biên độ đó của công ty cổ phần (chỉ dao động từ 51% trở lên hoặc 65% trở lên). Vậy theo quan điểm của các bạn, việc quy định tỷ lệ biểu quyết trong công ty trách nhiệm hữu hạn lần lượt là 51% và 65% tương tư như tỷ lệ tối thiểu áp dụng cho công ty cổ phần có phải là không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp hay không?

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

2 Comments

  1. Cảm ơn bài viết của tác giả. Tuy nhiên, cách hiểu của mình có một chút khác như sau: (có thể cách hiểu của mình là sai :D)
    Điều 60.3 quy định:
    “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong các trường hợp sau đây:
    a) Được số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
    b) Được số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty”
    Theo đó, mình hiểu “hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty” trong ngữ cảnh này là đang nói về giá trị tài sản, con số 50%. Nói cách khác công ty có thể quy đinh “số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với quyết định bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 40% (một tỷ lệ nhỏ hơn thay vì 50% như luật đinh) tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty “. Do đó, hai tỷ lệ 65% và 75% vẫn được xem là tỷ lệ tối thiểu để thông qua các quyết định của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

    1. Xin chân thành cảm ơn bạn đã chia sẻ ý kiến. Tuy nhiên, mục đích bài viết trên của mình không phải nhắm đến đoạn quy định liên quan đến phần giá trị tài sản. Cụ thể hơn, mình đang xem xét phần đầu của Điều 60.3, đó là “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, nghị quyết của HĐTV…” mà không phải là phần “…hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn…” như bạn đề cập.

      Mình lấy một ví dụ về trường hợp mà điều luật này đang không rõ ràng như sau:
      Tại Điều lệ của công ty TNHH X có quy định rằng “Nghị quyết HĐTV của công ty TNHH X sẽ được thông qua nếu được số phiếu đại diện ít nhất 51% tổng số vốn góp của các thành viên tán thành”.
      Đối chiếu quy định này với Điều 60.3 Luật Doanh nghiệp nêu trên, mình cho rằng điều này là không trái, ít nhất là về mặt câu chữ so với Luật Doanh nghiệp bởi vì Điều 60.3 vẫn cho phép Điều lệ được ưu tiên quy định thông qua việc ghi nhận lên đầu tiên “Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác,….”.

      Dù bài viết không chủ đích nhắm đến quy định liên quan đến “giá trị tài sản”, tuy nhiên, mình đồng tình với cách hiểu của bạn với điều kiện là Điều lệ không có quy định một tỷ lệ khác so với luật.

      Cảm ơn bạn và mong bạn chia sẻ cũng như góp ý thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.