CHỈ PHÂN PHỐI SẢN PHẨM DO CHÍNH MÌNH SẢN XUẤT THÌ CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ NGÀNH, NGHỀ BÁN BUÔN, BÁN LẺ?

Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các hàng dệt may và bán các hàng dệt may này cho tổ chức, cá nhân khác, vậy doanh nghiệp này sẽ chỉ cần đăng ký kinh doanh đối với ngành, nghề sản xuất hay phải đăng ký cả ngành, nghề sản xuất và cả ngành, nghề bán buôn, bán lẻ để thực hiện mục tiêu kinh doanh của mình?

Trong thời gian vừa qua, page đã nhận được nhiều câu hỏi từ một số bạn tương tự như câu hỏi nêu trên. Nói cách khác, việc pháp luật hiện hành không có một quy định mang tính trực tiếp và cụ thể về vấn đề này đã dẫn đến việc có một số quan điểm cho rằng nếu một doanh nghiệp chỉ đăng ký duy nhất ngành, nghề sản xuất thì công việc của doanh nghiệp đó chỉ đơn thuần là sản xuất ra sản phẩm mà không thể thực hiện việc phân phối dưới cả hình thức bán buôn và bán lẻ sản phẩm đó tới cá nhân và tổ chức khác.

Dưới góc độ quản lý nhà nước và thực tiễn đăng ký kinh doanh, việc một doanh nghiệp đăng ký ngành nghề sản xuất đã mặc nhiên được bao gồm quyền tiêu thụ chính sản phẩm do doanh nghiệp đó sản xuất mà không đặt ra yêu cầu phải đăng ký một ngành, nghề khác riêng biệt. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ lý luận và cơ sở pháp lý thì vấn đề này cần được hiểu thế nào?

Thông tư 04/2007/TT-BTM ngày 4/4/2007 của Bộ Thương mại (đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016) hướng dẫn đối với việc tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam thì: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp bán buôn, bán lẻ hoặc thông qua đại lý để tiêu thụ sản phẩm được doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam”. Đây là quy định khá mơ hồ và cũng không thật sự rõ ràng để khẳng định rằng việc đăng ký ngành nghề sản xuất là đã đủ để thực hiện cả việc tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, thông tư này cũng đã hết hiệu lực thi hành và cũng không có bất kỳ văn bản nào trực tiếp thay thế. Câu hỏi về phạm vi của ngành nghề sản xuất lại tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Ngày 19/6/2018, Bộ Công thương có công văn số 4889/BCT-KH trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về hoạt động phân phối, trong công văn này, Bộ Công thương nêu rõ “việc phân phối bán buôn, bán lẻ tại thị trường Việt Nam các hàng hóa do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra tại Việt Nam theo mục tiêu, dự án đầu tư đã đăng ký là quyền tiêu thụ hàng hóa do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất ra, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ. Do vậy, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh theo quy định của Nghị định này.”.

Với tinh thần trên của Công văn này, nếu hiểu theo một nghĩa rộng là việc quyền phân phối bán buôn, bán lẻ đối với các sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất chỉ là quyền tiêu thụ đã được bao gồm trong việc sản xuất, tác giả cho rằng có cơ sở để suy luận ngược lại là tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng chỉ cần đăng ký ngành nghề sản xuất mà không cần phải đăng ký ngành nghề bán buôn, bán lẻ.

Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa hẹp hơn rằng tinh thần của công văn này chỉ có thể hiểu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không cần phải xin Giấy phép kinh doanh để hoạt động bán buôn, bán lẻ (khác với đăng ký ngành nghề, việc xin Giấy phép kinh doanh là một thủ tục được thực hiện sau khi doanh nghiệp đã thành lập – chi tiết các phạm vi và chủ thể áp dụng xem chi tiết tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP) để bán buôn, bán lẻ các sản phẩm do chính mình sản xuất. Điều này chỉ có thể khẳng định việc doanh nghiệp không cần phải làm thủ tục xin Giấy phép kinh doanh chứ không thể mặc nhiên suy luận rằng doanh nghiệp chỉ cần đăng ký ngành nghề “sản xuất” mà không cần phải đăng ký ngành nghề “bán buôn, bán lẻ” ngay từ đầu. Hơn nữa, chủ thể mà Nghị định 09/2018/NĐ-CP điều chỉnh chỉ là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như vậy liệu cách hiểu / giải thích trên có áp dụng cho doanh nghiệp trong nước hay không?

Đây là một câu hỏi pháp lý tưởng chừng đơn giản nhưng lại gặp những sự khó khăn nhất định trong việc lập luận và giải thích bởi lẽ không có cơ sở pháp lý nào đủ vững chắc để khẳng định hay phủ nhận bất kỳ quan điểm nào.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.