CASE STUDY: XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI VIỆC KHÔNG ĐĂNG KÝ KHOẢN VAY NƯỚC NGOÀI

Tình huống:

Công ty TNHH A (gọi tắt là “Công Ty A”) do 1 tổ chức nước ngoài (“Nhà Đầu Tư NN”) và một pháp nhân Việt Nam là chủ sở hữu. Công Ty A được thành lập vào năm 2010 và hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (được cấp theo Luật Đầu tư 2005). Trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2010 cho đến thời điểm hiện tại, Nhà Đầu Tư thường xuyên cho Công Ty A vay nhiều lần khác nhau (không có thỏa thuận bằng văn bản) nhưng được ghi nhận tại sổ sách kế toán của Công Ty A. Vào năm 2015, theo ghi nhận tại sổ sách kế toán của Công Ty A, toàn bộ các khoản vay này đã được chuyển đổi thành vốn góp và Công Ty A đã tiến hành xong thủ tục tăng vốn điều lệ và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy CNĐKDN ghi nhận vốn điều lệ đã được tăng thêm của Công Ty A.

Vấn đề pháp lý:

  1. Vấn đề về việc đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước.
  2. Vấn đề về việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp.

Quan điểm pháp lý:

1. Đối với vấn đề về việc đăng ký khoản vay với Ngân hàng nhà nước:

  • Nếu khoản vay là (i) khoản vay trung hạn, dài hạn; (ii) khoản vay ngắn hạn nhưng có tổng thời gian kể cả gia hạn trên 1 năm và (iii) khoản vay ngắn hạn có dư nợ tại thời điểm 1 năm kể từ thời điểm rút vốn đầu tiên ==> buộc phải đăng ký khoản vay với SBV (Thông tư 09/2004/TT-NHNN, Thông tư 03/2016/TT-NHNN).
  • Hệ quả của việc không đăng ký:

    (a) Khoản vay trước ngày 1/7/2013 (thời điểm Luật XLVPHC 2012 có hiệu lực): Đối với các khoản vay trước ngày 1/7/2013 thì văn bản điều chỉnh có hiệu lực tại thời điểm này là (i) Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 và (ii) Nghị định 202/2004/NĐ-CP. Theo quy định tại Pháp lệnh XLVPHC, thời hiệu xử lý VPHC được xác định tối đa là 2 năm kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm. Tính đến thời điểm này (2019), thời hiệu xử lý VPHC đã kết thúc, do đó, Công Ty sẽ không bị phạt tiền theo Nghị định 202/2004/NĐ-CP.

    (b) Khoản vay từ ngày 1/7/2013 – 12/12/2014 (thời điểm Nghị định 96/2014 có hiệu lực): Đối với khoản vay trong giai đoạn này thì văn bản có hiệu lực điều chỉnh là (i) Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và (ii) Nghị dịnh 202/2004/NĐ-CP. Theo quy định tại Luật XLVPHC, thời hiệu xử lý VPHC được xác định tối đa là 2 năm kể từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm hoặc hành vi vi phạm đã chấm dứt (tùy từng trường hợp). Có thể thấy, so với Pháp lệnh XLVPHC, nguyên tắc xác định thời điểm tính thời hiệu đã có sự thay đổi cơ bản. Bởi lẽ đó, thời hiệu xử lý VPHC đối với những khoản vay phát sinh trong giai đoạn đang nói đến là chưa hết thời hiệu. Căn cứ vào Nghị định 202/2004/NĐ-CP và Nghị định 96/2014/NĐ-CP, nguyên tắc xử lý VPHC áp dụng đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định 96/2014 có hiệu lực nhưng sau đó mới bị phát hiện và còn hiệu lực xử phạt là áp dụng chế tài có lợi cho tổ chức vi phạm. Trên cơ sở đó, Công Ty A sẽ bị xử phạt với mức phạt quy định tại Nghị định 202/2004/NĐ-CP, từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

    (c) Khoản vay từ sau ngày 12/12/2014: Đối với khoản vay trong giai đoạn này thì văn bản có hiệu lực điều chỉnh là (i) Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và (ii) Nghị định 96/2014/NĐ-CP. Tương tự như phân tích tại giai đoạn 1/7/2013 – 12/12/2014, thời hiệu xử phạt VPHC là vẫn còn. Căn cứ vào quy định của Nghị định 96/2014/CP, mức phạt tiền sẽ từ 40.000.000 đến 80.000.000 đồng.

2. Đối với vấn đề chuyển đổi khoản vay thành vốn góp:

Quy định pháp luật hiện hành không có hướng dẫn cụ thể nào về quy trình chuyển đổi một khoản vay thành vốn góp, đặc biệt hơn là một khoản vay nước ngoài thuộc trường hợp phải đăng ký với ngân hàng nhà nước. Trên thực tế, việc chuyển đổi khoản vay thường diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp và ghi nhận cụ thể tại sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Kết quả cuối cùng của việc chuyển đổi một khoản vay thành vốn góp là việc vốn điều lệ của công ty nhận khoản vay (trong trường hợp này là Công Ty A) tăng lên bằng với vốn điều lệ cũ cộng với khoản vay được chuyển đổi.

Trên thực tế, việc tăng vốn điều lệ sẽ thuộc trường hợp phải đăng ký điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC), tuy vậy, Sở Kế hoạch & Đầu tư thường không quan tâm và cũng có nghĩa vụ phải xét nguồn gốc của khoản vốn điều lệ tăng thêm này từ đâu mà có. Do vậy, việc một công ty đã được cấp ERC điều chỉnh ghi nhận vốn điều lệ mới không đồng nghĩa với việc việc góp thêm vốn / chuyển đổi khoản vay thành vốn trên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Có quan điểm cho rằng khoản vay nước ngoài trong trường hợp này phải đăng ký với Ngân hàng nhà nước, do đó, việc chuyển đổi khoản vay thành vốn góp có thể rơi vào các trường hợp phải đăng ký thay đổi khoản vay theo Thông tư 03/2016/TT-NHNN. Việc Công Ty A không tiến hành việc đăng ký khoản vay cũng như đăng ký thay đổi này dẫn tới việc khoản vay này là một khoản vay không phù hợp với quy định về mặt hình thức và đương nhiên sẽ không thể được hợp thức hóa thành một khoản vốn góp dưới dạng chuyển đổi.

Tuy vậy, quan điểm khác cho rằng, việc đăng ký / đăng ký điều chỉnh khoản vay chỉ mang tính chất là thủ tục, trình tự về mặt quản lý hành chính mà không làm mất đi bản chất của khoản tiền này là một khoản vay và khoản vay này có thể chuyển đổi thành vốn góp. Nói cách khác, quan điểm này ủng hộ hướng tách bạch (i) việc xử lý vi phạm hành chính về việc không tuân thủ quy định về đăng ký khoản vay và (ii) việc nhìn nhận, xem xét và thừa nhận bản chất của khoản vay đó trong giao dịch thông tường. Nói cách khác, dù không tuân thủ yêu cầu hành chính về việc đăng ký nhưng việc chuyển đổi khoản vay này cần phải được công nhận với bản chất là 1 khoản vốn góp. Trên thực tế, trong trường hợp cơ quan thuế chấp nhận một quyết toán thuế có ghi nhận đầy đủ các khoản chuyển đổi này của một công ty thường được ngầm hiểu là các khoản chuyển đổi này là hợp lệ.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.