BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ – PHẠM VI ĐẾN ĐÂU?

Nhìn chung, phạm vi “bồi thường thiệt hại” theo quy định của pháp luật Việt Nam được xây dựng xoay quanh nguyên tắc “bồi thường thiệt hại thực tế”. Tuy nhiên, Điều 360 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) đã ưu tiên áp dụng “thoả thuận của các bên”. Theo đó, nếu các bên có “thoả thuận khác” thì phạm vi bồi thường sẽ được xác định như thế nào là phù hợp?

Điều 360 của BLDS 2015 quy định:

“Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Như vậy, câu hỏi đặt ra trong trường hợp này sẽ là phạm vi “thoả thuận khác” mà BLDS 2015 có thể chấp nhận là như thế nào? Hay nói cách khác:

  1. Nếu các bên thoả thuận một mức bồi thường thiệt hại trên mức thiệt hại thực tế (còn gọi là bồi thường trừng phạt – punitive damage) có được chấp thuận không?
  2. Nếu các bên thoả thuận một mức bồi thường thiệt hại dưới mức thiệt hại thực tế thì có được chấp thuận không?

(A) – Thoả thuận bồi thường trừng phạt (punitive damage)

Hiện nay, nhiều hợp đồng được soạn thảo có chứa đựng các điều khoản với bản chất “bồi thường trừng phạt”. Một số điều khoản theo dạng “Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho bên còn lại, bên vi phạm sẽ phải bồi thường gấp hai lần (hoặc ba lần) tổng thiệt hại thực tế mà bên kia phải gánh chịu” – Đây là 1 dạng của điều khoản “bồi thường trừng phạt” (punitive damage).

Bồi thường trừng phạt không phải là một khái niệm của pháp luật Việt Nam nhưng lại là một khái niệm rất quen thuộc trong hệ thống pháp luật Mỹ[1]. Do đó, với xu hướng đầu tư nước ngoài tăng mạnh, việc du nhập của các điều khoản này vào trong các hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam cũng tăng một cách đáng kể.

Thoạt đầu, khi nhìn vào câu chữ của Điều 360 BLDS 2015, một số luật sư có thể lập luận rằng BLDS 2015 ưu tiên việc áp dụng “thoả thuận của các bên”. Theo đó, điều khoản “bồi thường trừng phạt” thuộc trường hợp “thoả thuận khác” theo quy định tại Điều 360 và vẫn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng quát hơn, lập luận này là không phù hợp. Thứ nhất, mặc dù Điều 360 có quy định về việc ưu tiên “thoả thuận khác”. Tuy nhiên, thoả thuận này cũng cần phải nằm trong giới hạn và phạm vi mà pháp luật dân sự cho phép. Theo đó, Điều 361 BLDS 2015 quy định “Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút”. Như vậy, kết hợp Điều 361 và Điều 360, có thể thấy rằng “thoả thuận khác” theo Điều 360 cần phải hiểu trong phạm vi giới hạn của Điều 361 BLDS 2015. Một cách dễ hiểu hơn, khoản tiền mang tính trừng phạt trong điều khoản trên không bảo đảm điều kiện “tổn thất thực tế” được quy định tại Điều 361. Thứ hai, mặc dù pháp luật dân sự không minh thị trong việc loại trừ chế tài bồi thường trừng phạt, chế định này trong khoa học pháp lý[2] cũng như pháp luật thực định[3] đều không được xem là một chế định được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Do đó, có thể khẳng định rằng thoả thuận bồi thường trừng phạt (punitive damage) là một thoả thuận không phù hợp với quy định của BLDS 2015.

Hệ quả pháp lý của thoả thuận bồi thường trừng phạt sẽ có thể là vô hiệu một phần[4]. Phần thoả thuận bồi thường thiệt hại trong mức thiệt hại thực tế vẫn sẽ có hiệu lực và phần bồi thường mang tính trừng phạt sẽ bị vô hiệu.

Do bản chất của việc bồi thường thiệt hại thực tế (compensatory damage) không mang tính răn đe và về mặt lý luận, không có ý nghĩa trong việc hạn chế hành vi vi phạm, các bên thường mong muốn ràng buộc điều khoản bồi thường trừng phạt để ngăn ngừa hành vi vi phạm. Tuy vậy, để tránh việc sử dụng một chế định bồi thường thiệt hại không phù hợp cũng như bảo đảm được ý định, mong muốn cuối cùng của các bên, luật sư soạn thảo các hợp đồng có thể cơ cấu khoản “trừng phạt” sang chế định phạt vi phạm được quy định cụ thể ở cả BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005[5].

(B) – Thoả thuận bồi thường thấp hơn giá trị thiệt hại thực tế

Điều khoản thoả thuận bồi thường thấp hơn giá trị thiệt hại thực tế được ghi nhận tương đối nhiều trong các hợp đồng, đặc biệt là trong trường hợp một bên trong hợp đồng phải thực hiện nhiều cam kết dẫn đến rủi ro vi phạm hợp đồng trong tương lai là rất lớn. Để hạn chế rủi ro này, bên phải cam kết thường để xuất giới hạn mức bồi thường thiệt hại.

Điều khoản này thường được cơ cấu dưới dạng: “Trường hợp Bên A vi phạm hợp đồng này, Bên A phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế phát sinh mà Bên B phải gánh chịu hoặc bồi thường số tiền là 200 triệu đồng, tuỳ thuộc vào giá trị nào nhỏ hơn”. Như vậy, (1) nếu Bên A có hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại thực tế mà Bên B phải gánh chịu là 100 triệu đồng thì Bên A sẽ bồi thường toàn bộ số tiền là 100 triệu đồng theo điều khoản trên; và (2) nếu Bên A vi phạm dẫn đến thiệt hại thực tế là 500 triệu đồng thì Bên A sẽ chỉ bồi thường cho Bên B số tiền tối đa là 200 triệu đồng theo vế sau của điều khoản trên.

Điều khoản này là phù hợp cũng như phản ánh được tinh thần của thuật ngữ “thoả thuận khác” của Điều 360 BLDS 2015. Thứ nhất, các bên có quyền thoả thuận một mức bồi thường thấp hơn phù hợp với “thoả thuận khác” tại Điều 360 BLDS 2015 và đồng thời thoả thuận này cũng hoàn toàn không trái với quy định tại Điều 361 của BLDS 2015. Bởi lẽ, Điều 361 chỉ yêu cầu hai điều kiện, đó là (1) thiệt hại thực tế và (2) thiệt hại xác định được chứ không có điều kiện là “toàn bộ”. Như vậy, khoản bồi thường 200 triệu – là 1 phần trong tổng 500 triệu thiệt hại hoàn toàn thoả mãn cả 2 điều kiện (1) và (2) nêu trên. Hơn nữa, Điều 361 không yêu cầu phạm vi phải là “toàn bộ”, do vậy, bồi thường “một phần” thiệt hại nếu có thoả thuận vẫn phù hợp với quy định của pháp luật dân sự trên cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn[6].

Với các phân tích nêu trên, có thể thấy rằng với xu hướng đầu tư nước ngoài tăng mạnh, việc các điều khoản hoặc chế định của các hệ thống pháp luật nước ngoài du nhập vào trong các hợp đồng là điều hiển nhiên. Các điều khoản của pháp luật nước ngoài có thể mang tính sáng tạo và hiệu quả cao, tuy nhiên, khi thể hiện trên hợp đồng cần được điều chỉnh, cơ cấu cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và trong phạm vi tối đa bảo đảm được ý nghĩa của điều khoản đó.


[1] Reza Mohtashami QCRomilly Holland và Farouk El-Hosseny, “Non-compensatory Damages in Civil and Common-Law Jurisdictions – Requirements and Underlying Principles” in the Guide to Damages in International Arbitration (2nd edn, GAR 2018) <https://globalarbitrationreview.com/chapter/1151326/non-compensatory-damages-in-civil-and-common-law-jurisdictions-%E2%80%93-requirements-and-underlying-principles>

[2] Xem thêm: Bùi Thị Thu Hằng, “Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng” (2018) Luận án Tiến sĩ Luật học, 31-40.

[3] Vinh Quoc Nguyen và Jim Dao, “Insurance and Reinsurance in Vietnam: Overview” (2016) Thomas Reuters, Tillike & Gibbins, đoạn 28.

[4] BLDS 2015, Điều 135.

[5] Xem thêm: Phùng Thị Phương, “Một số vấn đề về bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng” (2019) Tạp chí Toà án nhân dân <https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-boi-thuong-thiet-hai-do-vi-pham-hop-dong> (truy cập ngày 1/4/2020).

[6] Xem thêm: Luu Tien Dung, Truong Trong Nghia, Diep Hoai Nam và K. Nguyen Do, “Litigation 2019 Second Edition” (2019) Chambers and Partners, Mục 9.1 <https://practiceguides.chambers.com/practice-guides/litigation-2019-second-edition/vietnam> (truy cập ngày 1/4/2020)

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.