Phần 3 – Áp dụng đồng thời bồi thường thiệt hại ấn định và bồi thường thiệt hại thông thường
Bài viết của Nguyễn Quốc Bảo và Nguyễn Thị Tú Uyên
Xem Phần 2 – Một số gợi ý xây dựng thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trong hợp đồng
Tiếp theo loạt bài viết về bồi thường thiệt hại ấn định (“BTTHAD”) theo quy định pháp luật Việt Nam, ở Phần 3 này, nhóm tác giả sẽ tập trung vào việc phân tích việc áp dụng song song chế tài thương mại BTTHAD và bồi thường thiệt hại thông thường (“BTTHTT”).
Ví dụ: A ký hợp đồng bán 1.000 tấn gạo cho B. Trong hợp đồng của A và B có điều khoản BTTHAD là nếu A giao hàng trễ quá 20 ngày, thì B phải bồi thường số tiền cố định là 1 tỷ đồng. Trên thực tế, khi A giao hàng trễ hơn 20 ngày, thì tổng số tiền thiệt hại mà B phải chịu lên tới 1.5 tỷ đồng. Các câu hỏi được đặt ra là:
- B có được yêu cầu A vừa thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ấn định (1 tỷ) và vừa thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thực tế (1.5 tỷ) hay không?; hoặc
- B có được yêu cầu A bồi thường thêm phần chênh lệch giữa thiệt hại ấn định và thiệt hại thực tế không?
Áp dụng BTTHTT chồng lên BTTHAD
Quay trở lại ví dụ trên, với lập luận rằng BTTHTT là một “biện pháp khác do các bên thỏa thuận” và độc lập với phạt vi phạm và BTTHTT như phân tích tại Phần 1 của loạt bài viết này, có quan điểm cho rằng B có thể yêu cầu A phải bồi thường tổng số tiền là 2.5 tỷ, trong đó 1 tỷ được bồi thường theo cơ chế BTTHAD và 1.5 tỷ được bồi thường theo cơ chế BTTHTT.
Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng rủi ro yêu cầu của B không được Tòa án chấp nhận là tương đối cao. Lý do: nếu B áp dụng đồng thời cả BTTHAD và BTTHTT, thì nhiều khả năng BTTHAD lúc này mang bản chất của một biện pháp trừng phạt thay vì một biện pháp khắc phục (vì mục đích khắc phục đã được xử lý thông qua BTTHTT). Từ đó, thỏa thuận BTTHAD có thể được xem là thỏa thuận phạt vi phạm, kéo theo các hạn chế về mức trần phạt vi phạm của Luật Thương mại 2005 cũng sẽ được áp dụng – phần vượt trên mức trần của số tiền BTTHAD sẽ không được Tòa chấp nhận.
Nhìn nhận thêm dưới góc độ thực tế, với việc pháp luật Việt Nam không có quy định minh thị về BTTHAD, các cấp Tòa thường không có cái nhìn “cởi mở” về bản chất pháp lý của thỏa thuận này đặt trong khuôn khổ các quy đinh của pháp luật Việt Nam. Điều này vô hình trung dẫn đến tâm lý “e dè” khi công nhận sự thỏa thuận này của các bên. Theo đó, khi áp dụng “chồng” 2 cơ chế bồi thường, câu hỏi về tính “thiện chí” – là một trong các nguyên tắc cơ bản khi thực hiện quyền dân sự[1] – của bên yêu cầu bồi thường có thể được các thẩm phán đặt lên bàn cân. Khi một yêu cầu được xem là không mang tính thiện chí, thì không loại trừ khả năng Tòa sẽ từ chối toàn bộ yêu cầu áp dụng BTTHAD và không xem đây là chế tài phạt vi phạm như phân tích ở đoạn bên trên.
Áp dụng BTTHTT để bù đắp phần thiệt hại chưa được xử lý thông qua BTTHAD
Quay trở lại ví dụ tại đầu bài, nhóm tác giả cho rằng: trừ khi các bên thỏa thuận minh thị trong hợp đồng rằng trách nhiệm bồi thường của A sẽ chỉ giới hạn trong mức bồi thường theo thỏa thuận BTTHAD, thì việc B yêu cầu A bồi thường thêm phần chênh lệch giữa giá trị theo BTTHAD và giá trị thiệt hại thực tế là có cơ sở để chấp nhận. Lý do:
- Quyền yêu cầu BTTHTT là quyền mà bên bị thiệt hại đương nhiên có theo quy định của luật trên cơ sở các căn cứ làm phát sinh quyền này[2], bất kể có thỏa thuận trao quyền trên hợp đồng hay không. Nguyên tắc của BTTHTT là bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế.[3] Vậy nên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của A đối với B xuất phát từ hành vi vi phạm của A là toàn bộ số tiền 1.5 tỷ đồng. Do 1 tỷ đồng đã được bồi thường thông qua chế tài BTTHAD mà các bên thỏa thuận, B có quyền yêu cầu bồi thường phần còn lại của thiệt hại thực tế phát sinh là 500 triệu đồng thông qua chế định BTTHTT trên cơ sở các quy định của pháp luật.
- Có quan điểm cho rằng: thông qua thỏa thuận BTTHAD, các bên đã ngụ ý thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối đa mà một bên phải gánh chịu liên quan đến hành vi vi phạm. Theo đó, thỏa thuận BTTHAD cần được xem như là một thỏa thuận giới hạn mức trần bồi thường. Nói cách khác, cho dù thiệt hại thực tế phát sinh như thế nào, thì thông qua thỏa thuận BTTHAD, bên bị thiệt hại chấp nhận từ bỏ quyền được bồi thường đối với phần thiệt hại vượt quá mức trần tại thỏa thuận BTTHAD.
Liên quan đến quan điểm trên, nhóm tác giả cho rằng: dù thỏa thuận giới hạn mức trần bồi thường là phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam[4], nhìn chung, không đủ cơ sở để cho rằng thỏa thuận BTTHAD là thỏa thuận giới hạn mức trần bồi thường. Xét về bản chất ý chí của các bên khi giao kết, BTTHAD là điều khoản được tạo ra cho lợi ích của bên có thiệt hại (giảm thiểu gánh nặng chứng minh), mà không phải vì lợi ích của bên có lỗi. Do vậy, trừ khi ngôn ngữ của hợp đồng có quy định khác, việc diễn giải hợp đồng cần phải tuân thủ ý chí của các bên.[5] Tất nhiên, chi tiết của việc diễn giải tính chất của thỏa thuận BTTHAD ra sao còn phụ thuộc rất lớn vào ngôn ngữ của hợp đồng. Vậy nên, việc cơ cấu và soạn thỏa hợp đồng cần rất cẩn trọng để thể hiện rõ ý chí của các bên khi giao kết.
Bài viết trên là quan điểm của nhóm tác giả về khả năng áp dụng đồng thời hai biện pháp BTTHAD và BTTHTT và đồng thời cũng là phần cuối trong loạt bài viết về chủ đề BTTHAD. Thông qua loạt bài viết này, nhóm tác giả hi vọng đã khái quát được các quy định hiện hành, các vấn đề pháp lý và cách thức xây dựng các thỏa thuận liên quan đến BTTHAD.
Bài viết cũng được phát hành ở định dạng pdf để bạn đọc có thể dễ dàng tải xuống và xem.
[1] BLDS, Điều 3.3.
[2] BLDS, Điều 13 và Điều 361 và LTM, Điều 302.
[3] BLDS, Điều 13 và Điều 360.
[4] Xem thêm: https://kienthucphaply.com/boi-thuong-thiet-hai-theo-bo-luat-dan-su-pham-vi-den-dau/
[5] BLDS, Điều 121.1(a).
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023