By Bao Nguyen

BÀN VỀ THỎA THUẬN CHỌN TÒA ÁN TRONG HỢP ĐỒNG CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Cơ quan giải quyết tranh chấp và luật áp dụng là hai trong số những điều khoản quan trọng nhất của một hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Trong đó, Tòa án, với vai trò là cơ quan giải quyết tranh chấp truyền thống, liệu có phát sinh thẩm quyền giống như cơ chế trọng tài – cơ quan giải quyết tranh chấp mà thẩm quyền của nó được phát sinh dựa trên sự lựa chọn của các bên. 

Nguyên tắc nền tảng của quan hệ dân sự nói chung và quan hệ hợp đồng nói riêng đó chính là nguyên tắc tôn trọng một cách tối cao thỏa thuận của các bên. Nguyên tắc này đã được áp dụng một cách tương đối triệt để đối với việc thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng. Theo đó, pháp luật Việt Nam hoàn toàn công nhận việc chọn luật của nước ngoài để áp dụng cho các hợp đồng có yếu tố nước ngoài (ngoại trừ và phụ thuộc vào một số giới hạn nhất định được nêu tại Bộ luật dân sự 2015).

Xem thêm bài viết: “Quyền chọn luật điều chỉnh hợp đồng bị hạn chế trong những trường hợp nào” tại ĐÂY.

Tuy vậy, khác với vấn đề chọn luật điều chỉnh hợp đồng, vấn đề chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, mà trong phạm vi bài viết này được hiểu là Tòa án có một số điểm tương đối phức tạp. 

Nhìn chung, nhiều nước trên thế giới có quy định trong pháp luật tố tụng dân sự hoặc luật về tư pháp quốc tế liên quan đến vấn đề chọn Tòa án giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, hiện nay, quy định của Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng. Về cơ bản, thẩm quyền của Tòa án mỗi quốc gia sẽ được xác lập dựa trên nguyên tắc thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt. Thẩm quyền chung là việc Tòa án của nhiều quốc gia có thể có thẩm quyền với cùng một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Nói cách khác, nguyên đơn có quyền khởi kiện đến bất kỳ Tòa án của nước nào mà theo pháp luật của nước đó vụ án được khởi kiện thuộc thẩm quyền chung của Tòa án quốc gia đó. Đồng thời, bản án hoặc quyết định của Tòa án đó có thể được công nhận và cho thi hành tại các quốc gia khác[1] mà những quốc gia này cũng có thẩm quyền giải quyết đối với vụ án trên theo pháp luật tố tụng của chính quốc gia mình. Như vậy, những vụ án thuộc thẩm quyền chung của Tòa án mỗi quốc gia sẽ không loại trừ đi thẩm quyền của Tòa án nước ngoài đối với chính vụ án đó. Ngược lại, thẩm quyền riêng biệt của Tòa án một quốc gia là việc một số vụ án nhất định[2] chỉ có thể được xét xử tại duy nhất Tòa án quốc gia đó. Quan trọng hơn, nếu như nguyên đơn khởi kiện tại một Tòa án khác thì sẽ xảy ra 2 trường hợp:

  • Tòa án nước khác sẽ từ chối thụ lý vụ án với lý do vụ án này thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án quốc gia trên. 
  • Tòa án nước khác vẫn sẽ thụ lý nhưng bản án hoặc quyết định của Tòa án này sẽ không được công nhận và cho thi hành tại quốc gia có quy định về thẩm quyền riêng biệt dành cho hệ thống Tòa án của mình đối với vụ việc này. 

Vậy nếu một tranh chấp thuộc thẩm quyền chung theo quy định của pháp luật Việt Nam và hợp đồng quy định chọn Tòa án nước ngoài để giải quyết thì có được hay không?

Câu chuyện về việc xác định Tòa án có thẩm quyền đối với trường hợp tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam không phải là một câu chuyện phức tạp. Một vấn đề đáng lưu tâm đó chính là hiệu lực của thỏa thuận chọn Tòa án trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài đối với tranh chấp thuộc thẩm quyền chung. Liệu thỏa thuận này có thể loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam hay không?

Trên thực tế, hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) không có quy định cụ thể liên quan đến việc lựa chọn Tòa án. Trong hệ thống pháp luật nước ta, chỉ có Bộ luật hàng hải và Luật Hàng không dân dụng có đề cập đến việc lựa chọn Tòa án để giải quyết, tuy vậy, phạm vi điều chỉnh của hai văn bản này chỉ gói gọn trong lĩnh vực hàng hải và hàng không. 

Quy định của BLTTDS 2015 có đề cập đến việc trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp đã có thỏa thuận chọn Tòa án nước ngoài[3]. Về nguyên tắc, quy định này có thể khiến chúng ta hiểu rằng pháp luật Việt Nam đã loại trừ thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi có thỏa thuận chọn Tòa án nước ngoài. Tuy nhiên, Điều 472.1(d) quy định:

“…Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó”.

Quy định trên lại một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc công nhận và cho thi hành bản án quyết định của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam. Ví dụ sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn quy định này của BLTTDS 2015. 

Ví dụ: A và B giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. A là thương nhân Việt Nam còn B là thương nhân Singapore. Hợp đồng có điều khoản thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án Singapore. Tranh chấp giữa A và B phát sinh và tranh chấp này thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam.

Ngày 10/1/2018, A kiện B lên tòa án Việt Nam và yêu cầu Tòa án Việt Nam thụ lý giải quyết vụ án. Tòa án Việt Nam từ chối thụ lý giải quyết vụ án căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015 do trong hợp đồng đã có sự thỏa thuận lựa chọn Tòa án Singapore làm cơ quan giải quyết tranh chấp. 

Ngày 10/3/2018, A kiện B lên tòa án Singapore và Tòa án Singapore đã đưa ra một bản án để giải quyết cho tranh chấp của A và B. Sau đó, A trở về Việt Nam và yêu cầu cho công nhận và thi hành bản án của Tòa án Singapore tại Việt Nam. Tuy nhiên, yêu cầu cho công nhận và thi hành này không được chấp thuận. Lúc này, Tòa án Việt Nam sẽ chính thức phát sinh thẩm quyển giải quyết đối với tranh chấp trên. Nói cách khác, khi bản án của Tòa án Singapore không được công nhận tại Việt Nam thì nếu A khởi kiện lên Tòa án Việt Nam để giải quyết tranh chấp trên thì đơn khởi kiện của A sẽ được thụ lý theo điểm d khoản 1 Điều 472 BLTTDS 2015. 

Như vậy, có thể thấy rằng quy định về thỏa thuận chọn Tòa án của nước ta hiện nay đối với các hợp đồng dân sự có yếu tố nước vẫn đang hết sức phức tạp và phần nào đó gây cản trở trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong hợp đồng. 


[1]Việc công nhận và cho thi hành bản án trong trường hợp này cần thỏa mãn một số điều kiện nhất định. 

[2] Thông thường là những vụ án có yếu tố ảnh hưởng lớn đến chính sách, pháp luật quốc gia. Xem thêm: Điều 470, BLTTDS 2015.

[3] Điều 472 BLTTDS 2015. 

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.