By Bao Nguyen

VẤN ĐỀ VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH LÃI CHẬM THANH TOÁN TRONG HỢP ĐỒNG

Điều khoản quy định về việc xác định lãi chậm thanh toán là một điều khoản phổ biến trong nhiều loại hợp đồng khác nhau. Như vậy, pháp luật hiện hành điều chỉnh như thế nào đối với vấn đề về lãi chậm thanh toán này?

Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) thì “Lãi suất phát sinh do việc chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này”.

Theo quy định tại Điều 468 của BLDS quy định rằng trường hợp các bên có thỏa thuận thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay; trường hợp không có thỏa thuận thì lãi suất sẽ là 10%/năm của khoản tiền vay.

Mặc dù đối tượng mà Điều 468 BLDS dẫn chiếu là “lãi suất vay” và “khoản vay” nhưng trường hợp này cần hiểu theo một nghĩa rộng hơn là lãi suất tại Điều 468 này không chỉ áp dụng riêng cho các hợp đồng vay mà còn là các nghĩa vụ thanh toán khác trong các hợp đồng dịch vụ hoặc mua bán hàng hóa khác.

Mặt khác, theo quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005 thì “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Bên cạnh đó, ngày 11/01/2019, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã ban hành nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, theo đó Điều 11 quy định hướng dẫn về việc xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 cần dựa trên lãi suất trung bình của ít nhất ba (03) ngân hàng thương mại nơi mà Tòa án đang giải quyết, xét xử.

Trên cơ sở các quy định pháp luật như trên, một tình huống thực tiễn được đặt ra như sau:

Công ty A và Công ty B ký kết một hợp đồng mua bán hàng hóa (“HĐMB”), theo đó, Công ty A phải thanh toán cho Công ty B một khoản tiền là 10.000.000.000 đồng trong vòng bảy (07) ngày kể từ ngày nhận được hàng. Các bên không có thỏa thuận có thỏa thuận về việc phải thanh toán lãi chậm trả nhưng không quy định cụ thể phương thức hoặc mức lãi chậm trả tại HĐMB. Công ty A không thực hiện việc thanh toán tiền hàng dù đã trả qua mười (10) ngày kể từ ngày giao hàng. Công ty B khởi kiện Công ty A ra Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Lập luận của luật sư Công ty A như sau:

HĐMB này chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, theo đó, áp dụng quy định tại Điều 306 Luật thương mại 2005 và Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP như nêu trên, việc xác định lãi suất sẽ dựa trên cơ sở là lãi suất nợ quá hạn trung bình của ba (03) ngân hàng thương mại nơi mà Tòa án có thẩm quyền đặt trụ sở. Giả định rằng sau khi lãi suất nợ quá hạn của ba (03) ngân hàng thương mại được xác định thì mức lãi quá hạn áp dụng cho đối với tiền hàng chưa thanh toán trong trường hợp này là 12.5%.

Lập luận của luật sư Công ty B như sau:

Luật sư Công ty B đồng ý HĐMB này chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại 2005. Tuy nhiên, trong trường hợp này BLDS sẽ được áp dụng ưu tiên so với Luật Thương mại 2005 bởi các lẽ sau:

  • Điều 156.3 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2005 quy định “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”. Căn cứ vào Điều này, BLDS và Luật Thương mại đều do Quốc hội ban hành và cùng điều chỉnh về vấn đề lãi chậm thanh toán, BLDS sẽ được ưu tiên áp dung do được ban hành sau.
  • Mặt khác, quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại 2005 cũng nêu rõ trường hợp bảo lưu nếu pháp luật có quy định khác. Trường hợp này, BLDS có quy định khác nên cần phải áp dụng theo quy định của BLDS.

Trên cơ sở các luận điểm trên, luật sư Công ty B cho rằng cần áp dụng quy định tại Điều 357 và Điều 468 BLDS để áp dụng mức lãi chậm thanh toán là 10% thay vì 12.5% theo yêu cầu của Công ty A.

Trên đây là lập luận cơ bản của luật sư các bên, tuy nhiên, nếu tình huống xảy ra trên thực tế, có lẽ việc áp dụng quy định pháp luật nào dường như cũng là một trở ngại, khó khăn đáng kể đối với các cơ quan giải quyết tranh chấp. Lập luận của luật sư Công ty B thoạt đầu dường như rất hợp lý khi dẫn chiếu đến nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, luật sư A Công ty cũng hoàn toàn có thể phản biện lại với các lập luận sau:

  • Căn cứ vào Điều 4 BLDS thì BLDS được xác định là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự và theo câu từ của khoản 2 và khoản 3 Điều 4 thì có thể hiểu rằng nếu luật khác có liên quan (hiểu một cách rộng ra là luật chuyên ngành) có điều chỉnh về cùng vấn đề và không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 thì sẽ được áp dụng. [Trường hợp này quan điểm của tác giả cho rằng sẽ rất khó hoặc thậm chí là không có khả năng để luật sư Công ty B chứng minh rằng việc áp dụng quy định về lãi suất của Luật Thương mại 2005 là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của BLDS]
  • Căn cứ Điều 468.1 của BLDS, mức lãi suất theo quy định của BLDS sẽ không được áp dụng nếu có luật khác quy định. Trường hợp này, Luật Thương mại 2005 có quy định khác và đồng thời cũng là luật chuyên ngành nên quy định của Luật Thương mại 2005 sẽ được áp dụng ưu tiên.

Thực tiễn xét xử cho thấy Tòa án vẫn đang ưu tiên áp dụng Luật Thương mại đối với các hợp đồng chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại. Tuy nhiên, dưới góc độ lý luận, phải chăng việc áp dụng pháp luật như vậy đã thật sự hợp lý, kín kẽ và không gây ra sự tranh cãi?

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.