By Bao Nguyen

TỔNG HỢP NHẬN ĐỊNH MÔN TƯ PHÁP QUỐC TẾ (PHẦN I)

Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho các bạn một số câu nhận định đặc trưng của môn Tư pháp quốc tế- một trong các môn học “khó nhằn” nhất đối với sinh viên luật. Những câu nhận định dưới đây được tổng hợp từ các đề thi thât và sẽ được cập nhật liên tục nên các bạn theo dõi nhé.

Đáp án dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo và dựa trên cơ sở pháp lý của Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

1. Theo pháp luật Việt Nam, luật nơi có tài sản đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu đối với động sản đang trên đường vận chuyển.

Nhận định này là Sai. Luật nơi tài sản được chuyển đến mới có vai trò trong việc giải quyết xung đột pháp luật về quyền sở hữu đối với động sản đang trên đường vận chuyển. CSPL: Khoản 2 Điều 678 BLDS 2015.

2. Theo pháp luật Việt Nam, quyết định của trọng tài nước ngoài chỉ được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam sau khi được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.

Nhận định này là Đúng. Khoản 4 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

3. Quy phạm xung đột là quy phạm pháp luật đặc biệt.

Nhận định này là Đúng. Bởi lẽ chỉ có Tư pháp quốc tế mới tồn tại các quy phạm xung đột.

4. Điều ước quốc tế về tư pháp quốc tế luôn có hiệu lực được ưu tiên áp dụng so với pháp luật Việt Nam.

Nhận định này là Sai. Chỉ có những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mới có hiệu lực được ưu tiên áp dụng so với luật Việt Nam.

5. Pháp luật nước ngoài không thể được áp dụng nhằm giải quyết xung đột pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trong trường hợp hợp đồng được ký kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam.

Nhận định này là Sai. Trong trường hợp đồng ký kết tại Việt Nam nhưng đối tượng của hợp đồng là bất động sản nằm ở nước ngoài thì pháp luật nước nơi có bất động sản đó được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật. CSPL: Khoản 4 Điều 683 BLDS 2015.

6. Bản án của Tòa án nước ngoài về vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài không thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.

Nhận định này là Sai. Bản án về vụ án ly hôn của Tòa nước ngoài vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu rơi vào một trong 2 trường hợp:

(i) Nước mà Tòa án có trụ sở và Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế quy định về vấn đề này (thông thường là hiệp định tương trợ tư pháp)

(ii) Được công nhận và cho thi hành trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

(iii) Pháp luật Việt Nam có quy định cụ thể về việc công nhận và cho thi hành bản án đó.

CSPL: Khoản 1 Điều 423 BLTTDS 2015.

7. Tòa án Việt Nam thụ lý và giải quyết mọi vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.

Nhận định này là Sai. Về mặt nguyên tắc, Tòa án Việt Nam chỉ thụ lý giải quyết những vụ việc thuộc thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên không phải bất kỳ vụ án nào thuộc thẩm quyền chung của Tòa án thì Tòa án đều thụ lý giải quyết. Trường hợp Tòa không thụ lý giải quyết là trường hợp tại Điều 472 BLTTDS 2015.

8. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, di sản không người thừa kế là động sản được giải quyết theo pháp luật của nước mà người để lại di sản là công dân trước khi chết.

Nhận định này là Đúng. Khoản 1 Điều 680 BLDS 2015.

9. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các bên trong hợp đồng luôn được quyền chọn pháp luật áp dụng nhằm điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong tất cả các hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài.

Nhận định này là Sai. Ba trường hợp không được quyền chọn luật được liệt kê tại khoản 4, 5,6 Điều 683 BLDS 2015.

10. Hệ thuộc Luật tòa án luôn được áp dụng trong việc giải quyết xung đột pháp luật.

Nhận định này là Sai. Hệ thuộc Luật Tòa án (lex fori) chỉ được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật về luật hình thức (luật tố tụng) chứ không có vai trò lớn trong việc giải quyết xung đột pháp luật về luật nội dung.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.