Như đã giới thiệu khái quát tại bài viết trước, thẩm định pháp lý (legal due diligence – sau đây gọi tắt là “LDD”) là một giai đoạn đóng vai trò cực kỳ quan trọng về khả năng thành công của một giao dịch. Nói cách khác, những thông tin có được từ LDD sẽ có tác động trực tiếp đến việc các bên liên quan có tiếp tục tiến hành giao dịch hay không.
LDD được xem là một trong những sản phẩm pháp lý phức tạp nhất đòi hỏi ở một luật sư không chỉ là kỹ năng pháp lý cao cấp mà còn là kinh nghiệm dày dặn trong từng lĩnh vực mà LDD đó yêu cầu.
Các thuật ngữ cơ bản trong LDD của một giao dịch M&A (*Giao dịch M&A rất đa dạng về mặt cơ cấu và hình thức nên trong bài viết này tác giả chỉ đi sâu vào giao dịch mua bán công ty – một trong các giao dịch mang tính phổ biến nhất)
Tiếng Việt | Tiếng Anh | Ý nghĩa |
“Công Ty Mục Tiêu” | “Target” | Công ty do Bên Bán (định nghĩa bên dưới) sở hữu cổ phần / phần vốn góp và dự định sẽ bán cho Bên Mua (định nghĩa bên dưới) số cổ phần và phần vốn góp này. Công Ty Mục Tiêu là đối tượng để thực hiện LDD |
“Bên Bán” | “Seller” or“Vendor” | Cá nhân / tổ chức sở hữu cổ phần / phần vốn góp trong Công Ty Mục Tiêu và mong muốn bán số cổ phần / phần vốn góp cho Bên Mua |
“Bên Mua” | “Purchaser” | Cá nhân / tổ chức mong muốn mua cổ phần / phần vốn góp trong Công Ty Mục Tiêu từ Bên Bán |
“Cổ Phần / Phần Vốn Góp Được Bán” hoặc “Cổ Phần / Phần Vốn Góp Được Chuyển Nhượng” | “Sale Share” or“Transferred Share / Capital Contribution” | Cổ phần mà Bên Bán nắm giữ tại Công Ty Mục Tiêu và mong muốn chuyển nhượng / bán cho Bên Mua |
“Giá Chuyển Nhượng” | “Transferred Price” | Khoản tiền mà Bên Mua trả cho Bên Bán hoặc Công Ty Mục Tiêu (nếu Công Ty Mục Tiêu phát hành cổ phần mới) để mua Cổ Phần / Phần Vốn Góp Được Bán |
“Vấn Đề Pháp Lý Nghiêm Trọng” | “Material Legal Issues” or “MLI” | Các vấn đề pháp lý tồn đọng của Công Ty Mục Tiêu mà đơn vị tư vấn pháp lý (legal counsel / legal advisor) của Bên Mua phát hiện và nêu ra trong quá trình LDD |
“Điều Kiện Tiên Quyết” | “Conditions Precedent” or “CPs” | Các MLI được Bên Bán và Bên Mua thống nhất sẽ được cơ cấu vào hợp đồng mua bán dưới dạng CPs. Về cơ bản, Bên Bán sẽ có trách nhiệm hoàn tất các CPs trong 1 thời hạn định sẵn để Bên Mua thanh toán Giá Chuyển Nhượng |
“Ngày Hoàn Tất” | “Completion Date” | Ngày mà các CPs được hoàn tất toàn bộ hoặc được miễn trừ. |
“Ngày Hạn Cuối” | “Long Stop Date” | Hạn chót mà các CPs phải được hoàn tất. Điểm khác nhau giữa “Ngày Hoàn Tất” và “Ngày Hạn Cuối” là: – Ngày Hạn Cuối là một thời điểm được xác định cụ thể (certain point of time) mà tại thời điểm đó toàn bộ các CPs phải được bên có nghĩa vụ hoàn tất. – Ngày Hoàn Tất không được xác định là một thời điểm cụ thể mà chỉ được định nghĩa là ngày mà các CPs được hoàn tất hoặc miễn trừ. Trên thực tế, Ngày Hoàn Tất có thể xảy ra trước hoặc trùng với Ngày Hạn Chót. |
“Hoạt Động Kinh Doanh Thông Thường” | “Normal Business Activities” | Tùy vào từng giao dịch nhất định thì phạm vi xác định Hoạt Động Kinh Doanh Thông Thường cũng khác nhau, thông thường bao gồm (i) các hoạt động có tính chất lặp lại phù hợp với hoạt động trước khi giao dịch diễn ra; (ii) không cần cơ quan quản lý của Công Ty Mục Tiêu ủy quyền và cho phép. Ý nghĩa của thuật ngữ này: – Cơ cấu thuật ngữ này trong hợp đồng như là một nghĩa vụ / cam kết của Bên Bán sẽ duy trì Hoạt Động Kinh Doanh Thông Thường của Công Ty Mục Tiêu trong suốt quá trình giao dịch diễn ra. – Bên cạnh đó, cơ cấu thuật ngữ này còn có thể sử dụng để giới hạn những công việc mà Bên Bán được làm không cần sự cho phép của Bên Mua trong suốt quá trình giao dịch (tránh việc thực hiện các khoản đầu tư bất thường có thể gây sụt giảm tài sản của Công Ty Mục Tiêu) |
“Tài Khoản Phong Tỏa” | “Escrow Account” | Tài khoản được mở (thường do Bên Mua mở) tại 1 ngân hàng để Bên Mua có thể chuyển một phần hoặc toàn bộ Giá Chuyển Nhượng (tùy theo thỏa thuận của các bên) để bảo đảm rằng ngay khi một hoặc số CPs nhất định được hoàn tất thì Bên Bán sẽ được ngân hàng mở Tài Khoản Phong Tỏa thanh toán một phần hoặc toàn bộ Giá Chuyển Nhượng. Việc sử dụng Tài Khoản Phong Tỏa sẽ giúp cho Bên Bán hạn chế được rủi ro trong việc không nhận được tiền thanh toán đối với Giá Chuyển Nhượng của Bên Mua ngay cả khi đã hoàn tất các CPs. Tuy nhiên, Tài Khoản Phong Tỏa chỉ phù hợp với giao dịch có giá trị lớn bởi lẽ (i) phí mở và sử dụng dịch vụ Tài Khoản Phong Tỏa thường không nhỏ và (ii) thủ tục mở và ký kết Thỏa Thuận Phong Tỏa với ngân hàng mở cũng không đơn giải. |
Thỏa Thuận Phong Tỏa | “Escrow Agreement” | Thỏa thuận về việc mở và chuyển tiền đối với Tài Khoản Phong Tỏa được ký kết giữa Bên Bán, Bên Mua và ngân hàng mở và quản lý Tài Khoản Phong Tỏa. |
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023