By Bao Nguyen

SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐÁNG LƯU TÂM

Sự kiện bất khả kháng (force majeure) là một khái niệm pháp lý tương đối quen thuộc nhưng cách hiểu và cách áp dụng khái niệm này trên thực tế vẫn thường xuyên có những sự nhầm lẫn khác nhau. Bài viết này sẽ đưa ra một cái nhìn khái quát về những điểm pháp lý quan trọng nhất đối với sự kiện bất khả kháng trên cơ sở Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) và Luật Thương mại 2005 (LTM 2005). 

Sự kiện bất khả kháng và các vấn đề pháp lý đáng lưu tâm

Cần lưu ý rằng BLDS 2015 là luật chung điều chỉnh các loại hợp đồng nên nó sẽ được áp dụng xuyên suốt cho toàn bộ các giao dịch / hợp đồng. Trong khi đó, LTM 2005 có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn và sẽ chỉ áp dụng đối với một số loại hợp đồng / giao dịch nhất định[1]. Do vậy, trong nhiều trường hợp, một hợp đồng sẽ chịu sự điều chỉnh chung của cả BLDS 2015 và LTM 2005 và cũng có những hợp đồng chỉ chịu sự điều chỉnh của BLDS 2015 mà không bao gồm LTM 2005. Việc phân tích, đánh giá các vấn đề pháp lý dưới đây sẽ được thực hiện trên cơ sở kết hợp các quy định BLDS 2015 và LTM 2005 liên quan đến sự kiện bất khả kháng. Nói cách khác, hợp đồng / giao dịch mà bài viết nhắm đến là các hợp đồng / giao dịch được điều chỉnh chung bởi cả BLDS 2015 và LTM 2005. 

Đối với các giao dịch / hợp đồng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của LTM 2005, tác giả cho rằng kỹ năng soạn thảo một điều khoản bất khả kháng đầy đủ là cực kỳ quan trọng. 

Xem thêm bài viết “Điều khoản mẫu về sự kiện bất khả kháng” tại ĐÂY.

Tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng

LTM 2005 không đưa ra tiêu chí để xác định sự kiện bất khả kháng. Thay vào đó, tiêu chí để xác định sự kiện bất khả kháng được đề cập một cách khái quát tại BLDS 2015. 

Điều 156.1 của BLDS 2015 quy định:

“Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. 

Định nghĩa trên của BLDS 2015 được soạn thảo theo hướng đưa ra các tiêu chí xác định mà không theo hướng liệt kê sự kiện nào là sự kiện bất khả kháng (phương pháp định nghĩa)[2]. Cụ thể hơn một sự kiện bất khả kháng cần hội đủ 3 yếu tố về mặt pháp lý, đó là:

1. Tính khách quan

Sự kiện bất khả kháng phải phát sinh ngoài ý chí chủ quan của các bên, không do các bên tạo ra hoặc không phát sinh từ lỗi chủ quan của các bên[3].

2. Không thể lường trước được

BLDS 2015 hiện nay không rõ ràng trong việc xác định thời điểm nào được xem là không thể lường trước được cũng như chủ thể nào không thể lường trước. Đối với chủ thể lường trước, các quan điểm pháp lý chủ yếu hiện nay đều theo hướng không nhất thiết phải cả 2 bên trong hợp đồng đều phải không lường trước được mà chỉ cần bên có nghĩa vụ không thể lường trước là đã đáp ứng yêu cầu này[4].

Về mặt thời điểm, câu hỏi đặt ra đối với tiêu chí này là nếu một sự kiện không thể lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng lại trở nên lường trước được trong quá trình thực hiện hợp đồng (sau thời điểm giao kết) và sự kiện đó diễn ra sau khi đã được lường trước thì liệu có được xem là sự kiện bất khả kháng hay không? Nói cách khác, thời điểm nào được xem là thời điểm “không thể lường trước được”?

Ví dụ: Bên A thuê nhà của Bên B để thực hiện việc kinh doanh. Tại thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà, Bên A, Bên B cũng như căn nhà hoàn toàn đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch cho thuê nhà. Thực hiện hợp đồng được một năm thì Bên B có nhận được thông tin rằng khu đất mà căn nhà được xây dựng có thể bị thu hồi. Tuy nhiên, Bên B vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng cho thuê. 6 tháng sau, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thu hồi đất (không phải do lỗi của Bên B) và Bên B cho rằng đây là sự kiện bất khả kháng để Bên B đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê mà không phải bồi thường. 

Hiện nay, có nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Quan điểm thứ nhất cho rằng cần xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng[5]. Điều này đồng nghĩa việc Bên A không thể lường trước được Uỷ ban sẽ thu hồi trong tương lai đã thoả điều kiện “lường trước” của sự kiện bất khả kháng. Quan điểm thứ hai cho rằng cần cần xác định trong quá trình thực hiện hợp đồng và trước khi xảy ra hành vi vi phạm[6]. Nghĩa là, Bên B đã có thể lường trước được việc thu hồi nhà trong quá trình thực hiện hợp đồng trên ví dụ trên, do đó, không thể cho rằng việc thu hồi của Uỷ ban là một sự kiện bất khả kháng. 

3. Không thể khắc phục dù đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép

“Mọi biện pháp” và “Khả năng cho phép” đều là những cụm từ mang tính định tính và khó có thể có được một cách hiểu thống nhất trên thực tế. Đa phần việc xác định điều này phụ thuộc vào quan điểm của từng hội đồng xét xử hoặc hội đồng trọng tài và dựa trên các tập quán thương mại (trade practice) trong từng lĩnh vực cụ thể. 

Miễn trách nhiệm đối với sự kiện bất khả kháng

Khác với tiêu chí xác định sự kiện bất khả kháng, hệ quả của sự kiện bất khả kháng được quy định trong cả BLDS 2015 và LTM 2005. Cần lưu ý rằng, một sự kiện dù đã hội đủ điều kiện để được xem là sự kiện bất khả kháng theo quy định của BLDS 2015 không đương nhiên dẫn đến việc bên vi phạm được miễn trách đối với hành vi vi phạm của mình. Việc xác định bên vi phạm có được miễn trách nhiệm không còn phụ thuộc thêm vào việc bên đó đã thực hiện đúng các thủ tục theo các quy định của pháp luật hoặc hợp đồng hay không. 

Điều 351.2 của BLDS 2015 quy định: 

“Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”

Điều 294.1(b) của LTM 2005 quy định: 

“1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

[…]

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng

[…]”

Bên cạnh đó, LTM 2005 cũng đã quy định rõ việc miễn trách nhiệm sẽ được áp dụng đối với các chế tài sau (i) phạt vi phạm[7]; (ii) bồi thường thiệt hại[8]; (iii) tạm ngừng thực hiện hợp đồng[9]; (iv) đình chỉ thực hiện hợp đồng[10]; và (v) huỷ bỏ hợp đồng[11]. Trong khi đó, BLDS 2015 không có quy định nào trách nhiệm dân sự cụ thể nào được miễn. Do đó, nếu xảy ra sự kiện bất khả kháng, bên vi phạm sẽ đương nhiên không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với 5 chế tài nêu trên dù cho hợp đồng không có quy định cụ thể; đối với các chế tài khác không nằm trong nhóm 5 đó, nếu hợp đồng không quy định cụ thể thì bên vi phạm sẽ không đương nhiên được miễn trách nhiệm[12].

Ngoài ra, nghĩa vụ thông báo để được miễn trách nhiệm cũng là một vấn đề pháp lý cần lưu ý. Như đã đề cập ở trên, trường hợp có xảy ra sự kiện bất khả kháng nhưng bên vi phạm không thực hiện đúng thủ tục theo quy định thì cũng sẽ không được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình. Cụ thể hơn, 

Điều 295 của LTM 2005 quy định: 

“Điều 295. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm

1. Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.
2. Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
3. Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.”

Theo đó, bên vi phạm sẽ có nghĩa vụ thông báo cho bên không vi phạm về sự kiện bất khả kháng và hệ quả của sự kiện bất khả kháng. LTM 2005 không quy định rõ thời hạn thông báo, do vậy, trường hợp hợp đồng có quy định rõ thời hạn thì sẽ áp dụng theo hợp đồng; nếu không, tuỳ vào từng loại hợp đồng và từng nghĩa vụ cụ thể, hội đồng xét xử hoặc hội đồng trọng tài có thể áp dụng một “thời hạn hợp lý” trên cơ sở từng trường hợp nhất định. Không chỉ thông báo khi sự kiện bất khả kháng diễn ra, bên vi phạm còn có nghĩa vụ thông báo khi sự kiện bất khả kháng chấm dứt. Trường hợp nghĩa vụ thông báo không được tuân thủ, bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm cho hành vi vi phạm dù sự kiện bất khả kháng có xảy ra. 


[1]           Xem thêm: Điều 1 của LTM 2005.

[2]           Việc áp dụng phương pháp định nghĩa trong quá trình xây dựng quy định về sự kiện bất khả kháng tạo ra sự khái quát và bao trùm của pháp luật, hạn chế tối đa việc bỏ sót sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này lại là trừu tượng, khó áp dụng và dễ nảy sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng. (Xem thêm: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/cac-truong-hop-bat-kha-khang-trong-hop-dong-230-17350-article.html). Dù vậy, trong một số lĩnh vực cụ thể như lao động, dầu khí, một số sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng cũng được liệt kê tương đối cụ thể (Xem thêm: Venture North Law, “Sự bùng phát của virus corona – Định nghĩa về sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam” – 29/3/2020, trang 7).

[3]           Xem thêm: http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210450/Van-de-mien-trach-nhiem-dan-su-do-vi-pham-nghia-vu-thanh-toan-trong-truong-hop-bat-kha-khang—Covid-19.html

[4]           Xem thêm: Venture North Law (n 2) trang 4.

[5]           Quan điểm này cũng là hướng đi của CISG 1980 (Xem thêm: CISG, Điều 79.1).

[6]           Xem thêm: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/cac-truong-hop-bat-kha-khang-trong-hop-dong-230-17350-article.html

[7] LTM 2005, Điều 300. 

[8] LTM 2005, Điều 303.

[9] LTM 2005, Điều 308. 

[10] LTM 2005, Điều 310. 

[11] LTM 2005, Điều 312.4.

[12] Xem thêm: Trương Nhật Quang (n 3).

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

One Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.