By Bao Nguyen

QUY ĐỊNH BẢO VỆ DỮ LIỆU CÁ NHÂN: PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ GDPR

Nguyễn Thị Tú Uyên và Nguyễn Quốc Bảo

Việt Nam xếp thứ 13 trong danh sách các quốc gia có số lượng người dùng internet cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 72 triệu người dùng[1]. Theo Bộ Công an, hiện nay dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số Việt Nam đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng [2]. Tốc độ phát triển của internet nhanh cùng với thực trạng thu thập, xử lý, công khai trái phép dữ liệu cá nhân đang diễn ra ngày càng nhiều đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về một hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng về bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Sau hơn hai năm kể từ khi được đề cập đến lần đầu trong Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ[3], vừa qua, vào ngày 17/04/2023, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được chính thức ban hành (có hiệu lực từ 01/07/2023) (“Nghị Định 13”). 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả trước hết sẽ khái quát chung các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân (“DLCN”) trước thời điểm Nghị Định 13 được ban hành. Theo sau đó sẽ là các phân tích và đánh giá một số quy định của Nghị Định 13 trên cơ sở so sánh với các quy định của Quy Định Chung Về Bảo Vệ Dữ Liệu của Liên Minh Châu Âu[4] (“GDPR”).

Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ DLCN trước thời điểm Nghị Định 13 được ban hành

Bảo vệ DLCN không phải vấn đề hoàn toàn mới trong quy định của pháp luật Việt Nam. Quy định về bảo vệ DLCN được tiếp cận và phát triển từ quyền riêng tư – một quyền cơ bản của con người[1]. Hiến pháp 1946 quy định thư tín của công dân Việt Nam không ai được xâm phạm một cách trái pháp luật và tiếp tục phát triển quy định này tại Hiến pháp 2013 hiện hành. Dù vậy, Hiến pháp qua từng thời kỳ chỉ mang tính định hướng, việc thực thi các quy định liên quan đến việc bảo vệ DLCN nằm rải rác tại nhiều văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác nhau. 

Chẳng hạn, quy định của Luật Giao dịch điện tử 2005 yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phải bảo mật thông tin của chủ thể khác mà mình tiếp cận, kiểm soát được trong giao dịch điện tử, hay Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định về nguyên tắc của việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Gần đây hơn có thể kể đến Luật An toàn thông tin mạng 2015 quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường mạng với các nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, hay Luật An ninh mạng 2018 quy định về nghĩa vụ bảo mật thông tin người dùng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet. Quy định về bảo vệ DLCN còn có thể được tìm thấy trong Luật Viễn thông 2009, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Luật các tổ chức tín dụng 2010, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015, v.v. 

Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam trước thời điểm Nghị Định 13 được chính thức ban hành về cơ bản đã ghi nhận quyền được bảo vệ DLCN của cá nhân và thể hiện ở nhiều văn bản quy phạm chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, các quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ, chồng chéo trong nhiều trường hợp dẫn đến việc áp dụng và thực thi trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Xem chi tiết bên dưới.


[1]           Bạch Thị Nhã Nam, Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, truy cập: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211048.


[1]           Tham khảo tại https://www.statista.com/statistics/262966/number-of-internet-users-in-selected-countries/.

[2]           Minh Thành, Gần 1.300 GB dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép, truy cập:  https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=67343.

[3]           Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. 

[4]           The Regulation (EU) 2016/679 (General Data Protection Regulation).

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.