MUA BÁN & SÁP NHẬP (M&A) TẠI VIỆT NAM: TÓM TẮT QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TẬP TRUNG KINH TẾ

Bài viết là ấn phẩm chung của TND Legal và Kiến Thức Pháp Lý. Bài viết được dịch bởi Sỹ Ngọc Thùy Trang từ bài “M&A in Vietnam: A brief on economic concentration’s regulation” được đăng tại World Law Alliance (WLA). Xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.

Vào tháng 5 năm 2020, Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh năm 2018 do Chính phủ ban hành ngày 24 tháng 3 năm 2020 (“Nghị định 35”) đã có hiệu lực pháp luật. Do phạm vi điều chỉnh đối với các giao dịch yêu cầu phải thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia[1] (“UBCTQG”) đã được mở rộng bởi Nghị định này, các giao dịch mua bán và sáp nhập (“M&A”) tại Việt Nam hoặc có liên quan đến Việt Nam được cho là sẽ chịu tác động đáng kể. Bài viết này trình bày sơ lược các quy định về tập trung kinh tế có thể áp dụng đối với các giao dịch M&A mà toàn bộ hoặc một phần của giao dịch đó có liên quan đến Việt Nam. Để tránh nhầm lẫn, các đối tượng được đề cập tại bài viết này sẽ không bao gồm các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm và công ty chứng khoán.

Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế

Theo Luật Cạnh tranh năm 2018[2], chế định kiểm soát tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

  • Sáp nhập doanh nghiệp;
  • ­Hợp nhất doanh nghiệp;
  • ­Mua lại doanh nghiệp;
  • Liên doanh giữa các doanh nghiệp; hoặc
  • Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Một giao dịch M&A, dù được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào nêu trên, khi đạt ngưỡng nhất định theo quy định sẽ phải tiến hành thủ tục thông báo tập trung kinh tế. Bên cạnh ngưỡng thị phần kết hợp theo quy định của pháp luật cạnh tranh trước đây, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung hai ngưỡng mới làm phát sinh nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế bao gồm ngưỡng tài sản / doanh thu và ngưỡng giá trị giao dịch.

Căn cứ Điều 13.1 Nghị định 35, ngưỡng bắt buộc nộp hồ sơ tập trung kinh tế về cơ bản bao gồm:

Tổng tài sản và tổng doanh thu bán ra / doanh số mua vào: Từ 3.000 tỷ đồng trở lên (xấp xỉ 131 triệu USD trở lên).

Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

Điểm đáng lưu ý là Nghị định 35 không xác định những tài sản nào được gọi là “tài sản trên thị trường Việt Nam”. Điều này dẫn đến cách hiểu rằng ngay cả các giao dịch được thực hiện tại nước ngoài cũng có thể phải thông báo cho UBCTQG, nếu các doanh nghiệp liên quan đó có tài sản tại Việt Nam. Ví dụ: một giao dịch M&A được thực hiện toàn bộ ở nước ngoài cũng có thể được coi là đối tượng phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế nếu các bên tham gia giao dịch đó sở hữu cổ phần / phần vốn góp trong công ty tại Việt Nam có giá trị đạt đến ngưỡng thông báo theo quy định nêu trên.

Giá trị của giao dịch: 1000 tỷ đồng trở lên (xấp xỉ 43,7 triệu USD trở lên)

Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế là 1.000 tỷ đồng trở lên và chỉ áp dụng đối với các giao dịch trong nước.

Thị phần kết hợp: Từ 20% trở lên

Thị phần kết hợp của doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Theo đó, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan[3]. Điều này yêu cầu các bên thực hiện một phân tích kỹ thuật phức tạp dựa trên các tiêu chí quy định tại Chương II của Nghị định 35. Hơn nữa, so với Luật cạnh tranh 2004, các quy định của pháp luật cạnh tranh hiện hành có hai điểm khác biệt: (1) Đưa ra tỷ lệ thị phần kết hợp thấp hơn, chỉ cần ở mức 20% là phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế và (2) Xóa bỏ ngoại lệ về nghĩa vụ thông báo đối với trường hợp doanh nghiệp sau khi thực hiện sáp nhập vẫn thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)4.

Thủ tục thực hiện thông báo tập trung kinh tế[5]

Pháp luật Việt Nam yêu cầu bất kỳ giao dịch nào đạt đến ngưỡng thông báo tập trung kinh tế thì đều phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi hoàn tất giao dịch. Bên cạnh đó, pháp luật cũng không đề cập đến các quy định chuyển tiếp áp dụng cho các giao dịch phát sinh trước ngày Nghị định 35 có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa rằng ngày hoàn tất đối với một số giao dịch đang được tiến hành (đã bắt đầu trước khi Nghị định 35 có hiệu lực nhưng chưa hoàn tất sau ngày hiệu lực của Nghị định 35) sẽ bị hoãn lại để các bên liên quan thực hiện việc thông báo tập trung kinh tế theo quy định. Điều này dẫn đến lợi ích thương mại của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi lẽ họ phải thực hiện các thủ tục cấp phép bổ sung theo đúng quy định của pháp luật trong khi các thủ tục này không những tốn kém về mặt chi phí mà còn kéo dài thời gian.

Dưới đây là tổng quan về quy trình nộp đơn sáp nhập.

Sơ đồ minh họa về thủ tục thông báo tập trung kinh tế

*TTKT là viết tắt của “Tập trung kinh tế”.

Mô tả chi tiết thủ tục thông báo tập trung kinh tế

Thủ tục thông báo tập trung kinh tế gồm hai giai đoạn: (i) Thẩm định sơ bộ và (ii) Thẩm định chính thức. Cụ thể như sau:

Giai đoạn 1 – Thẩm định sơ bộ

  • Các bên dự định tham gia giao dịch tập trung kinh tế nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến UBCTQG. Hồ sơ bao gồm các tài liệu quy định tại  Điều 34.1 Luật Cạnh tranh 2018;
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, UBCTQG phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết rằng hồ sơ có đầy đủ, hợp lệ hay không. Nếu hồ sơ không đầy đủ/hợp lệ, UBCTQG phải thông báo bằng văn bản về việc hồ sơ không hợp lệ và cho phép người nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo;
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, UBCTQG phải ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ về một trong các nội dung sau (i) Tập trung kinh tế được chấp thuận; (ii) Tập trung kinh tế phải qua quá trình thẩm định chính thức. Nếu UBCTQG không đưa ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ trong thời hạn 30 ngày, thì việc tập trung kinh tế của người nộp hồ sơ đương nhiên được chấp thuận.

Giai đoạn 2 – Thẩm định chính thức

(a) UBCTQG phải thực hiện thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ. Đối với vụ việc phức tạp, có thể gia hạn thẩm định chính thức nhưng không quá 60 ngày. Trong thời gian này, UBCTQG có thể yêu cầu người nộp hồ sơ bổ sung thông tin, tài liệu cần thiết tối đa 02 lần;

(b) Sau khi kết thúc thẩm định chính thức, UBCTQG ra quyết định về một trong các nội dung sau:

  • Chấp thuận việc tập trung kinh tế mà không cần điều kiện; hoặc
  • Chấp thuận việc tập trung kinh tế với các điều kiện quy định tại Điều 42 Luật Cạnh tranh 2018; hoặc
  • Cấm tập trung kinh tế.

Tổng thời gian cho các thủ tục tập trung kinh tế có thể lên đến 7 tháng.

Cần lưu ý rằng Điều 34.1(b) Luật Cạnh tranh 2018 chỉ yêu cầu các bên liên quan nộp cho UBCTQG, bên cạnh các tài liệu khác, dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ. Do đó, các bên có liên quan cần chuẩn bị các thủ tục thông báo ngay từ giai đoạn đầu của giao dịch. Việc phải thực hiện thủ tục này cũng dẫn đến một số vấn đề phức tạp bao gồm nhưng không giới hạn ở (i) tính bảo mật của giao dịch; (ii) thời gian kéo dài và chi phí leo thang; và (iii) chiến lược xử lý trong trường hợp mà việc tập trung kinh tế bị từ chối.

Xử phạt vi phạm hành chính

Mức xử phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế được xác định tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm không được vượt quá 5% tổng doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm xảy ra hành vi vi phạm.


 

[1]             Một cơ quan quản lý trực thuộc Bộ Công Thương. UBCTQG hiện vẫn trong thời gian chờ thành lập, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VCCA) sẽ tạm thời chịu trách nhiệm về hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

[2]             Luật số 23/2018/QH14 về cạnh tranh được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 12 tháng 06 năm 2018.

[3]             Điều 3.1 Nghị định 35.

4             Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ đề cập đến tiêu chí về thị phần kết hợp mà tại đó việc sáp nhập sẽ thực hiện. Điều này áp dụng đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thị phần tổng hợp trên thị trường liên quan từ 30% đến 50%, không áp dụng đối với các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có thị phần tổng hợp trên thị trường liên quan dưới 30% hoặc nếu, sau khi tập trung kinh tế vẫn thuộc diện doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

5             Luật Cạnh tranh 2018 và Nghị định 35.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.