By Bao Nguyen

LUẬT ĐẦU TƯ 2020 VÀ NỖI LO LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ “BẢO ĐẢM AN NINH QUỐC PHÒNG”

Luật Đầu tư 2020 đã bắt đầu siết chặt vấn đề về việc bảo đảm an ninh quốc phòng đối với các dự án đầu tư nước ngoài. Các quy định liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng không chỉ được đưa vô theo từng điều khoản hoặc hình thức đầu tư cụ thể mà dường như được nâng lên thành một điều kiện tiên quyết để xem xét đối với bất kỳ dự án đầu tư nào có sự tham gia của một bên nước ngoài. 

Cụ thể hơn: 

Đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Việc xét duyệt điều kiện “bảo đảm an ninh, quốc phòng” dù không được đề cập một cách minh thị tại Điều 22 và Điều 38.2 của Luật Đầu tư 2020 nhưng đã được bao trùm bởi quy định về việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo đó, Điều 32.1(d) của Luật Đầu tư 2020 quy định như sau: 


“1. Trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Luật này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư sau đây:

[….]

d) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.”

Khi thực hiện đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể xem xét và nhận biết được địa điểm thực hiện dự án đầu tư của mình có rơi vào “đảo và xã, phường, thị trấn biên giới” hay không dựa trên Nghị định số 34/2014/NĐ-CP[1]. Tuy nhiên, trong phạm vi hiểu biết của tác giả, các quy định hiện hành không xác định cụ thể khu vực nào được xem là “xã, phường, thị trấn ven biển” hoặc “khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài khó có thể tự xác định liệu dự án của mình có nằm trong các khu vực trên hay không. 

Trên cơ sở đó, giả định rằng nhà đầu tư nước ngoài (theo đánh giá chủ quan) tự cho rằng dự án đầu tư của mình không thuộc khu vực nào nêu trên, từ đó không tiến hành thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND cấp tỉnh mà thay vào đó, thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT). Khi xử lý hồ sơ này, dù Luật Đầu tư 2020 không đưa ra yêu cầu xem xét tiêu chí về “an ninh, quốc phòng” đối với việc cấp GCNĐKĐT[2], cơ quan đăng ký đầu tư cũng sẽ tiến hành việc xác định rằng liệu dự án đầu tư đó có thuộc các khu vực mang tính nhạy cảm về an ninh, quốc phòng trên hay không. Việc thẩm định đối với tiêu chí này có thể được giải thích là nhằm tránh bỏ sót trường hợp dự án đầu tư ở tại vị trí mang tính nhạy cảm lại không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND cấp tỉnh. 

Bởi lẽ đó, dù trực tiếp hoặc gián tiếp, Luật Đầu tư 2020 đã “ràng buộc” việc xem xét điều kiện về “an ninh, quốc phòng” trong quá trình xét duyệt cấp GCNĐKĐT. 

Đối với hợp đồng BCC

Do khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hợp đồng BCC cũng phải xin cấp GCNĐKĐT, việc cơ quan đăng ký đầu tư xem xét đến tiêu chí “bảo đảm an ninh, quốc phòng” cũng không phải là ngoại lệ. 

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp đã được thành lập

Tiêu chí “bảo đảm an ninh, quốc phòng” được thể hiện bởi các nhà làm luật rõ nhất đối với hình thức đầu tư này.

Theo đó, Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định: 

“2. Việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau đây:

[…]

b) Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của luật này; 

[…]”

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng bổ sung thêm một trường hợp cần phải xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần trước khi tiến hành giao dịch, đó là khi công ty mục tiêu có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Như đã phân tích ở trên, pháp luật hiện hành (ngay cả Luật Đầu tư 2020 và Dự thảo nghị định hướng dẫn[3]) không định hình và xác định được khu vực nào là khu vực mang tính chất nhạy cảm về mặt an ninh, quốc phòng. Điều này dẫn đến lo ngại rằng vậy phải chăng bất kỳ việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nào cũng nên xin Chấp Thuận Góp Vốn (dù có thể không bắt buộc) để tránh những rủi ro phát sinh sau này? 

Một lo ngại khác là trong quá trình xem xét cấp Chấp Thuận Góp Vốn, nhiều khả năng cơ quan đăng ký đầu tư sẽ phải hỏi ý kiến của tận Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an[4] (hoặc có thể thấp hơn là Ban chỉ huy quân sự cấp tỉnh hoặc cơ quan công an cấp tỉnh[5]) và điều này sẽ dẫn đến việc trì hoãn, kéo dài thời gian cấp Chấp Thuận Góp Vốn. Đáng lo hơn, Luật Đầu tư 2020 và cả dự thảo nghị định hướng dẫn cũng không hề có quy định nào đề cập đến thời hạn cấp Chấp Thuận Góp Vốn (trái với Luật Đầu tư 2014 đề cập rõ thời hạn là 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ[6]). Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không thể dự tính trước được một thời hạn mang tính hợp lý mà các cơ quan đăng ký đầu tư sẽ cấp Chấp Thuận Góp Vốn.

Trong bài phân tích của mình, luật sư Trương Hữu Ngữ đã đề xuất việc xem xét đến vấn đề “an ninh, quốc phòng” trong quá trình cấp Chấp Thuận Góp Vốn chỉ nên giới hạn trong những tiêu chí sau (i) cơ quan đăng ký đầu tư chỉ nên gửi văn bản hỏi các Bộ liên quan (hoặc BCHQS cấp tỉnh hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh) trong trường hợp dự án nằm ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo và (ii) khi tiến hành hỏi Bộ và các cơ quan liên quan, cơ quan đăng ký đầu tư nên thực hiện theo hướng giới hạn thời gian trả lời đối với các cơ quan này trong một khoảng thời gian cụ thể, mà khi hết khoảng thời gian đó, chấp thuận được xem là đã mặc nhiên được đưa ra[7]. Chính phủ không nên đặt một “trách nhiệm quá lớn” lên cơ quan đăng ký đầu tư khi thực hiện thủ tục Chấp Thuận Góp Vốn thông qua điều kiện bảo đảm an ninh, quốc phòng. Bởi lẽ, về mặt quản lý nhà nước, cho dù dự án “qua” được vòng Chấp Thuận Góp Vốn, Thủ tướng Chính phủ vẫn có quyền ngừng dự án đầu tư nếu dự án gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh[8]. Mặt khác, khi xét đến yếu tố thu hút đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ có xu hướng thu mình trong “vòng an toàn” và nếu không có chấp thuận nào rõ ràng từ các Bộ hoặc cơ quan liên quan đến vấn đề an ninh, quốc phòng, việc cấp Chấp Thuận Đầu Tư sẽ trở nên kéo dài và giảm sức hấp dẫn đầu tư nước ngoài của thị trường Việt Nam. 

Đề xuất của luật sư Trương Hữu Ngữ là hoàn toàn hợp lý nhưng theo quan điểm chủ quan của tác giả, đề xuất này có lẽ là khó áp dụng vào thực tiễn quản lý nhà nước của Việt Nam. Thứ nhất, khó có thể đòi hỏi cơ quan đăng ký đầu tư có thể tự tin xác định khu vực nào là khu vực nhạy cảm về mặt an ninh, quốc phòng khi chưa có hướng dẫn cụ thể mà không có sự tham vấn ý kiến từ các cơ quan có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Do đó, tác giả cho rằng trong đa số của trường hợp, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ phải có văn bản hỏi ý kiến cơ quan có liên quan (nhằm tránh trách nhiệm có thể phải gánh chịu sau này). Thứ hai, việc giới hạn thời hạn trả lời đối với các cơ quan liên quan đến an ninh, quốc phòng dường như cũng không thể được tạo nên bởi ý chí chủ quan của cơ quan đăng ký đầu tư. Đây là một đề xuất rất hợp lý nhưng cần có sự thống nhất bởi các cơ quan quản lý có liên quan mà không đơn giản là sự áp đặt ý chí từ cơ quan đăng ký đầu tư (nếu không có văn bản thống nhất minh thị giữa các cơ quan có liên quan hoặc từ Chính phủ, tác giả cho rằng bản thân cơ quan đăng ký đầu tư cũng sẽ “rụt rè” trong việc đưa ra một cơ chế “im lặng là đồng ý” theo đề xuất). Có lẽ rằng chúng ta sẽ cần chờ đợi thêm nghị định và thông tư hướng dẫn, cùng với thực tiễn xử lý của cơ quan quản lý đầu tư bắt đầu từ hôm nay 1/1/2021 (thời điểm Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực) để bình luận thêm về vấn đề này. 


[1]           Nghị định 34/2014/NĐ-CP về quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Chính phủ ban hành ngày 29/04/2014. 

[2]           Luật Đầu tư 2020, Điều 22 và Điều 38.2.

[3]           Dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ <http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=48003&idcm=140>

[4]           Tương tự như quy định tại Điều 13 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP

[5]           Theo tinh thần dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư 2020 (xem footnote 3).

[6]           Luật Đầu tư 2014, Điều 26.3(b).

[7]           Luật sư Trương Hữu Ngữ, “Bộ Tứ Luật Mới và Hoạt Động M&A – Phần 2: Luật Đầu tư 2020 và M&A” (2020) TBKTSG <https://chanhngu.vn/luat-dau-tu-2020-va-ma/>

[8]           Luật Đầu tư 2020, Điều 47.3.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

One Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.