Khi thực hiện tư vấn pháp lý cho các giao dịch đầu tư / gọi vốn trong các công ty, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp (start-up), luật sư thường phải đối diện với các thuật ngữ tài chính / thuật ngữ thương mại tương đối phức tạp. Trong một phạm vi hẹp, bài viết này sẽ phân tích sơ bộ về cách hiểu một số thuật ngữ tài chính đặt trong mối liên hệ với các thuật ngữ pháp lý theo quy định của pháp luật.
Xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.
Để dễ dàng phân tích và mang đến cho độc giả một cái nhìn cụ thể hơn, tác giả sẽ tiến hành phân tích dựa trên một tình huống giả định dưới đây.
Công ty Cổ Phần A (“Công Ty A”) là một doanh nghiệp do 3 cá nhân là cổ đông sáng lập với tổng số cổ phần đã phát hành (toàn bộ là cổ phần phổ thông) là 6.000.000 cổ phần, mệnh giá (par value) của mỗi cổ phần là 10.000 VNĐ và vốn điều lệ (vốn cổ phần) Công Ty A là 60.000.000.000 VNĐ (Sáu mươi tỷ đồng).
1. Để huy động thêm vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, Công Ty A đã tiến hành gọi vốn / kêu gọi đầu tư từ một nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) và NĐTNN đã đưa ra một đề nghị cho Công Ty A. Theo đó, NĐTNN sẽ đầu tư vào cho Công Ty A là 30.000.000.000 VNĐ (Ba mươi tỷ đồng) và mong muốn đổi lại tỷ lệ sở hữu tại Công Ty A là 30% (“Đề Xuất Đầu Tư”).
2. Đại diện của Công Ty A đến và yêu cầu luật sư tư vấn cụ thể về cấu trúc giao dịch / tỷ lệ sở hữu / thủ tục pháp lý thực hiện với các cơ quan nhà nước có liên quan để tiến hành thực hiện Đề Xuất Đầu Tư của NĐTNN.
Như chúng ta đã biết, việc xác định giá trị đầu tư (số tiền đầu tư) cũng như tỷ lệ sở hữu mong muốn của NĐTNN sau khi thực hiện việc góp vốn vào Công Ty A (capital injection) phụ thuộc chủ yếu vào việc xác định giá trị thực tế của Công Ty A hay nói cách khác là định giá Công Ty A. Để rõ ràng, vấn đề liên quan đến việc định giá công ty không phải là một vấn đề pháp lý và không phải là chuyên môn của luật sư. Việc định giá Công Ty được tiến hành bởi các nhà tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính hoặc một số đơn vị kiểm toán độc lập, tùy thuộc vào sự lựa chọn của NĐTNN và/hoặc thỏa thuận giữa NĐTNN và Công Ty A. Tuy nhiên, luật sư, với vai trò tư vấn pháp lý, soạn thảo các văn kiện giao dịch và thực hiện thủ tục pháp lý có liên quan, cần phải nắm được những khái niệm và bản chất cơ bản của việc định giá công ty và đặt chúng trong mối liên hệ với các vấn đề pháp lý liên quan.
Theo quan điểm của tác giả, hai trong số các thuật ngữ mà một luật sư cần nắm rõ và phân biệt để phục vụ cho công việc của mình chính là giá trị công ty trước khi nhận được đầu tư (pre-money valuation / pre-money equity) và giá trị công ty sau khi nhận được đầu tư (post-money valuation / post-money equity).
Vậy pre-money valuation và post-money valuationlà gì?
- Pre-money valuation là giá trị công ty trước khi nhận được đầu tư hoặc nói cách khác, là giá trị thực tế của công ty ngay trước thời điểm mà nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư / góp tiền vào công ty.
- Post money valuation là giá trị công ty sau khi nhận được đầu tư hoặc nói cách khác, là giá trị của công ty ngay sau thời điểm mà nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư / góp tiền vào công ty.
Nhiều luật sư có sự nhầm lẫn về cụm từ “giá trị” được sử dụng tại các thuật ngữ trên. “Giá trị” ở đây không phải là giá trị vốn điều lệ được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty mà là giá trị định giá thực tế theo thị trường của công ty do nhà đầu tư định giá (giá trị này hoàn toàn có thể bằng, thấp hơn hoặc cao hơn so với vốn điều lệ).
Trở lại với ví dụ nêu trên, vậy từ Đề Xuất Đầu Tư của NĐTNN, pre-money valuation và post-money valuation được xác định như thế nào?
Đề Xuất Đầu Tư đề cập cụ thể đến mong muốn của NĐTNN trong việc được nắm giữ 30% vốn điều lệ của Công Ty A thông qua việc đầu tư vào thêm 30.000.000.000 VNĐ. Như vậy, NĐTNN đã xác định rằng 30% vốn điều lệ của Công Ty A sẽ có giá trị tương ứng là 30.000.000.000 VNĐ và theo đó, 100% vốn điều lệ của Công Ty A sau khi NĐTNN thực hiện việc đầu tư sẽ có giá trị là 100.000.000.000 VNĐ. Đây chính là post-money valuation.
Từ post-money valuation, chúng ta có thể xác định được pre-money valuation với công thức sau:
Pre-money valuation = Post-money valuation – khoản tiền đầu tư thêm (new funding)
Áp dụng công thức trên, pre-money valuation của Công Ty A được xác định là 70.000.000.000 VNĐ. Như vậy, có thể thấy trong trường hợp này, NĐTNN đã định giá Công Ty cao hơn so với vốn điều lệ của Công Ty A.
Việc xác định giá trị pre-money valuation và post-money valuation sẽ có giá trị gì về mặt pháp lý?
Dưới góc độ pháp lý, chúng ta cần xem xét đến 3 vấn đề cốt lõi sau để có thể đưa ra các tư vấn, soạn thảo các văn kiện giao dịch và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết một cách phù hợp nhất, đó là (i) vốn điều lệ của Công Ty A sau khi NĐTNN tiến hành đầu tư; (ii) tổng số cổ phần được phát hành thêm cho NĐTNN và (iii) mệnh giá cổ phần.
Trước hết, đối với vốn điều lệ của Công Ty A sau khi NĐTNN tiến hành đầu tư, để rõ ràng, vốn điều lệ sau đầu tư sẽ không phải là con số 100.000.000.000 VNĐ được nêu ở trên. Một lần nữa, chúng ta cần phải phân biệt thật sự rõ ràng về giá trị của một công ty và vốn điều lệ của công ty đó. Hiểu một cách đơn giản hơn, vốn điều lệ của công ty là một hằng số và sẽ giữ nguyên không đổi trừ khi công ty tiến hành tăng hoặc giảm vốn điều lệ. Mặt khác, giá trị của một công ty lại là một biến số có thể thay đổi tại bất kỳ thời điểm nào trên cơ sở tình hình hoạt động của công ty. Trong tình huống nêu trên, việc NĐTNN thông qua hình thức mua cổ phần mới phát hành bởi Công Ty A chắc chắn sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý là việc tăng vốn điều lệ của Công Ty A. Vậy nếu tăng vốn điều lệ thì tăng bao nhiêu?
Vốn điều lệ trong công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiêp 2014 là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại[1]. Như vậy, để xác định được vốn điều lệ sau khi NĐTNN đầu tư, cần xác định được số lượng cổ phần đã được phát hành thêm cho NĐTNN. Việc xác định này sẽ được tiến hành như sau:
NIS = [(PosMV x TOS) / PreMV] – TOS = [(100 tỷ x 6 triệu)] / 70 tỷ] – 6 triệu = 2.571.429 cổ phần
Trong đó:
NIS là số cổ phần mới được phát hành cho nhà đầu tư
PosMV là Post-Money Valuation
PreMV là Pre-Money Valuation
TOS là tổng số cổ phần đã được phát hành (trước khi đầu tư)
*Lưu ý: NIS có thể được tính theo các công thức khác
Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch, các thông số cơ bản liên quan đến Công Ty A và tỷ lệ sở hữu của NĐTNN như sau:
- Vốn điều lệ Công Ty A: 85.571.429.000 VNĐ
- Tổng số cổ phần đã được phát hành của Công Ty A: 8.571.429 cổ phần
- Tỷ lệ sở hữu của NĐTNN: 30%
- Tổng số cổ phần mà NĐTNN sở hữu (trong trường hợp này tương ứng với số lượng cổ phần phát hành thêm): 2.571.429 cổ phần
*Giá trị vốn cổ phần được xác định trên cơ sở mệnh giá cổ phần nhân với tổng số cổ phần mà NĐTNN sở hữu (mệnh giá cổ phần phổ thông được đăng ký và phát hành là 10.000 VNĐ / cổ phần). Từ ví dụ trên, chúng ta cần phân biệt giá trị vốn cổ phần và giá mua đối với số lượng cổ phần đó hoàn toàn khác nhau. Phần chênh lệch giữa hai giá trị này được xem là thặng dư vốn cổ phần trong lĩnh vực kế toán và tài chính.
[1] Điều 111.1 Luật Doanh nghiệp 2014
- LỰA CHỌN CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG GIAO DỊCH MUA BÁN CÔNG TY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BẤT ĐỘNG SẢN - Tháng Một 12, 2025
- GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THÔNG QUA TRỌNG TÀI: CƠ CHẾ MỚI, ÁP DỤNG RA SAO? - Tháng Một 6, 2025
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng bảy 21, 2024
One Comment