Trên bình diện quốc tế, con dấu của một pháp nhân đang dần trở thành một khái niệm lỗi thời bởi lẽ con dấu đã gần như bị loại bỏ trong các giao dịch pháp lý[1]. Tại Việt Nam, việc một doanh nghiệp có bắt buộc phải có và sử dụng con dấu hay không vẫn đang là vấn đề gặp nhiều tranh cãi. Bài viết này sẽ đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên trên cơ sở lý luận cũng như thực tiễn. Đồng thời, bài viết cũng đưa ra dự đoán về xu hướng trong tương lai cho việc sử dụng con dấu doanh nghiệp tại Việt Nam.
Pháp luật doanh nghiệp hiện hành có bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu không?
Điều 44 Luật Doanh nghiệp có quy định:
“1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây:
[…]
3. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.”
Nhìn vào quy định trên của Luật Doanh nghiệp, có quan điểm pháp lý cho rằng pháp luật Việt Nam đã phát triển theo hướng trao quyền tự quyết hơn cho doanh nghiệp trong vấn đề quản lý và sử dụng con dấu[2]. Để rõ hơn, Luật Doanh nghiệp 2005 buộc doanh nghiệp phải có con dấu và pháp luật cũng điều chỉnh luôn về cả hình thức, nội dung, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu[3]. Ngắn gọn hơn, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng con dấu và toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc sử dụng con dấu đều phải tuân thủ quy định của pháp luật mà quyền tự quyết của doanh nghiệp là cực kỳ hạn chế.
Sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời, pháp luật đã mở ra cho doanh nghiệp quyền tự do trong việc quản lý và sử dụng con dấu thông qua việc quy định cụ thể tại Điều lệ. Tuy vậy, quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 không giải quyết được câu hỏi nếu doanh nghiệp quyết định không sử dụng con dấu thì có phù hợp với pháp luật hay không và quy định trong Điều lệ rằng doanh nghiệp không có con dấu thì có phù hợp hay không.
Để trả lời cho câu hỏi này, cần xem xét dưới ba góc độ sau:
Thứ nhất, về mặt câu chữ của luật, Điều 44 Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có quyền tự quyết nhưng không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể không có con dấu. Có ý kiến cho rằng việc pháp luật doanh nghiệp trao cho doanh nghiệp quyền tự quyết trong việc quy định chế độ sử dụng con dấu có nghĩa là doanh nghiệp bắt buộc phải có con dấu.
Thứ hai, về mặt lịch sử lập pháp, trong quá trình soạn thảo Nghị định hướng dẫn cho Luật Doanh nghiệp 2014, hai bản dự thảo đầu tiên đã có đề cập đến quy định “doanh nghiệp có con dấu hoặc không có con dấu”, tuy nhiên, ba bản dự thảo tiếp theo đã bỏ đi quy định đó[4]. Điều này phần nào đã cho thấy vấn đề Luật Doanh nghiệp 2014 có bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu hay không đã là một vấn đề gây tranh cãi trong quá trình chắp bút cho Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp. Việc ban soạn thảo trong các bản dự thảo cuối cùng quyết định không đề cập đến vấn đề này mà giữ nguyên câu chữ theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp 2014 cho thấy việc Ban soạn thảo không đủ sự tự tin để giải thích Điều 44 của Luật Doanh nghiệp theo hướng không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu.
Thứ ba, trong mối quan hệ với các quy định pháp luật khác, quan điểm cho rằng doanh nghiệp không bắt buộc phải sử dụng con dấu dường như là không phù hợp. Điều này được thể hiện rõ tại các thông tư điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thủ tục về thuế và hải quan, khi mà doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng con dấu trên các tờ khai thuế, văn bản giao dịch với cơ quan thuế[5] và tờ khai hải quan, v.v.[6]
Như vậy, dưới cả 3 góc độ vừa phân tích, có thể nói doanh nghiệp Việt Nam vẫn bắt buộc phải có con dấu.
Có quan điểm cho rằng Nghị định 108/2018/NĐ-CP mới được ban hành đã thay đổi kết luận trên với quy định:
“4. Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”.”[7]
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, quy định trên của Nghị định 108 chỉ nhằm mục đích giảm tải việc sử dụng con dấu trong quá trình đăng ký doanh nghiệp nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính chứ hoàn toàn không mang ý nghĩa của việc khẳng định doanh nghiệp không bắt buộc phải có con dấu.
Không đóng dấu doanh nghiệp trên hợp đồng thì có ảnh hướng đến tính hiệu lực của hợp đồng không?
Câu trả lời là có thể có và cũng có thể không. Việc xác định hiệu lực ràng buộc đối với pháp nhân khi hợp đồng chỉ do người đại diện pháp luật ký mà không có dấu thì cần phải xem xét theo thứ tự sau: (1) quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể; (2) Điều lệ công ty và (3) thoả thuận của các bên.
Về mặt nguyên tắc, việc sử dụng con dấu sẽ do Điều lệ công ty quy định. Do đó, điều lệ công ty hoàn toàn có quyền quy định việc con dấu sẽ không được sử dụng hoặc được sử dụng trong những loại giao dịch và trên các văn bản giấy tờ nào. Do đó, trừ trường hợp pháp luật bắt buộc phải sử dụng con dấu[8], hợp đồng, thoả thuận giữa các bên trong đó có ít nhất 1 bên là pháp nhân vẫn có đầy đủ giá trị pháp lý về mặt chủ thể giao kết hợp đồng ngay cả khi con dấu không được sử dụng, miễn sao Điều lệ công ty cho phép việc này.
Trên thực tế, theo kinh nghiệm của tác giả, nhiều hợp đồng được ký kết giữa các pháp nhân nhưng không được đóng dấu mà chỉ có chữ ký của người đại diện theo pháp luật vẫn được Toà thừa nhận đầy đủ giá trị pháp lý.
Số phận của “con dấu” trong tương lai?
Điều 44 trong dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 đã đề xuất quy định “Doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; […]”[9]. Như vậy, vấn đề không bắt buộc phải có con dấu lại một lần nữa tiếp tục được thảo luận và sẽ không bất ngờ nếu Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ minh thị trong việc không bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu.
Tuy nhiên, việc loại bỏ con dấu sẽ cần phải thực hiện đồng bộ xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau (thuế, hải quan, kế toán, v.v.) mà không chỉ đơn thuần là Luật Doanh nghiệp.
GÓC PHẢN BIỆN:
Trong bài viết được đăng tải online vào ngày 28/4/2020 trên tạp chí nghiên cứu lập pháp[10], tiến sĩ Đỗ Đức Hồng Hà và Thạc sĩ Lê Thị Hương Giang cho rằng:
“Khoản 1 Điều 44 Dự thảo Luật quy định con dấu của doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu; quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu của doanh nghiệp, dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do công ty, đơn vị khác của doanh nghiệp ban hành”. Quy định này là mâu thuẫn với quy định về hình thức và nội dung đơn khởi kiện tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS): “Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án… trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp” (tức là bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu và phải đóng dấu vào đơn khởi kiện).”
Tác giả cho rằng quan điểm về việc BLTTDS 2015 bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu và phải đóng dấu vào đơn khởi kiện là không phù hợp. Điều 189.3 BLTTDS 2015 dẫn chiếu đến quy phạm của Luật Doanh nghiệp. Do đó, mọi cách hiểu về việc sử dụng con dấu theo BLTTDS 2015 cần phải được hiểu theo tinh thần của Luật Doanh nghiệp, nghĩa là trường hợp Luật Doanh nghiệp không bắt buộc phải sử dụng con dấu thì BLTTDS 2015 cũng cần được diễn giải theo hướng như vậy. Hơn nữa, cách quy định trên của BLTTDS 2015 theo tác giả cũng là hợp lý và không cần bất kỳ sự thay đổi nào. Trái lại, các quy định khác liên quan đến việc sử dụng con dấu trong lĩnh vực hải quan, kế toán, thuế (như nêu tại các mục trên) cần được sửa đổi theo hướng như trên, đó là dẫn chiếu về một mối là Luật Doanh nghiệp thay vì “tự mình” đưa ra các quy định về việc sử dụng con dấu.
[1] Võ Trung Tín và Kiều Anh Vũ, “Bàn về con dấu của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định khác có liên quan” (2016) Số 2 Tạp Chí Khoa Học Pháp Lý 33, 33.
[2] Võ Trung Tín và Kiều Anh Vũ (n 1) 34.
[3] Luật Doanh nghiệp 2005, Điều 36.
[4] Võ Trung Tín và Kiều Anh Vũ (n 1) 35.
[5] Thông tư 80/2012/TT-BTC và Điều 5.2 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
[6] Điều 25.4(c) Nghị định 08/2015/NĐ-CP.
[7] Nghị định 108/2018/NĐ-CP, Điều 1.
[8] Pháp luật bắt buộc phải sử dụng con dấu trong một số trường hợp nhất định (như các chứng từ thuế, hải quan, kế toán).
[9] Xem thêm: Đỗ Đức Hồng Hà và Lê Thị Hương Giang, “Hoàn Thiện Dự Thảo Luật Doanh Nghiệp (sửa đổi)” (2020) Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp <http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210478/Hoan-thien-Du-thao-Luat-Doanh-nghiep–sua-doi-.html> truy cập ngày 14/5/2020.
[10] Đỗ Đức Hồng Hà và Lê Thị Hương Giang (n 9).
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023
One Comment