CASE STUDY: BẢO LÃNH CỦA BÊN THỨ BA ĐỐI VỚI KHOẢN VAY NGÂN HÀNG

Tình huống:

Ông Nguyễn Văn A ký kết một hợp đồng vay với ngân hàng TMCP B để vay số tiền là 10 tỷ đồng. Để bảo đảm cho khoản vay trên, ông A có đề nghị ông Phạm Hoàng C bảo lãnh cho khoản vay trên và ngân hàng B chấp nhận việc bảo lãnh này của ông C với điều kiện ông C phải sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh trên. Trên cơ sở trao đổi ban đầu đó, các bên đồng thuận ký kết các thoả thuận sau:

1. Ông A và ngân hàng B ký kết hợp đồng vay với giá trị 10 tỷ đồng (“HĐ Vay”).

2. Ông C và ngân hàng B ký kết hợp đồng bảo lãnh, trong đó nêu rõ nội dung ông C sẽ đứng ra bảo lãnh cho toàn bộ các nghĩa vụ của ông A đối với ngân hàng B theo HĐ Vay (“HĐ Bảo Lãnh”).

3. Ông C và ngân hàng B ký kết hợp đồng thế chấp tài sản, trong đó ông C đồng ý thế chấp căn nhà do ông C sở hữu (được định giá 10.5 tỷ đồng tại thời điểm ký kết) cho ngân hàng B để bảo đảm cho nghĩa vụ bảo lãnh của ông C theo HĐ Bảo Lãnh (“HĐ Thế Chấp”).

Sau khi đến thời hạn trả nợ khoản vay và ông A không thể thanh toán dù ngân hàng đã nhiều lần phát thông báo nhắc nhở, ngân hàng yêu cầu ông C đứng ra thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình theo HĐ Bảo Lãnh (trả nợ và lãi thay cho A). Tuy nhiên, sau nhiều lần phát thông báo, ông C cũng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo HĐ Bảo Lãnh. Ngân hàng sau đó quyết định xử lý tài sản bảo đảm là căn nhà mà ông C đã thế chấp cho ngân hàng B. Sau khi xử lý tài sản, ngân hàng B thu được 8 tỷ đồng và ngân hàng B tiếp tục yêu cầu ông B phải thanh toán số tiền gốc và lãi còn lại của khoản vay có giá trị là 2.5 tỷ đồng (2 tỷ tiền gốc và 500 triệu đồng tiền lãi). Ông C từ chối vì cho rằng phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh của ông C chỉ giới hạn trong giá trị của căn nhà mà không phải là toàn bộ khoản vay của A theo HĐ Vay.

Vậy lập luận của ông C là đúng hay sai? Và liệu ngân hàng B có thể yêu cầu ông C thanh toán khoản tiền 2.5 tỷ đồng còn lại hay không?

Cơ sở pháp lý liên quan:

Các quy định có liên quan cuả Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015).

  • Liên quan đến bảo lãnh

“Điều 335. Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

[…]”.

“Điều 336. Phạm vi bảo lãnh

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, […], trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Các bên có thể thoả thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

[…]”.

  • Liên quan đến thế chấp

“Điều 327. Chấm dứt thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

[…]

3. Tài sản thế chấp đã được xử lý.

[…]”

  • Quy định khác

“Điều 402. Các loại hợp đồng chủ yếu

[…]

3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.

[…]”

Quan điểm pháp lý:

Sau khi tài sản bảo đảm được xử lý, HĐ Thế Chấp sẽ chấm dứt theo Điều 327 BLDS 2015 nêu trên, do đó, ông C và ngân hàng B không còn bất kỳ quyền và nghĩa vụ nào theo HĐ Thế Chấp. Tuy nhiên, do HĐ Thế Chấp có thể được xem là hợp đồng phụ (hợp đồng phái sinh) của HĐ Bảo Lãnh[1], việc HĐ Thế Chấp chấm dứt sẽ không đồng nghĩa với việc HĐ Bảo Lãnh cũng bị chấm dứt (Điều 402 BLDS 2015). Bởi lẽ đó, nghĩa vụ bảo lãnh của ông C đối với khoản vay của ông A theo HĐ Vay chỉ chấm dứt khi mà toàn bộ các nghĩa vụ của ông A theo HĐ Vay đã được thanh lý với ngân hàng B. Nói cách khác, với việc ký kết HĐ Bảo Lãnh trong đó ghi nhận cụ thể ông C đồng ý bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ của ông A, trách nhiệm của ông C sẽ bao trùm lên toàn bộ nghĩa vụ của ông A với ngân hàng B theo HĐ Vay mà không phải chỉ đơn giản là giới hạn trong khối tài sản bảo đảm theo HĐ Thế Chấp. Trên cơ sở đó, ngân hàng B hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục yêu cầu ông C phải thực hiện HĐ Bảo Lãnh bằng cách yêu cầu ông C tiếp tục thanh toán phần nghĩa vụ còn lại của ông A theo HĐ Vay sau khi việc xử lý tài sản bảo đảm theo HĐ Thế Chấp trước đó không thể giúp ngân hàng B thu lại được toàn bộ nợ gốc và lãi (Ông C sẽ phải tiếp tục thanh toán khoản tiền 2.5 tỷ còn lại cho ngân hàng B để hoàn tất nghĩa vụ bảo lãnh theo HĐ Bảo Lãnh).

Ngoài hình thức bảo lãnh được nêu trên theo tình huống này, trên thực tế, giao dịch vay có sự tham gia của bên thứ ba còn có thể thực hiện dưới hình thức sau:

Bên đi vay vay tiền ngân hàng nhưng bên bảo đảm lại là một bên thứ ba sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của bên đi vay với ngân hàng. Vận dụng vào tình huống trên, trong trường hợp này, giao dịch có thể được cơ cấu như sau:

1. HĐ Vay vẫn được ký kết giữa ông A và ngân hàng B;

2. Ngân hàng B và ông C sẽ không ký kết HĐ Bảo Lãnh bởi không có giao dịch bảo lãnh nào trong tình huống này. Thay vào đó, ngân hàng B và ông C sẽ ký kết trực tiếp hợp đồng thế chấp (thường gọi là hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba) (“HĐTC TS Bên Thứ 3”), trong đó nêu rõ ông C đồng ý sử dụng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của ông A với ngân hàng B theo HĐ Vay.

Dù thoạt đầu nhìn bản chất 2 giao dịch (giao dịch có bảo lãnh và giao dịch không có bảo lãnh) là tương đối giống nhau, tuy nhiên, hệ quả pháp lý của 2 giao dịch này là hoàn toàn khác nhau. Cụ thể hơn, khác với hệ quả giao dịch có bảo lãnh được nêu tại tình huống ban đầu, giới hạn trách nhiệm của người thứ ba (ông C) sẽ hẹp hơn trong tình huống này bởi lẽ ông C chỉ có trách nhiệm giới hạn trong giá trị tài sản bảo đảm mà mình đồng ý sử dụng theo HĐTC TS Bên Thứ 3. Trường hợp ngân hàng B xử lý tài sản và chỉ thu về được 8 tỷ đồng, ngân hàng B sẽ không thể tiếp tục yêu cầu ông C phải thanh toán tiếp tục 2.5 tỷ còn lại do ông C chỉ có nghĩa vụ theo HĐTC TS Bên Thứ 3 và hợp đồng này đã chấm dứt sau khi tài sản bảo đảm bị xử lý (Điều 327 BLDS 2015). Trong tình huống này, ngân hàng B sẽ phải tiếp tục yêu cầu ông A thanh toán khoản tiền còn lại.

Khuyến nghị đối với bên thứ ba

Dù giao dịch được cơ cấu dưới hình thứ nào, bên thứ ba cần nắm rõ các nội dung và bản chất của các loại hợp đồng mà mình tham gia ký kết. Nếu ký kết hợp đồng bảo lãnh, bên thứ ba cần cực kỳ cẩn thận trong việc xem xét nội dung liên quan đến “phạm vi bảo lãnh”. Do Điều 336 BLDS 2015 cho phép việc thoả thuận phạm vi bảo lãnh là toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh (bên thứ ba) cần sử dụng điều khoản này như là một giới hạn trách nhiệm cho mình trong trường hợp bên được bảo lãnh (bên vay) không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình theo hợp đồng vay.


Trong tình huống nêu tại phần đầu, nếu HĐ Bảo Lãnh có quy định phạm vi bảo lãnh của ông C chỉ giới hạn trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm được xử lý, ngân hàng B lúc này sẽ không thể yêu cầu ông C thanh toán cho khoản 2.5 tỷ đồng còn lại. Ngân hàng B trong trường hợp này sẽ chỉ có thể truy đòi ông A theo HĐ Vay.


[1] Ts. Nguyễn Thị Thuỷ, “Bàn về việc áp dụng biện pháp thế chấp, cầm cố tài sản của bên thứ ba và biện pháp bảo lãnh trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng” (2016) số 8 Tạp chí Khoa học Pháp lý 63, 68.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.