By Bao Nguyen

LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI 2020: TRƯỜNG HỢP NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI THÀNH LẬP CÔNG TY NHƯNG KHÔNG CẦN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ

Bài viết này sẽ bình luận về một trong những trường hợp mà nhà đầu tư nước ngoài (“NĐTNN”) không cần phải lập dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“IRC”) – đó là đối với NĐTNN đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư khởi nghiệp theo dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi mới được Quốc hội thông qua vào ngày 17/06/2020 (“Luật Đầu tư 2020”).

Xem thêm về Startup và một số vấn đề pháp lý về quỹ đầu tư mạo hiểm tại ĐÂY.

Điều 22.1(c) của dự thảo Luật Đầu tư 2020 quy định:

“Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Như vậy, trái với yêu cầu của Luật Đầu tư 2014 liên quan đến việc tất cả các NĐTNN khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải lập dự án đầu tư và có IRC[1], Luật Đầu tư 2020 đã bỏ đi điều kiện này đối với NĐTNN thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây được xem là bước tiến tiếp theo trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung (start-ups) tại Việt Nam sau các biện pháp hỗ trợ và tạo điều kiện cho start-ups được đưa ra trước đó, bao gồm:

  • Quyết định 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” ngày 18/05/2016 (“Đề án 844”);
  • Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/06/2017 (“Luật Hỗ trợ SMEs”) và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Chỉ thị 9/CT-TTg về tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày 18/02/2020 (“Chỉ Thị TTg”).

Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 nêu trên nhắm đến hai đối tượng được “miễn” việc thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư và cấp IRC, bao gồm (1) NĐTNN đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (gọi tắt là “SMEs Khởi Nghiệp”) và (2) quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (gọi tắt là “Quỹ ĐTKNST). Luật Đầu tư 2020 cũng nêu rõ việc xác định SMEs Khởi Nghiệp và Quỹ ĐTKNST sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể hơn, đó là Luật Hỗ trợ SMEs và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với Quỹ ĐTKNST, việc xác định là tương đối dễ dàng khi mà khung pháp lý điều chỉnh và việc thành lập quỹ này là tương đối đặc thù so với việc thành lập một doanh nghiệp thông thường và được quy định một cách cụ thể tại Nghị định 38/2018/NĐ-CP (“Nghị định 38”). Do đó, tác giả cho rằng trong trường hợp một NĐTNN thực hiện việc đầu tư thành lập Quỹ ĐTKNST thì việc vận dụng Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 trong việc “miễn” thủ tục cấp IRC cho NĐTNN đó hoàn toàn không phải là một vấn đề lớn.

Trái lại, đối với NĐTNN đầu tư thành lập một start-up, việc xác định liệu start-up đó có được xem là SMEs Khởi Nghiệp theo Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 hay không dường như là không dễ dàng[2]. Luật Hỗ trợ SMEs hiện nay chỉ đưa ra một định nghĩa tương đối chung chung cho “SMEs Khởi Nghiệp”, theo đó Điều 3.2 của Luật Hỗ trợ SMEs quy định:

“Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh, mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.

Những tiêu chí được đề cập tại định nghĩa này khó có thể được định lượng một cách chính xác và có thể dẫn tới tình trạng cơ quan cấp phép “tuỳ tiện” trong việc áp dụng quy định tại Điều 22.1(c). Hệ quả của việc này là mỗi địa phương khác nhau thì lại có một cách hiểu và áp dụng Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 một cách khác nhau.

Có quan điểm cho rằng pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định tương đối chi tiết về các tiêu chí để xác định một “start-up” đích danh, cụ thể hơn là theo Điều 17.1 của Luật Hỗ trợ SMEs và Điều 20 của Nghị định 39/2018/NĐ-CP (“Nghị định 39”)[3]. Tuy nhiên, để áp dụng các tiêu chí này trong việc xác địch “start-up” thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 dường như là không phù hợp, bởi lẽ (1) các doanh nghiệp theo các tiêu chí đề cập tại các điều luật (nghị định) nêu trên là các doanh nghiệp đã được thành lập (tức là đã có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – ERC) trong khi vấn đề có phải xin cấp IRC theo Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 chỉ đặt ra trước thời điểm doanh nghiệp được cấp ERC và (2) các doanh nghiệp thuộc đối tượng nhận hỗ trợ theo các điều khoản đó đương nhiên phải được xác định là “SMEs Khởi Nghiệp” rồi và tiêu chí đặt ra chỉ nhằm mục đích xác định điều kiện để nhận hỗ trợ chứ không phải là tiêu chí để xác định 1 start-up có phải là 1 SMEs Khởi Nghiệp theo Luật Hỗ trợ SMEs hay không.

Trên thực tế, vấn đề xác định start-up nào trong hàng ngàn start-up được xem là một SMEs Khởi Nghiệp theo Luật Hỗ trợ SMEs chưa thực sự được chú trọng. Trong phạm vi hiểu biết của tác giả, dường như cũng chưa có bình luận khoa học pháp lý nào đánh giá về sự phù hợp cũng như khả năng áp dụng trên thực tế của định nghĩa về SMEs Khởi Nghiệp tại Luật Hỗ trợ SMEs. Thực tiễn cho thấy hầu hết các start-up được công nhận là một SMEs Khởi Nghiệp theo Luật Hỗ trợ SMEs phải là các start-ups (1) được đầu tư hoặc lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 39 hoặc (2) nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển bởi một tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Đề án 844[4]. Như vậy, có thể nói pháp luật hiện nay trao quyền diễn giải định nghĩa SMEs Khởi Nghiệp cho các tổ chức nêu trên. Điều này có thể dẫn đến việc “bỏ lọt” hoặc “chọn nhầm” start-up để trở thành SMEs Khởi Nghiệp và dẫn đến việc nguồn hỗ trợ không đến được với đúng đối tượng.

Đây cũng sẽ là vấn đề mà tác giả cho rằng sẽ gây ra nhiều tranh cãi trong quá trình áp dụng Điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020, khi mà không có một tiêu chí định lượng nào ngoài một định nghĩa khá chung chung để cơ quan cấp phép có thể xác định một NĐTNN có được miễn cấp IRC hay không. Có lẽ rằng điều 22.1(c) của Luật Đầu tư 2020 sẽ cần thêm nhiều văn bản hướng dẫn ở cấp Nghị định hay thậm chí là cấp Thông tư để tạo được một sự thống nhất trong việc áp dụng điều khoản này trong tương lai.


[1] Luật Đầu tư 2014, Điều 22.1.

[2] Start-ups (công ty khởi nghiệp) là một thuật ngữ có nội hàm khá đa dạng và do đó, không phải bất kỳ start-up nào cũng thoả mãn các điều kiện để được xác định là SMEs Khởi Nghiệp theo Luật Hỗ trợ SMEs.

[3] Điều 17 của Luật Hỗ trợ SMEs quy định:

Điều 17. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;

b) Chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần.”

Điều 20 của Nghị định 39 quy định:

“Điều 20. Phương thức lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khi đáp ứng điều kiện hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được lựa chọn tham gia Đề án theo một trong các phương thức:

1. Được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức bao gồm:

a) Các khu làm việc chung quy định tại Điều 12 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, đáp ứng các tiêu chí sau: Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; tổ chức có ít nhất 01 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 01 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam;

c) Các Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Được nhận các giải thưởng cấp quốc gia, quốc tế về khởi nghiệp sáng tạo hoặc sản phẩm, dự án về đổi mới sáng tạo.

3. Được cấp Giấy chứng nhận, văn bằng bảo hộ đối với sáng kiến, sáng chế.

4. Được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ, Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.

5. Được lựa chọn trực tiếp bởi Hội đồng.

Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án thành lập và hoạt động đảm bảo nguyên tắc sau:

a) Số lượng thành viên Hội đồng và cơ chế làm việc của Hội đồng do cơ quan chủ trì Đề án quyết định;

b) Có tối thiểu 50% thành viên tham gia Hội đồng là đại diện từ các chuyên gia tư vấn độc lập trong nước và quốc tế, hiệp hội liên quan và các cá nhân khác;”

c) Các thành viên của Hội đồng từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm;

d) Hội đồng hoạt động liên tục trong toàn bộ thời gian của Đề án và tự giải thể sau khi kết thúc Đề án.

[4] Xem thêm tại <http://dean844.most.gov.vn/gioi-thieu.htm> truy cập ngày 25/6/2020.

Bao Nguyen

Chia sẻ bài viết

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.