Bài viết của Nguyễn Thị Tú Uyên
Điều khoản về giải quyết tranh chấp là một trong những điều khoản cơ bản và xuất hiện hầu hết trong các hợp đồng mua bán sáp và sáp nhập (M&A). Trong các giao dịch có yếu tố nước ngoài, các bên còn có thể mở rộng phạm vi thỏa thuận ra các cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài (tòa án hoặc trọng tài nước ngoài). Song đó, việc thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nếu không phù hợp với các nguyên tắc của pháp luật Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thi hành tại Việt Nam của bản án, quyết định được tuyên bởi cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài mà đặc biệt là đối với các tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS”).
Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đưa ra một số phân tích liên quan đến thẩm quyền đối với tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, mà cụ thể là trường hợp tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam thông qua một tình huống cụ thể. Trên cơ sở các phân tích này, tác giả đồng thời sẽ đưa ra ý kiến mang tính gợi mở cho bạn đọc trong quá trình soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán cổ phần/phần vốn góp.
Tình huống: A là một công ty được thành lập tại Việt Nam (“HoldCo A”) và được sở hữu bởi nhà đầu tư có quốc tịch Singapore (“SingCo” hoặc “Bên Bán”). HoldCo A thành lập và sở hữu công ty B, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và đang sở hữu các dự án bất động sản tại Việt Nam (“OpCo B”). SingCo ký kết hợp đồng mua bán phần vốn góp (“HĐMB”) với một nhà đầu tư nước ngoài khác (“Bên Mua”) để bán toàn bộ phần vốn góp của SingCo trong HoldCo A. Trong HĐMB, các bên thỏa thuận pháp luật điều chỉnh toàn bộ hợp đồng là pháp luật Singapore và lựa chọn Tòa án Singapore là cơ quan có thẩm quyền giải quyết bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến HĐMB giữa Bên Bán và Bên Mua.
Tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam
Câu hỏi đặt ra là liệu tranh chấp phát sinh từ HĐMB nói trên có thể được xem là tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo trường hợp tranh chấp có liên quan đến đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam theo Điều 470.1(a) BLTTDS không?
Về cơ bản, để có thể trả lời câu hỏi trên thì trước hết cần xác định phạm vi của quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam là gì. BLTTDS không đưa ra bất kỳ định nghĩa nào đối với thuật ngữ quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam, do đó việc giải thích nội hàm thuật ngữ này sẽ phụ thuộc phần lớn vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cũng vì vậy mà có thể được giải thích với nghĩa rộng.
Quay trở lại tình huống tại đầu bài viết, trước hết cần khẳng định đối tượng của HĐMB giữa Bên Bán và Bên Mua là phần vốn góp trong/quyền sở hữu đối với HoldCo A. Ngoài ra, bản thân HoldCo A không sở hữu bất kỳ bất động sản nào tại Việt Nam và về mặt pháp lý cũng không được xem là chủ sở hữu của các bất động sản của OpCo B – được xem là một pháp nhân độc lập theo quy định pháp luật Việt Nam. Đến đây, có thể thấy chưa có mối liên hệ rõ ràng nào giữa các tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng phần vốn góp trong HoldCo A và quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, như đã đề cập, quyền đối với tài sản là bất động sản chưa được quy định cụ thể và có thể được diễn giải để bao hàm một phạm vi rất rộng. Cơ quan xét xử Việt Nam hoàn toàn có thể diễn giải rằng HoldCo A tuy không phải là chủ sở hữu về mặt pháp lý đối với các bất động sản/dự án bất động sản của OpCo B nhưng trên thực tế việc vận hành OpCo B lại nằm trong sự kiểm soát và định đoạt của HoldCo A với tư cách là chủ sở hữu duy nhất của OpCo B. Nói cách khác, một bên có thể cho rằng HoldCo A gián tiếp sở hữu bất động sản tại Việt Nam (dự án bất động sản của OpCo B và mục đích Bên Bán và Bên Mua thật sự hướng đến khi mua bán phần vốn góp trong HoldCo A là quyền sở hữu và vận hành trên thực tế các dự án bất động sản đang được OpCo B sở hữu về mặt pháp lý thông qua HoldCo A. Như vậy, với cách diễn giải này, có thể thấy rằng đã có mối liên hệ giữa hợp đồng mua bán phần vốn góp trong HoldCo A và quyền đối với tài sản là bất động sản (trong trường hợp này là các dự án bất động sản của OpCo B tại Việt Nam). Điều này đồng nghĩa với việc tranh chấp phát sinh từ HĐMB có thể được diễn giải là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản và do đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định của Điều 470.1(a) BLTTDS. Do đó, theo quy định của BLTTDS, trường hợp tranh chấp giữa Bên Bán và Bên Mua liên quan đến HĐMB được giải quyết bởi Tòa án Singapore theo thỏa thuận của các bên tại HĐMB thì bản án đó sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Trên thực tế, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“TANDCC Tp. HCM”) và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“VKSNDCC Tp. HCM”) đã có quan điểm cho rằng tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty có liên quan đến bất động sản hoặc thực hiện dự án bất động sản là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam và do đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam theo quy định tại Điều 470.1(a) BLTTDS[1]. Dù thực tiễn xét xử này không phản ánh hoàn toàn tình huống mà tác giả đặt ra tại phần đầu bài viết này, tuy nhiên thông qua thực tiễn này, có thể thấy rằng khi xác định một vụ án có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ có xu hướng xem xét tổng thể các quan hệ pháp luật và các đối tượng trực tiếp và gián tiếp liên quan trong tranh chấp mà không chỉ dựa trên đối tượng trực tiếp trong tranh chấp (là quyền đối với tài sản là bất động sản). Theo đó, tác giả cho rằng trên thực tế hoàn toàn có khả năng tranh chấp chuyển nhượng phần vốn góp trong HoldCo A trong tình huống nêu trên được xác định là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản và thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
Thẩm quyền của trọng tài đối với tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
Điều 439 BLTTDS loại trừ thẩm quyền của tòa án nước ngoài đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam nhưng lại không có quy định tương tự đối với trọng tài nước ngoài. Cụ thể, Điều 459 BLTTDS không có quy định Tòa án Việt Nam không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài trong trường hợp vụ việc được trọng tài nước ngoài xử lý thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam như đối với trường hợp của tòa án nước ngoài. Một cách tương tự đối với trọng tài Việt Nam, các quy định của BLTTDS và Luật Trọng tài Thương mại 2010 cũng không khẳng định hay loại trừ một cách rõ ràng thẩm quyền của Trọng tài Việt Nam đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam tại Điều 470.1(a) BLTTDS. Như vậy, về lý thuyết, trường hợp Bên Mua và Bên Bán trong tình huống nói trên thỏa thuận lựa chọn trọng tài nước ngoài là cơ quan giải quyết các tranh chấp pháp sinh từ HĐMB, bản án của trọng tài nước ngoài vẫn có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (với điều kiện không thuộc các trường hợp không được công nhận theo Điều 459 BLTTDS). Tương tự, trường hợp các bên lựa chọn trọng tài Việt Nam là cơ quan giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan, sẽ không có cơ sở cụ thể và rõ ràng để một bên yêu cầu Tòa án Việt Nam hủy bỏ phán quyết của Trọng tài Việt Nam vì lý do vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, thẩm quyền của trọng tài nước ngoài và Trọng tài Việt Nam đối với vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm đối lập. Cụ thể, liên quan đến thẩm quyền của trọng tài trong nước, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng trọng tài có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp có liên quan đến bất động sản. Trong khi đó, đối với vụ việc cùng tính chất Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội lại có quan điểm ngược lại[2]. Liên quan thẩm quyền của trọng tài nước ngoài, đã có trường hợp Tòa án Việt Nam cho rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản do trọng tài nước ngoài xét xử[3].
Như vậy, nhìn chung với thực tiễn quyền liên quan đến tài sản là bất động sản đang được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam diễn giải theo nghĩa rất rộng, việc lựa chọn trọng tài (bất kể trọng tài nước ngoài hay trong nước) là cơ quan giải quyết tranh chấp trong trường hợp này đều có rủi ro không được Tòa án Việt Nam công nhận về thẩm quyền.
Luật Đất đai 2024 làm rõ BLTTDS 2015 đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai?
Xem thêm bài viết: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THÔNG QUA CƠ CHẾ TRỌNG TÀI: CƠ CHẾ MỚI, ÁP DỤNG RA SAO.
Gợi ý trong việc soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp
Theo các phân tích trên, với tình huống nêu tại phần đầu bài viết, việc thỏa thuận cơ quan xét xử nước ngoài (tòa án hoặc trọng tài nước ngoài) là cơ quan giải quyết đối với mọi tranh chấp phát sinh từ HĐMB đều có khả năng dẫn đến rủi ro bản án, quyết định được tuyên bởi cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Tương tự, nếu thỏa thuận chọn Trọng tài Việt Nam thì vẫn có rủi ro không được Tòa án Việt Nam công nhận thẩm quyền (tuy nhiên, rủi ro trong trường hợp này vẫn thấp hơn so với trường hợp thỏa thuận chọn cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài).
Đối với tình huống này, tác giả có đề xuất mang tính gợi mở như sau: Bên Bán và Bên Mua thỏa thuận lựa chọn nhiều hơn một cơ quan xét xử đối với các tranh chấp phát sinh từ HĐMB. Cụ thể, với những tranh chấp nếu được giải quyết bởi cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài sẽ làm phát sinh yêu cầu được thi hành án tại Việt Nam thì sẽ được giải quyết bởi cơ quan giải quyết tranh chấp ở Việt Nam (trong đó nếu thỏa thuận lựa chọn tòa án thì sẽ không có rủi ro cho các bên). Các tranh chấp này thường sẽ liên quan đến nghĩa vụ của Bên Bán mà phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc nghĩa vụ trực tiếp liên quan đến HoldCo A hoặc OpCo B[4]. Đối với các trường hợp khác mà không phát sinh yêu cầu thi hành tại Việt Nam thì các bên có thể thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài hoặc tòa án nước ngoài.
Về cơ sở pháp lý, theo quan điểm của tác giả, thỏa thuận này phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự 2015 (không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội) và do đó có hiệu lực đầy đủ và phải được các chủ thể khác tôn trọng.
Kết luận Qua bài viết này, tác giả đã đưa ra một số phân tích về thẩm quyền của tòa án nước ngoài, trọng tài nước ngoài và trong nước đối với tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Bên cạnh đó, thông qua đề xuất mang tính gợi mở nêu trên, tác giả cũng hi vọng bạn đọc sẽ có được một gợi ý để từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp trong quá trình soạn thảo điều khoản về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng mua bán công ty mục tiêu có liên quan đến bất động sản tại Việt Nam.
[1] Bản án số 52/2019/KDTMPT ngày 11/09/2019 của TANDCC Tp. HCM về tranh chấp quyền sở hữu doanh nghiệp và sở hữu dự án theo hợp đồng liên doanh. Theo đó, VKSNDCC Tp. HCM cho rằng việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp trong doanh nghiệp liên doanh thực hiện dự án bất động sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
Quyết định số 28/2020/QĐKDTM-PT ngày 29/6/2020 của TANDCC Tp. HCM về việc Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam Bản án của Tòa án nước ngoài. Theo đó, cả VKSNDCC Tp. HCM và TANDCC Tp. HCM đều cho rằng tranh chấp đối với hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty có bất động sản thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
(Truy cập: https://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta507307t1cvn/QDPT_CONG_NHAN_BAN_AN_NUOC_NGOAI_DN.pdf)
Xem thêm: Trương Nhật Quang, Pháp Luật Về Hợp Đồng – Các Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản (2020), trang 781.
[2] Xem thêm: Bùi Hữu Toàn, Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại và Tòa án Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (2023).
(Truy cập: https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/87643/74499)
[3] Quan điểm này được một phần thể hiện thông qua Bản án số 09/2023/HS-PT Ngày 17/01/2023 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hà Nội về việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài. Cũng cần lưu ý, trong vụ việc này Tòa án dựa vào yếu tố việc thi hành án có thể liên quan đến tài sản là bất động sản của bị đơn để xác định tranh chấp trong bản án là tranh chấp có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản và thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam.
(Truy cập: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/chitietnguonanle?dDocName=TAND318745)
Xem thêm: Trương Nhật Quang, Pháp Luật Về Hợp Đồng – Các Vấn Đề Pháp Lý Cơ Bản (2020), trang 779.
[4] Ví dụ có thể kể đến nghĩa vụ của Bên Bán trong việc hoàn tất thủ tục thay đổi chủ sở hữu của HoldCo A hoặc thay đổi người quản lý/người đại diện theo pháp luật tại HoldCo A và/hoặc OpCo B với cơ quan có thẩm quyền phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với trường hợp này, tranh chấp liên quan nên được giải quyết tại cơ quan giải quyết tranh chấp tại Việt Nam mà cụ thể là Tòa án Việt Nam.
- LỰA CHỌN CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG GIAO DỊCH MUA BÁN CÔNG TY CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BẤT ĐỘNG SẢN - Tháng Một 12, 2025
- GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THÔNG QUA TRỌNG TÀI: CƠ CHẾ MỚI, ÁP DỤNG RA SAO? - Tháng Một 6, 2025
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng bảy 21, 2024