Xem bài viết tiếng Anh tại ĐÂY.
- Một hệ thống điện mặt trời có những tấm pin được lắp đặt trên các khung, giá đỡ gắn với đất có được xem là hệ thống điện mặt trời mái (ĐMTMN) nhà không?
Không.
Điều 3.5 của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg (“Quyết Định 13”) đã nêu rõ “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của các công trình xây dựng […]”. Theo đó, Bộ Công thương đã có Công văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 mô tả “công trình xây dựng” phải là các công trình có công năng độc lập. Cụ thể hơn, công trình đó phải được tạo lập phù hợp với các quy định của pháp luật xây dựng, đầu tư, môi trường, phòng chống chảy nổ, đất đai. Đồng thời, mái nhà của công trình cũng cần phải phù hợp với công năng của chính công trình xây dựng đó.
Xem Công văn 7088 tại ĐÂY.
2. Có cần phải kiểm tra quy hoạch điện mặt trời của tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trước khi đầu tư dự án ĐMTMN không?
Có.
Mặc dù Quyết Định 13 bỏ ngỏ việc đầu tư một dự án ĐMTMN có phải kiểm tra sự phù hợp với quy hoạch điện mặt trời hay không (cần lưu ý rằng Quyết Định 11[1] (bị thay thế bởi Quyết Định 13) có quy định tương đối cụ thể về việc dự án ĐMTMN sẽ không bị áp dụng quy hoạch điện mặt trời). Đối với một dự án điện mặt trời, vấn đề quan trọng nhất chính là khả năng ký được hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN. Tuy nhiên, quy định của Thông Tư 18[2] lại không quy định rõ EVN có đưa yếu tố “quy hoạch điện mặt trời” vào để đánh giá tính khả thi của dự án ĐMTMN hay không. Về mặt câu chữ, Thông Tư 18 chỉ yêu cầu “EVN có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà”[3]. Như vậy, trách nhiệm của EVN trong việc xem xét quy hoạch đối với các dự án ĐMTMN là không rõ ràng.
Trên thực tế, khi đầu tư dự án ĐMTMN, chủ đầu tư được khuyến khích thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) dù dự án có thể không thuộc trường hợp phải xin IRC theo quy định của Luật Đầu tư. Việc xin IRC có 2 ý nghĩa quan trọng, bao gồm (1) Gián tiếp rà soát về tính phù hợp của dự án ĐMTMN với quy hoạch điện mặt trời chung của tỉnh (trong quá trình xem xét cấp IRC, Sở KH&ĐT hoặc Ban quản lý KCN/KKT nhiều khả năng sẽ xin ý kiến từ các Sở, ban ngành có liên quan, trong đó có Sở Công thương (cơ quan cấp tỉnh đầu mối về quy hoạch điện mặt trời); và (2) Có cơ sở để đảm bảo hưởng các ưu đãi về thuế.
Thực tiễn cũng cho thấy một số địa phương hiện nay (Bà Rịa – Vũng Tàu) yêu cầu chủ đầu tư dự án ĐMTMN còn phải thực hiện cả thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ UBND tỉnh. Điều này cho thấy việc đầu tư thực hiện dự án ĐMTMN không phải là một vấn đề “muốn thì làm” như trước kia.
3. Thuê mái nhà của công trình/nhà xưởng để lắp đặt hệ thống ĐMTMN cần lưu ý điều gì?
Cần phải bảo đảm bên cho thuê có đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến công trình/nhà xưởng đó, trong đó quan trọng nhất là (1) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (“LURC”) có ghi nhận quyền sở hữu hợp pháp của bên cho thuê đối với nhà xưởng có mái lắp đặt hệ thống ĐMTMN[4] và (2) Giấy chứng nhận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với nhà xưởng đó.
4. Hệ thống ĐMTMN có cần phải xin giấy chứng nhận nghiệm thu phòng cháy chữa cháy tách biệt với công trình/nhà xưởng không?
Có thể có hoặc không.
Cụ thể hơn, theo Công văn 3288/CP07-P4 của Bộ Công an ban hành ngày 8/9/2020, việc thẩm duyệt thiết kế đối với dự án ĐMTMN sẽ được tách làm 2 trường hợp:
(1) Trường hợp 1: Phải thực hiện thẩm duyệt đối với các dự án lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc Phụ lục IV của Nghị định 79/2014/NĐ-CP (do Nghị định 79 đã bị thay thế bởi Nghị định 136/2020/NĐ-CP nên có thể hiểu rằng điều này dẫn chiếu đến Phụ lục V của Nghị định 136.
(2) Trường hợp 2: Không thực hiện thẩm duyệt đối với các dự án không nằm trong trường hợp 1 nêu trên.
Xem Công văn 3288 tại ĐÂY.
5. 1MW và 1.25MWp – Lấy con số nào cho phù hợp?
1.25MWp.
Các văn bản hiện nay không có sự thống nhất trong việc sử dụng công suất để xác định hệ thống ĐMTMN (Quyết Định 13 sử dụng 1 MW trong khi Thông Tư 18 lại dẫn chiếu đến cả 1 MW và 1.25 MWp). Một cách đơn giản nhất, MWp (MW-peak) được hiểu nôm na là công suất định danh của một hệ thống điện mặt trời (tổng các công suất định danh của từng tấm pin năng lượng – photovoltaic panel). Nói cách khác, MWp là con số “lý thuyết” mà dư án ĐMT có thể sản sinh ra, trong khi MW thiên nhiều hơn về công suất dự kiến thực tế.
Khi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, MWp là công suất được ghi nhận bởi các nhà sản xuất. Trong phần lớn trường hợp, do tác động của nhiều điều kiện khách quan khác nhau (số giờ nắng, v.v.), công suất thực tế sẽ gần như luôn thấp hơn công suất định danh.
Do tại thời điểm lắp đặt hệ thống ĐMT, việc xác định công suất chỉ có thể nằm ở con số định danh. Vì vậy, 1.25 MWp là con số được sử dụng để đánh giá 1 dự án có phải là dự án ĐMTMN hay không.
[1] Quyết định số 11/2017/TT-CP ngày 11/04/2017 (“Quyết Định 11”), Điều 4.3.
[2] Thông tư 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 (“Thông Tư 18”)
[3] Thông Tư 18, Điều 5.2(b).
[4] Một số cho rằng việc phải cung cấp được Giấy phép xây dựng đối với công trình, nhà xưởng là một điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, tác giả cho rằng miễn là LURC có ghi nhận đầy đủ quyền sở hữu đối với nhà xưởng, rủi ro pháp lý đã được giảm thiểu tối đa. Nói cách khác, công trình được ghi nhận tại LURC đương nhiên được xem là đã bảo đảm pháp lý về mặt xây dựng.
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023
6 Comments
Xin tác giả giải đáp cho tôi một thắc mắc là tác giả có bao giờ thấy thấy Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) hay Ban quản lý các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án điện mặt trời mái nhà hay chưa?
Vì hiện nay công ty tôi đa xin cấp Giấy trên cho dự án điện mặt trời tại địa bàn tỉnh Long An nhưng bị Sở KHĐT tỉnh này từ chối vì lý do các hướng dẫn từ các Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường là quá mập mờ. Do đó, tôi muốn hỏi có tiền lệ nào để tôi có thể đưa ra cho Sở KHĐT tỉnh Long An biết.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Luật sư.
Chào bạn Linh,
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Bản thân mình đã từng gặp (và trực tiếp làm) các dự án (nằm trong các khu công nghiệp), trong đó Ban quản lý khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho rất nhiều dự án điện mặt trời áp mái (BDIZA – Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương). GCNĐKĐT được cấp riêng cho dự án điện năng lượng mặt trời áp mái, công suất dưới 1 MW (hoặc 1.25 MWp) có địa điểm thực hiện dự án tại mái nhà của các nhà xưởng trong khu công nghiệp.
Hiện nay, theo ý kiến của mình, một trong những lý do mà Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đang “chần chừ” trong việc cấp GCNĐKĐT cho bạn là có thể bởi vì giá FIT theo Quyết định 13/2020/TT-CP của TTCP đã hết hiệu lực (và nay chưa có văn bản thay thế). Ngoài ra, việc các dự án điện mặt trời “bùng nổ” trong thời gian gần đây trong khi Quy hoạch điện mặt trời là chưa rõ ràng cũng có thể là một nguyên nhân. Nếu bạn cần tư vấn một cách cụ thể hơn, bạn vui lòng liên hệ e-mail: bao.nguyen@kienthucphaply.com nhé.
Cảm ơn bạn.
Xin cảm ơn các thông tin rất hữu ích.
Tôi có một thắc mắc muốn nhờ Luật sư giải đáp: Trường hợp hệ thống điện mặt trời đã được nghiệm thu và đi vào hoạt động ổn định, cá nhân là chủ sở hữu hệ thống muốn chuyển nhượng toàn bộ hệ thống cho một doanh nghiệp khác, thì hợp đồng chuyển nhượng trong trường hợp này có cần công chứng không, hay chỉ cần chứng thực tại UBND cấp xã là được ạ ?
Xin cảm ơn Luật sư.
Chào bạn Lan,
Pháp luật hiện nay có quy định về một số hợp đồng bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên, hợp đồng mua bán tài sản là hệ thống điện mặt trời (bao gồm các tấm pin và hệ thống lắp đặt) thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng hay chứng thực ở UBND cấp xã nhé bạn.
bài viết của Tác giả rất bổ ích. Hiện nay theo tôi được biết các tỉnh không cấp GCNĐT cho các NĐT vì họ lý giải không cần thiết hoặc không có hướng dẫn rõ ràng. Nhưng ngành điện NLMT là ngành đang được khuyến khích và các NĐT cần GCNĐT để được các ưu đãi. Vì vậy, việc không cấp GCNĐT trong thời gian hiện nay làm cản trở các NĐT. Tác giả có thể cho ý kiến về các căn cứ pháp lý để được cấp GCNĐT liên quan đến kinh doanh điện NLMT đc ko a
Chào bạn Hoa,
Rất xin lỗi vì phản hồi bạn khá trễ. Nhìn chung, căn cứ pháp lý để cấp GCNĐKĐT cho 1 dự án điện NLMT là có (bởi vì nhà đầu tư hoàn toàn có thể yêu cầu cấp GCNĐKĐT cho dự án của mình ngay cả khi dự án đó không thuộc trường hợp phải xin GCNĐKĐT). Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau như bạn liệt kê, mỗi địa phương lại có cách tiếp cận khác nhau liên quan đến vấn đề này. Trong đó, lý do sâu xa (cũng như chính đáng nhất) mà tác giả thường gặp đó là do dự án không phù hợp với quy hoạch điện đã được phê duyệt.