Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm là hai chế tài thường gặp trong các hợp đồng thương mại. Hai thuật ngữ này cùng được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2015 và Luật thương mại 2005. Việc có hai luật cùng điều chỉnh một vấn đề pháp lý (bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm) dễ dàng dẫn đến sự lúng túng trong việc phân biệt và áp dụng quy phạm pháp luật.
Theo đó, để xác định và áp dụng văn bản phù hợp, chúng ta cần trả lời được hai câu hỏi sau
1. Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015 khác gì so với bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm quy định tại Luật Thương mại 2005?
2. Trường hợp nào thì áp dụng Bộ Luật Dân sự 2015 hoặc Luật Thương mại 2005 để xem xét về chế tài bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm?
Hai câu hỏi trên sẽ được phân tích cụ thể tại hai phần dưới đây.
Điểm khác biệt và lưu ý về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm giữa Bộ Luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.
Bộ Luật Dân sự 2015 | Luật Thương mại 2005 | |
Bồi thường thiệt hại | – Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (Điều 13) – Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (Điều 360). | – Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm (Điều 302.1) – Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm (Điều 302.2) |
Kết luận: Tóm lại căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do hành vi vi phạm nghĩa vụ do một bên gây ra. Tuy nhiên, Bộ Luật Dân sự cho phép các bên có thể thoả thuận phạm vi, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, Luật Thương mại nêu rõ, giá trị bồi thường thiệt hại căn cứ vào giá trị tổn thất thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.
Bàn thêm về vấn đề các bên có thể thoả thuận mức bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự, câu hỏi đặt ra rằng (1) Thoả thuận mức bồi thường thiệt hại cao hơn giá trị thực tế (bồi thường trừng phạt – punitive damage) hoặc (2) Thoả thuận mức bồi thường thiệt hại thấp hơn giá trị thực tế có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? – Xem thêm bài viết “Bồi thường thiệt hại theo Bộ luật Dân sự: Phạm vi đến đâu?” tại ĐÂY.
Bộ luật dân sự 2015 | Luật thương mại 2005 | |
Phạt vi phạm | – Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. (khoản 1 Điều 418). | – Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này (Điều 300) |
– Mức phat vi phạm do các bên thoả thuận trừ trường hợp liên quan có quy định khác (Điều 418.2) | – Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này. (Điều 301) | |
– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm (Điều 418.3) |
Kết luận: Tóm lại, căn cứ để phát sinh việc phạt vi phạm là do sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên:
- Mức phạt tại Bộ Luật Dân sự do các bên tự thoả thuận, và tại Luật Thương mại cũng vậy, tuy nhiên, Luật Thương mại đưa ra quy định về mức tối đa là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. (Mức phạt vi phạm sẽ do từng luật chuyên ngành điều chỉnh, ví dụ LTM là 8% còn Luật Xây dựng là 12%).
- Điều đáng lưu ý hơn là, Bộ Luật Dân sự nêu rõ, trong trường hợp, hợp đồng chỉ quy định về phạt vi phạm mà không có thỏa thuận vừa phải bồi thường thiệt hại vừa phải chịu phạt vi phạm thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Nhưng ngược lại, Luật Thương mại không bắt buộc các bên phải có thoả thuận như vậy, nghĩa là nếu hợp đồng áp dụng Luật thương mại, chỉ cần có hành vi vi phạm xảy ra, bên bị vi pham có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm đồng thời với bồi thường thiệt hại (dù cho trong hợp đồng các bên không có thoả thuận về việc phải áp dụng cùng lúc với bồi thường thiệt hại, hoặc không có điều khoản bồi thường thiệt hại).
Trường hợp áp dụng Bộ Luật Dân sự 2015 và trường hợp áp dụng Luật Thương mại 2005.
Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cần xác định rõ chủ thể ký kết, tham gia hợp đồng. Việc chủ thể nào trong hợp đồng bắt buộc phải ưu tiên áp dụng Luật Thương Mại đã được quy định tại Điều 1 và Điều 2 Luật Thương mại 2005. Theo đó, hiểu một cách thông thường, những thương nhân, doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng với nhau sẽ chịu sự chi phối của Luật Thương mại. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 1, trong trường hợp một bên của hợp đồng khi ký kết không nhằm mục đích sinh lợi thì bên đó được quyền lựa chọn áp dụng Luật Thương mại hoặc áp dụng BLDS 2015.
Về mặt nguyên tắc, BLDS 2015 là luật chung và Luật Thương mại 2005 là luật chuyên ngành. Do đó, các quan hệ pháp lý thuộc sự điều chỉnh của cả BLDS 2015 và Luật Thương mại 2005 thì sẽ ưu tiên áp dụng Luật Thương mai làm nguồn luật để giải quyết. Trường hợp Luật Thương mại không quy định thì sẽ áp dụng các nguyên tắc chung của BLDS 2015. Ngược lại, đối với các quan hệ pháp lý không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005, việc áp dụng BLDS 2015 là lẽ đương nhiên.
Hy vọng với những phân tích nhỏ nêu trên, có thể giúp bạn đọc làm rõ khái niệm về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm, cũng như có những lưu ý khi tiến hành soạn thảo hợp đồng cho điều khoản bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm.
Xem thêm thông tin tác giả tại ĐÂY.
- HẠN CHẾ RỦI RO TỪ ĐIỀU KHOẢN CAM ĐOAN, BẢO ĐẢM VÀ BỒI HOÀN TRONG GIAO DỊCH M&A – GÓC NHÌN TỪ BÊN BÁN - Tháng Bảy 21, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (Phần 3) - Tháng Năm 25, 2024
- BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ẤN ĐỊNH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM (tiếp theo) - Tháng Mười Một 11, 2023
One Comment