PHÂN BIỆT VISA, GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG VÀ THẺ TẠM TRÚ

Thị thực (Visa), Giấy phép lao động (Work Permit / GPLĐ) và Thẻ tạm trú (TRC) là các loại giấy tờ quan trọng để một người nước ngoài cần phải có nếu muốn đến hay tạm trú ở Việt Nam trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, có sự khác nhau gì giữa ba loại giấy tờ này?

Thứ nhất, visa là loại giấy tờ đầu tiên sẽ được cấp cho người nước ngoài khi người này muốn đến (nhập cảnh) Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 sửa đổi và bổ sung năm 2019 (“Luật XNC 2014“) thì tuỳ vào mục đích nhập cảnh khác nhau sẽ được cấp loại thị thực khác nhau. Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích trừ một số trường hợp, cụ thể [1]:

a) Có giấy tờ chứng minh là nhà đầu tư hoặc người đại diện cho tổ chức nước ngoài đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Có giấy tờ chứng minh quan hệ là cha, mẹ, vợ, chồng, con với cá nhân mời, bảo lãnh;

c) Được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động;

d) Nhập cảnh bằng thị thực điện tử và có giấy phép lao động hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

Ví dụ: một cá nhân nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch có thể xin visa với ký hiệu DL. Theo quy định tại Điều 9.2 Luật XNC 2014, visa DL có thời hạn 3 tháng với giá trị một lần hoặc nhiều lần. Giá trị một lần có nghĩa là trong thời gian hiệu lực của visa, người này khi đi ra khỏi Việt Nam thì không thể sử dụng lại visa đã được cấp và buộc phải xin lại visa mới nếu muốn nhập cảnh Việt Nam, ngược lại, đối với visa giá trị nhiều lần thì người sở hữu có thể đi ra và vào Việt Nam không giới hạn số lần trong thời gian hiệu lực.

Vậy người có visa DL có thể làm việc tại Việt Nam hay không?

Về mặt nguyên tắc, người có visa DL không thể làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Để làm việc, người nước ngoài cần phải được cấp loại visa phù hợp và phải xin GPLĐ hoặc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp GPLĐ đối với trường hợp miễn GPLĐ (“Xác Nhận Miễn GPLĐ“).

Cụ thể hơn, người lao động phải có visa làm việc (ký hiệu DN1[2] hoặc LĐ[3]). Trước đây không có quy định về thủ tục chuyển đổi trực tiếp từ visa du lịch (DL) sang visa làm việc (DN1 hoặc LĐ1 hoặc LĐ2). Do vậy, doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng người nước ngoài đang sở hữu visa DL cần cấp thư bảo lãnh cho người này và đồng thời, người nước ngoài này cần xuất cảnh khỏi Việt Nam và nhập cảnh lại cùng với thư bảo lãnh đã được cấp. Khi đó, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ cấp visa có ký hiệu DN1 hoặc LĐ1 hoặc LĐ2 (tuỳ từng trường hợp) cho người nước ngoài.

Sau khi Luật XNC 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2019, luật đã cho phép chuyển đổi từ visa DL sang visa khác có mục đích phù hợp như đã nêu ở trên. Như vậy, đối với các trường hợp người lao động nước ngoài muốn chuyển đổi visa DL sang visa DN1 hoặc LĐ1 hoặc LĐ2 thì không cần phải xuất cảnh như trước nếu đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 7.4 của Luật XNC 2014.

Thứ hai, visa làm việc có phải là điều kiện tiên quyết để người nước ngoài được cấp GPLĐ không?

Câu trả lời là hoàn toàn không, trong hồ sơ thủ tục xin GPLĐ theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP không hề yêu cầu người lao động buộc phải có visa hay visa phù hợp với mục đích.

Đây cũng chính là điểm tương đối mâu thuẫn và chưa có sự thống nhất cũng như bổ trợ giữa pháp luật xuất nhập cảnh, cư trú và pháp luật lao động Việt Nam khi mà hiện nay rất nhiều người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam theo visa DL nhưng vẫn có GPLĐ để làm việc một cách hợp pháp.

Thứ ba, TRC là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

Về cơ bản, thời hạn của TRC luôn dài hơn thời hạn của visa. Việc sở hữu TRC sẽ giúp người nước ngoài không phải tốn nhiều chi phí cho việc xin visa mới hoặc gia hạn visa. Ngoài ra, TRC sẽ giúp người nước ngoài được quyền nhập cảnh và xuất cảnh không giới hạn số lần. Vậy điều kiện nào để xin TRC?

Thông thường, để xin TRC cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần phải có (cần lưu ý rằng bài viết này chỉ đề cập đến trường hợp cấp TRC cho các visa ký hiệu LĐ1 hoặc LĐ2; các visa ký hiệu khác vẫn có thể xin cấp TRC theo quy định tại Điều 36 của Luật XNC 2014):

  1. Visa lao động phù hợp (LĐ1 hoặc LĐ2) (Visa ký hiệu DN1, dù không được quy định là 1 trong những loại visa được sử dụng để cấp TRC, vẫn được Cục QLXNC 1 số địa phương chấp nhận và cấp TRC trên thực tế. Khi đó, ký hiệu TRC được cấp sẽ thể hiện là “LĐ” thay vì “DN1”)
  2. GPLĐ hoặc Xác Nhận Miễn GPLĐ.

Tuỳ thuộc vào loại, mục đích nhập cảnh khác nhau mà các điều kiện sẽ khác nhau. Khác với GPLĐ, việc cấp TRC phụ thuộc vào visa đang có hiệu lực của người nước ngoài. Về mặt nguyên tắc, visa với ký hiệu DL sẽ không được cấp thẻ tạm trú [4]. Tuy nhiên, do luật mới đã cho phép việc chuyển đổi trực tiếp từ visa DL sang visa LĐ1 hoặc LĐ2 như phân tích ở trên, Cục QLXNC tại 1 số địa phương vẫn chấp nhận hồ sơ xin cấp TRC mà trong đó thị thực của người nước ngoài vẫn là visa DL (chưa được chuyển sang LĐ1 và LĐ2) với điều kiệu là người nước ngoài đã có GPLĐ hoặc Xác Nhận Miễn GPLĐ. Dù về mặt lý luận, việc các cơ quan này tiếp nhận hồ sơ và cấp TRC trong trường hợp trên là không phù hợp, tuy nhiên, dưới góc độ của người nước ngoài, điều này sẽ giúp họ giảm thiểu thủ tục trung gian là xin chuyển đổi từ visa DL sang visa LĐ1 hoặc LĐ2.

Thời hạn của 1 TRC thường kéo dài từ 1 đến 2 năm, tuỳ vào loại visa. Lưu ý, thời hạn của hộ chiếu (passport) phải dài hơn 3 tháng trước khi hết hạn thẻ tạm trú. Ví dụ, vào ngày 1.1.2020 một cá nhân được cấp thẻ tạm trú theo visa LĐ1, có thời hạn 2 năm, về nguyên tắc, thẻ tạm trú của người này sẽ kéo dài từ 1.1.2020 đến  1.1.2022 Tuy nhiên, hộ chiếu của người này sẽ hết hạn vào ngày 1.12.2021 thì thẻ tạm trú của người này chỉ có thể kéo dài đến 1.9.2021 mà thôi.

Ngoài ra, sau thời gian ngưng cấp giấy phép lao động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 thì nay, các sở lao động tỉnh, thành phố đã cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, tuy nhiên, khi nộp hồ sơ người lao động cần nộp kèm bản gốc hộ chiếu để chứng minh lịch trình đi lại.


[1] Luật XNC 2014, Điều 7.4.

[2] DN1 – Cấp cho người nước ngoài làm việc với doanh nghiệp, tổ chức khác có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam – Luật XNC 2014, Điều 8.8.

[3] LĐ1 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
LĐ2 – Cấp cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện phải có giấy phép lao động – Luật XNC 2014, Điều 8.16 và Điều 8.16(a).

[4] Luật XNC 2014, Điều 36.

Ca Nguyen

Chia sẻ bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.