MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ ĐẦU TƯ MẠO HIỂM

KỲ 1: NGUỒN VỐN VÀ CƠ CHẾ NHẬN VỐN ĐẦU TƯ DÀNH CHO STARTUP

Điểm đặc thù của Startup là tính đột phá – sáng tạo và tiềm năng phát triển nhanh, nói cách khác, Startup phải chứng minh được hiệu quả của mô hình kinh doanh mà mình đang triển khai và vốn là một trong những yếu tố giúp Startup “tồn tại” được trong giai đoạn đầu đầy khó khăn.

Không hiếm những câu chuyện Startup vì thiếu vốn mà dẫn đến trì hoãn dự án và không thể tăng trưởng (scale up). Cũng không hiếm những câu chuyện vì “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Sáng lập viên (Founder) với Nhà đầu tư (NĐT) mà sau đó các bên cự cãi về chuyện “đốt tiền” hay tranh giành quyền kiểm soát sau khi nhận vốn. Bởi vậy, dù ở giai đoạn nào, mới khởi sự hay đang trên đà tăng trưởng, việc nắm những kiến thức pháp lý căn bản về huy động vốn đầu tư sẽ không bao giờ là câu chuyện dư thừa đối với những nhà quản lý, điều hành Startup.

Xem thêm về việc miễn Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) liên quan đến việc đầu tư thành lập Startup tại ĐÂY.

VỐN ĐANG Ở ĐÂU?

  • Nguồn vốn từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khối tư nhân

Ở giai đoạn đầu khởi sự (Early stage), phần lớn Startup Việt bắt đầu bằng “vốn tự có” (Boostraping hay Owner-funding), đó là công sức hoặc một khoản tiền nho nhỏ sẵn có của những người sáng lập, nôm na là “lấy công làm lời”. Rồi sau đó là vốn góp từ gia đình, bạn bè hay những người cùng chí hướng kinh doanh hợp tác với nhau phát triển dự án (3F – Family, Friends & Fools). Thậm chí, vốn có thể đến từ giải thưởng của các cuộc thi về khởi nghiệp.

Ở giai đoạn pre-seed hoặc seed round, không thể không kể đến nguồn vốn từ những NĐT “thiên thần” (Individual Angel Investor). Nguồn vốn này thường được đưa vào Startup một cách nhanh, gọn, đơn giản nhưng mang tính rủi ro cao và gặp giới hạn về tiềm lực vốn cũng như khả năng hỗ trợ khác ngoài hiện kim. Các NĐT thiên thần cá nhân cũng có thể tụ họp lại và lập ra các câu lạc bộ (Deal Clubs), mạng lưới hoặc nhóm những nhà đầu tư thiên thần nhỏ lẻ (Organized Angle Group hay Bands of Angles). Tại Việt Nam, một số mạng lưới đầu tư dành cho khởi nghiệp điển hình là: VIC Impact, iAngle Vietnam hay Angels 4 Us…

Ở các giai đoạn tăng trưởng tiếp theo (Series A, B, C, D…), nguồn vốn chủ yếu đến từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Professional Venture Capital Fund) hoặc Quỹ đầu tư vốn tư nhân (Private Equity Fund). Tại Việt Nam, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư đang hoạt động, trong số đó có các “quỹ ngoại”, điển hình như: IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent Vietnam, DFJ Vina Capital Vietnam,  Mekong Capital… Bên cạnh đó, nhiều “quỹ đầu tư” nội địa cũng được thành lập và đạt được những bước tiến quan trọng trong gần 5 năm trở lại đây, có thể điểm qua những cái tên quen thuộc như: Seedcom, FPT Ventures Vietnam, 500 Startups Vietnam…

Ngoài các hình thức đầu tư truyền thống, thời gian qua, bức tranh thị trường vốn cho Startup được điểm tô thêm những nét chấm phá mới khi liên tục xuất hiện các hình thức huy động vốn sáng tạo. Hình thức gọi vốn từ cộng đồng (Crowfunding) hoặc “phát hành tiền mã hóa ra công chúng” (Initial Coin Offering – ICO) không phổ biến tại Việt Nam và chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh. Bên cạnh đó, các Startup cũng có thể ấp ủ giấc mơ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (Initial Public Offering – IPO) khi đã đi đến chặng cuối của giai đoạn tăng trưởng. Làng Startup Việt điển hình là Startup Yeah1 đã chính thức chào sàn HOSE vào tháng 06/2018.

Bên cạnh các nguồn vốn trên, không ít các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp tư nhân lớn cũng đang “bơm” vốn vào Startup dưới hình thức mua lại các dự án tiềm năng hoặc chiếm tỷ lệ sở hữu vốn cao để nắm quyền chi phối. Startup sau các thương vụ M&A sẽ trở thành công ty con hoặc công ty liên kết trong hệ sinh thái kinh doanh của những “gã khổng lồ”. Điều này cũng không loại trừ khả năng một số thương vụ M&A vào Startup là chiến thuật “mua để diệt” nhằm kiểm soát thị phần và hạn chế cạnh tranh trong tương lai hoặc “M&A ngược” để thực hiện mục tiêu sáp nhập ngược lại vào các công ty đã niêm yết. Điều đáng nói hơn là các tập đoàn tư nhân lớn hiện nay thường “rót” vốn vào Startup dưới hình thức các công ty quản lý vốn (Holding company).

  • Khoản vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại

Các ngân hàng thương mại có thể không phải là một lựa chọn phổ biến của Startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam. Đa số doanh nghiệp thường gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Các điều kiện thông thường để doanh nghiệp có thể vay vốn tại ngân hàng hiện nay là: (i) tài sản bảo đảm (nhà xưởng, máy móc, dây chuyền sản xuất, bất động sản, khoản phải thu…); (ii) tính khả thi của dự án trên thực tế và (iii) số liệu tài chính minh bạch và trung thực. Trong đó, việc chứng minh hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chuẩn bị báo cáo tài chính theo chuẩn quy định của ngân hàng hay giá trị tài sản thế chấp thấp là các rào cản phổ biến khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này.

  • Nguồn lực từ các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườm ươm doanh nghiệp

Một kênh huy động vốn khác mà cộng đồng Startup có thể cân nhắc để tìm kiếm sự hỗ trợ chính là các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Accelerator) và vườn ươm doanh nghiệp (Incubator). Tại đây có những nguồn quỹ tài trợ hoặc cho vay vốn với chính sách ưu đãi dành riêng cho Startup, đi kèm với các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ khác như: cho thuê không gian làm việc; tư vấn chiến lược kinh  doanh, quản lý tài chính; đào tạo nhân lực; xúc tiến thương mại và đầu tư…

Tại Việt Nam, có khoảng 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh và gần 30 vườn ươm doanh nghiệp đang hoạt động. Các vươm tập trung vào việc ươm mầm ý tưởng kinh doanh hoặc giúp đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển. Phần lớn vườn ươm thường trực thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và trường đại học hoặc do các cá nhân, tổ chức khối tư nhân thành lập, chẳng hạn như: Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao TP.HCM, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Songhan Incubator…

Mô hình của các tổ chức thúc đẩy kinh doanh thường không linh hoạt như vườn ươm doanh nghiệp, họ tập trung phát triển doanh nghiệp với tốc độ nhanh ngay từ khi thành lập, một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh hiện nay có thể kể đến là: Vietnam Silicon Valley, VIISA, Founder Institute…

  • Lợi nhuận của doanh nghiệp

Ngoài những nguồn vốn huy động từ bên ngoài, doanh nghiệp cũng có thể tận dụng nguồn lực nội tại của mình. Vốn của doanh nghiệp được tạo lập từ rất nhiều nguồn, trong số đó có lợi nhuận sau thuế. Khoản lợi nhuận này có thể được doanh nghiệp giữ lại, dùng để tái đầu tư mà không phân chia cổ tức cho các cổ đông hay thành viên góp vốn khác.

CƠ CHẾ NHẬN VỐN NHƯ THẾ NÀO?

Toàn bộ quy trình đầu tư – nhận vốn của Startup đều cần thực hiện đúng quy định pháp luật để hạn chế rủi ro pháp lý và đảm bảo uy tín với nhà đầu tư. Có nhiều nguồn vốn ắt có nhiều con đường để tiếp nhận vốn khác nhau, vì vậy, tùy thuộc vào “khẩu vị” của nhà đầu tư và chiến lược tăng trưởng của Startup, các doanh chủ cần tạo dựng “luật chơi” với nhà đầu tư rõ ràng ngay từ đầu, đặc biệt về cấu trúc của giao dịch.

  • Khoản vay chuyển đổi

Khoản vay chuyển đổi (Convertible note hoặc Convertible loan) hiểu nôm na là một khoản nợ ngắn hạn có thể chuyển đổi thành cổ phần trong vòng gọi vốn hợp lệ tiếp theo (Qualified Financing round). Theo đó, nhà đầu tư sẽ cho Startup vay một khoản tiền kèm lãi suất, thay vì nhận lại lợi nhuận, nhà đầu tư sẽ nhận lại cổ phần của công ty mục tiêu (Target company) tại thời điểm chuyển đổi.

Thông thường, để hạn chế rủi ro, nhà đầu tư sẽ phân chia khoản đầu tư của mình thành 2 phần: (i) dùng để mua lại cổ phần của công ty và (ii) cho vay chuyển đổi kèm điều kiện Startup phải đạt được KPI theo thỏa thuận. Đến ngày đáo hạn (Maturity Date) sẽ có một số trường hợp như sau xảy ra: (i) Nhà đầu tư yêu cầu Startup hoàn trả lại gốc và lãi ngay lập tức hoặc (ii) Nhà đầu tư được quyền yêu cầu chuyển đổi khoản vay và lãi phải trả theo tỷ lệ chuyển đổi ưu đãi (Conversion preference) do các bên thỏa thuận.

Tỷ lệ chuyển đổi tương đương với số lượng cổ phần mà nhà đầu tư nhận được. Nếu giá trị của công ty tại vòng gọi vốn hợp lệ tiếp theo không thay đổi, nhà đầu tư có thể yêu cầu chuyển đổi khoản vay và lãi thành cổ phần tương ứng. Khi đó, ngoài số lượng cổ phần mua lại ban đầu, nhà đầu tư còn nhận được một lượng cổ phần khác từ khoản vay chuyển đổi.  Trường hợp không huy động được vốn ở vòng gọi vốn hợp lệ tiếp theo, nhóm sáng lập phải đám phán gia hạn với nhà đầu tư hoặc phải thể hiện trong thỏa thuận góp vốn điều khoản về chuyển đổi tự động (Automatic conversion).

Nếu tại vòng gọi vốn hợp lệ tiếp theo, giá trị của Startup quá thấp thì nhà đầu tư có thể đặt ra mức giá trần (Valuation cap) cho mức định giá của Startup để đảm bảo tuyệt đối khi chuyển đổi, nhà đầu tư luôn nhận được một lượng cổ phần nhất định. Cơ chế này giúp bù đắp rủi ro cho nhà đầu tư nếu giá trị của Startup tại thời điểm định giá không cao như các bên mong đợi.

Ngược lại, nhà đầu tư có thể áp dụng mức giảm định giá (Discount rate), tức Startup được định giá bao nhiêu tại vòng gọi vốn tiếp theo thì phải giảm định giá theo thỏa thuận rồi chuyển đổi khoản vay và lãi ra cổ phần theo tỷ lệ tương ứng. Biện pháp này nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có thể nắm được tỷ lệ sở hữu cổ phần cao hơn nếu giá trị của Startup tại thời điểm định giá rất cao, nằm ngoài dự kiến của các bên.

Về mặt thủ tục pháp lý, đối với thỏa thuận vay với nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp phải lập tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và đăng ký khoản vay với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (phụ thuộc vào thời gian của khoản vay). Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chú ý đến việc báo cáo thống kê định kỳ về việc vay, trả nợ nước ngoài của mình.

  • Chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược

Phương án này thường được nhiều doanh nghiệp lựa chọn khi đã xác định được “người để gả” – nhà đầu tư chiến lược của công ty. Phát hành cổ phần riêng lẻ, tức chỉ phát hành một lượng cổ phần nhất định trong một khoảng thời gian xác định và chào bán chúng cho những nhà đầu tư chiến lược. Về mặt thủ tục, các doanh chủ cần lưu ý phải thông báo về việc chào bán cổ phần riêng lẻ với Cơ quan đăng ký kinh doanh và đăng ký thay đổi vốn điều lệ sau đó.

  • Huy động vốn từ nhân viên

Chính sách ESOP (Employee Stock Ownership Plan) hay “Quyền chọn mua cổ phiếu” là chương trình phát hành quyền chọn mua cổ phiếu với giá ưu đãi dành cho các nhân viên có thành tích vượt trội và đóng góp to lớn vào sự phát triển của công ty dựa trên nhiều tiêu chí lựa chọn (ví dụ KPI, MCC…) và quy định của quy chế phát hành quyền chọn theo chương trình ESOP. Chính sách ESOP hiện nay thường được nhiều doanh nghiệp sử dụng như là một phương án tăng vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu ưu đãi cho một nhóm đối tượng với giá bán thấp hơn thị giá kèm theo một số giới hạn về chuyển nhượng.

  • Chuyển nhượng cổ phần của cổ đông hiện hữu

Khác với việc mua cổ phần chào bán riêng lẻ, nhà đầu tư có thể mua lại cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của công ty và tất nhiên sẽ không có câu chuyện “pha loãng” cổ phần diễn ra. Giá mua lại do các bên tự thỏa thuận, do đó giá mà nhà đầu tư được chào bán có thể khác với giá mà bên bán – cổ đông đã mua trước đó. Sau khi hoàn tất, nhà đầu tư sẽ thay thế vị trí của cổ đông cũ, trở thành chủ sở hữu của công ty.

  • Hợp tác kinh doanh

Việc hợp tác kinh doanh trên thực tế có thể thực hiện theo 02 phương án: thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập pháp nhân mới hoặc các bên góp vốn thành lập pháp nhân chung và thỏa thuận để một bên điều hành hoặc các bên cùng điều hành pháp nhân đó,

Viêc thành lập pháp nhân chung cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Về loại hình doanh nghiệp, các doanh chủ có thể cân nhắc giữa loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên (từ 02 đến 50 thành viên) hoặc công ty cổ phần (tối thiểu 03 cổ đông sáng lập và không giới hạn số lượng tối đa). Các cổ đông có thể góp vốn bằng tiền mặt, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ hoặc công nghệ, bí quyết kỹ thuật và các tài sản khác có thể định giá được. Khi hợp tác kinh doanh, ngay từ giai đoạn đầu, các bên cần chú ý các vấn đề liên quan đến thỏa thuận góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế thu thập đối với kết quả mà các bên đã thỏa thuận phân chia.

  • Vay vốn

Các khởi nghiệp gia có thể tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoặc ngân hàng thương mại với các gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điểm chung của hình thức cho vay này là bên vay phải chứng minh được khả năng tài chính, tính khả thi của dự án đầu tư và kế hoạch sử dụng vốn hợp lý, riêng với các ngân hàng thương mại, điều kiện tiên quyết để vay vốn là doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm.

  • Gọi vốn từ cộng đồng

Về bản chất, Crowfunding và ICO tương tự nhau ở hình thức huy động vốn từ công chúng. Với Crowfudning, các Startup dù ở giai đoạn phát triển ý tưởng hay thử nghiệm sản phẩm đều có thể thực hiện gọi vốn từ cộng đồng những người quan tâm trên các nền tảng (Platform) gọi vốn cộng đồng uy tín. Một số nền tảng Crowfunding lớn hiện nay có thể kể đến là: kichstarter.com, indegogo.com…

Riêng với ICO, câu chuyện dường như phức tạp hơn khi chính công ty hoặc nhóm sáng lập phải huy động vốn thông qua việc thực hiện các đợt phát hành (Crowsale) một số lượng “token” nhất định cho những nhà đầu tư có quan tâm trong những khoảng thời gian xác định.

Hiện nay hình thức huy động vốn từ cộng đồng tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh, các Startup đã ICO hoặc thực hiện Crowdfunding thành công chủ yếu là Startup ngoại. Startup cần cẩn trọng về trách nhiệm pháp lý, ví dụ như khép vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu chẳng may Startup thất bại – không có khả năng chi trả cho người góp vốn.

Dat Hoang

Chia sẻ bài viết

3 Comments

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.