Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định về chống tin nhắn, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 01/10/2020 đã quy định về cách thức quảng cáo thông qua các hình thức thư điện tử, cuộc gọi, tin nhắn và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Đồng thời, trong mấy ngày vừa qua, thông tin về một công ty có ngành nghề dạy tiếng Anh ở khu vực miền Bắc đã bị xử phạt về hành vi quảng cáo qua điện thoại, tin nhắn đã cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này đang thực hiện hết sức nghiêm túc nghị định trên. Có một vấn đề cần làm rõ rằng, nghị định 91 không cấm hình thức quảng cáo thông qua điện thoại, thư điện tử, tin nhắn như một số doanh nghiệp đang lo lắng. Vậy, làm sao để doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện quảng cáo thông qua các hình thức trên mà không vi phạm quy định của Nghị định 91? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số điều kiện cơ bản mà người quảng cáo cần phải làm khi thực hiện hoạt động quảng cáo qua hình thức nhắn tin, gọi điện thoai, thư điện tử.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 91, Người quảng cáo cần phải:
1. Phải kiểm tra Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này để tránh việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại trong danh sách này
Danh sách không quảng cáo là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào.
2. Chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau:
a) Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau khi Người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất;
b) Khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, Cổng/Trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của Người quảng cáo;
c) Gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của Người quảng cáo để đăng ký;
d) Sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.
3. Cung cấp cho Người sử dụng công cụ tra cứu hoặc lưu trữ các thỏa thuận về việc đăng ký, từ chối nhận tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo trên Cổng/Trang thông tin điện tử, mạng xã hội của mình để phục vụ việc thanh, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Chịu trách nhiệm và phải có biện pháp kiểm tra việc đã đồng ý trước một cách rõ ràng của Người sử dụng khi gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo.
5. Có giải pháp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho Người sử dụng trong việc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo theo Điều 16, thư điện tử quảng cáo theo Điều 20 Nghị định này.
6. Phối hợp với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử và các cơ quan tổ chức khác có liên quan trong việc quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, gọi điện thoại.
7. Lưu trữ thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận từ chối của người sử dụng để phục vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát trong thời gian tối thiểu là 01 năm
Khi quảng cáo qua tin nhắn, thư điện tử, người !quảng cáo cần đảm bảo các nguyên tắc (Điều 13 Nghị định 91):
1. Không được phép gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong Danh sách không quảng cáo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc Người sử dụng không đồng ý nhận quảng cáo trước đó.
2. Đối với quảng cáo qua tin nhắn và đối với số điện thoại ngoài Danh sách không quảng cáo, Người quảng cáo chỉ được phép gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết việc gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo.
3. Trường hợp Người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên, Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.
4. Phải chấm dứt việc gửi đến Người sử dụng nhận các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc thực hiện gọi điện thoại quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của Người sử dụng.
5. Mỗi Người quảng cáo không được phép gửi quá 03 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại, 03 thư điện tử quảng cáo tới một địa chỉ thư điện tử, 01 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
6. Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với Người sử dụng.
7. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo.
8. Chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo khi đã được cấp tên định danh và không được phép sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo.
- BÀN VỀ VẤN ĐỀ TRẢ TRỢ CẤP THÔI VIỆC ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI - Tháng Bảy 14, 2021
- NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM TRÊN CƠ SỞ BỘ LUẬT LAO ĐỘNG MỚI - Tháng Sáu 4, 2021
- XÂY DỰNG QUY ĐỊNH VỀ HÀNH VI VÀ XỬ LÝ QUẤY RỒI TÌNH DỤC TẠI NƠI LÀM VIỆC TRONG NỘI QUY LAO ĐỘNG - Tháng Một 4, 2021
One Comment
Nghị định đã có hiệu lực mà tình hình spam vẫn chưa giảm!