MIỄN THUẾ NHẬP KHẨU NGUYÊN VẬT LIỆU ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT

Theo cách hiểu thông thường, một doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hoá do mình sản xuất ra nước ngoài thì các nguyên vật liệu được nhập khẩu trước đó sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để được miễn thuế nhập khẩu hàng hoá đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá để xuất khẩu trên thực tế có những vấn đề gì đáng chú ý?

1. Điều kiện để được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu:

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì, cơ sở để xác định hàng hoá được miễn thuế trên 2 yếu tố là:

(i) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xuất khẩu có cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối với máy móc, thiết bị tại cơ sở sản xuất phù hợp với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực hiện thông báo cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật về hải quan;

(ii) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu.

Trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế là trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu thực tế được sử dụng để sản xuất sản phẩm thực tế xuất khẩu, được xác định khi quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.

Khi quyết toán, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai chính xác, trung thực trị giá hoặc lượng nguyên liệu, vật tư, linh kiện xuất khẩu thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm gia công thực tế nhập khẩu đã được miễn thuế khi làm thủ tục hải quan.

2. Trước khi nhập khẩu hàng hoá về để được miễn thuế nhập khẩu thì doanh nghiệp cần làm gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Nghị định 08/2018/NĐ-CP thì: : Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đầu tiên để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nộp cho Chi cục Hải quan nơi dự kiến các chứng từ sau:

(i) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: 01 bản chụp.

(ii) Văn bản thông báo cơ sở gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nơi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, sản phẩm xuất khẩu theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành: 01 bản chính.

(iii) Hợp đồng thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất đối với trường hợp thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất: 01 bản chụp.

Lưu ý: Ngoài ra Doanh nghiệp phải:

  • Lưu giữ hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công, định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư cho từng mã sản phẩm, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất, sơ đồ giác mẫu (nếu có) tại tổ chức, cá nhân và xuất trình khi cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.
  • Báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa xuất khẩu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu, số liệu báo cáo quyết toán và tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
  • Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhà xưởng, máy móc, thiết bị; giải trình các số liệu, quy trình sản xuất liên quan đến việc sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.

3. Nếu doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu hàng hoá về cho mục đích sản xuất để xuất khẩu sau đó giao lại cho 1 bên gia công một phần hoặc toàn bộ sản phẩm, cuối cùng doanh nghiệp sản xuất đó xuất khẩu toàn bộ hàng hoá thành phẩm đi thì có được áp dụng việc miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá không?

Theo công văn số 79 của TCHQ-TXNK ngày 03/01/2019 của Tổng Cục Hải Quan trả lời thì việc nhập khẩu hàng hoá về để sản xuất xuất khẩu nhưng sau đó thuê gia công một, hoặc một số công đoạn thì không được miễn thuế nhập khẩu với lý do, việc thuê để gia công một hoặc một số công đoạn của công ty sản xuất đã không đáp ứng được điều kiện về hàng hoá được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016, theo đó, cho mục đích nhập khẩu hàng hoá về sản xuất để được miễn thuế ngoài việc toàn bộ nguyên liệu được sản xuất thành hàng hoá xuất khẩu đi thì chính bản thân doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đủ điều kiện, năng lực để tự sản xuất các sản phẩm đó mà không thông qua một bên trung gian, thứ ba để gia công một phần hay toàn bộ.

Ca Nguyen

Chia sẻ bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết cùng chuyên mục

Kiến Thúc Pháp Lý Logo

Đăng ký nhận thông tin mới nhất từ Kiến Thức Pháp Lý.